Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Miền ký ức
Thứ sáu: 15:20 ngày 21/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những vật dụng tưởng như đã bị lãng quên giữa cuộc sống bộn bề hối hả của thời hiện đại, nay được nhìn thấy trong một quán cà phê.

Anh Phạm Hồng Tươi- chủ quán Tầm Quên (bên trái) trò chuyện với một du khách.

Ai cũng có tuổi thơ gắn liền với những vật dụng gia đình thời xa xưa như chiếc cối xay bột, bàn ủi con gà, đèn dầu, đèn măng-xông, ti vi trắng đen, chiếc xe bò lộc cộc… Những vật dụng tưởng như đã bị lãng quên giữa cuộc sống bộn bề hối hả của thời hiện đại, nay được nhìn thấy trong một quán cà phê.

Chiều cuối tuần, tôi ghé vào quán cà phê Tầm Quên (khu phố Hiệp Định, phường Hiệp Tân, thị xã Hoà Thành) trú mưa, nhìn thấy 1 tấm ảnh tập thể trong đó có mình, được chủ quán treo trang trọng trên tường. Tấm ảnh có khổ 40 x 45cm, được ép nhựa. Trong ảnh là hàng chục thanh niên cùng các cô chú tuổi trung niên, trang phục tinh tươm, tập trung ở công viên Hoà Thành, bên những chiếc xe vespa cổ.

Bao kỷ niệm về một thời trai trẻ đầy sôi nổi ùa về. Bên ly cà phê, tiếng mưa rơi lách tách ngoài hiên, tôi nhớ đến hình ảnh những người có chung niềm đam mê xe vespa cổ tụ họp cuối tuần, sau đó dão quanh những tuyến đường chính trong thành phố Tây Ninh.

Bao câu chuyện về xe vespa được anh em chia sẻ. Lịch sử dòng xe này ra sao; loại xe này có mặt trong chiến tranh thế giới thứ nhất như thế nào; cách phân biệt các dòng xe chính hãng của Ý và của nước khác sản xuất. Xen kẽ trong những câu chuyện ấy là sự quan tâm về cuộc sống, chuyện học hành, chia sẻ kinh nghiệm làm việc v.v… Từ những người xa lạ, chúng tôi trở thành bạn bè với nhau cho đến ngày nay.

Quán còn trưng bày hàng trăm vật dụng của những thập niên trước. Tôi đặc biệt chú ý đến chiếc ti vi trắng đen. Những năm đầu sau ngày miền Nam giải phóng, gia đình tôi từ TP. Hồ Chí Minh về Đồng Tháp xây dựng kinh tế mới. Hành trang về vùng đất mới có cả chiếc ti vi trắng đen.

Thời đó, vùng quê hẻo lánh nơi gia đình tôi ở chưa có điện thắp sáng. Ban ngày, lũ trẻ đi nhặt những trái mù u rụng sau vườn, chẻ ra lấy hạt, xắt lát, xỏ xâu để dành ban đêm thắp sáng học bài. Hôm nào ba tôi mua được vài lít dầu theo tiêu chuẩn thì gia đình thắp đèn dầu xài trong vài tháng.

Những khi mua được dầu là chiếc ti vi phát huy tác dụng. Một gia đình trung nông trong xóm có chiếc máy dầu để phát điện. Thế là 2 gia đình “hùn” lại để xem ti vi. Vào những ngày cuối tuần, ông ấy dùng ghe tam bản chở chiếc máy dầu đến nhà tôi, quay máy, phát điện.

Tối thứ 7, chủ nhật, ba tôi đem chiếc ti vi ra ngoài sân. Bà con trong xóm ngồi đầy sân. Mấy tuồng cải lương như Tiếng hò sông Hậu, Tìm lại cuộc đời, Cây sầu riêng trổ bông hay những phim trắng đen Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, Ván bài lật ngửa, Biệt động Sài Gòn v.v… chiếu trên ti vi đã đi vào tuổi thơ của bọn tôi và nhiều bà con trong xóm.

Nhiều người mê cải lương, xem ti vi riết rồi thuộc làu làu các câu vọng cổ, bản vắn, trích đoạn cải lương. Mùa nước nổi trắng đồng hoặc trên những dòng sông, thi thoảng mọi người lại nghe văng vẳng câu hò, vọng cổ của người dân đi giăng lưới, thả câu, đặt lờ... Có lẽ bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử cải lương Nam bộ bắt nguồn từ những mạch ngầm như thế.

Một chiếc xe gắn máy cũ được chủ quán sưu tầm, treo trên trần nhà.

Trong quán cà phê Tầm Quên có cả trăm vật dụng gia đình xưa cũ, được anh Phạm Hồng Tươi- chủ quán sưu tầm, sửa chữa, phục chế trong suốt 20 năm qua. Tất cả các vật dụng đều được sắp đặt, bài trí một cách tinh tế, khéo léo và theo chủ đề riêng biệt.

Những người yêu thích xe cổ thì có thể tìm thấy các xe Goebel, Vespa, Honda đời đầu trong góc tường, dưới gầm cầu thang, hay treo lủng lẳng trên trần nhà. Những dụng cụ nhà nông như cày, bừa, xe bò v.v… được để trong một không gian riêng.

Các vật dụng gia đình như chày, cối giã gạo, cối xay bột, đèn dầu, đèn măng-xông, điếu cày để một khu vực tương đối riêng biệt. Các vật dụng điện tử như radio, cassettes, ti vi, quạt máy được tập trung trên những chiếc bàn, đầu tủ v.v…

Chủ quán- anh Phạm Hồng Tươi- không phải là nghệ sĩ, hoạ sĩ mà từng là kỹ sư trong ngành bưu chính viễn thông và có thâm niên công tác ở Bưu điện tỉnh. Nghỉ hưu sớm, anh dành hết thời gian rảnh rỗi sưu tầm những vật cổ xưa đem về trang trí trong gia đình.

Khi mở quán cà phê, những đồ vật này trở thành điểm nhấn trong không gian quán. Giải thích về tên quán, anh Tươi nói: tầm quên là một trạng thái mơ hồ. Có những kỷ niệm tưởng chừng như mình đã quên lãng nhưng thật sự vẫn còn lưu trữ trong ký ức. Chỉ cần có cơ hội gợi nhớ là những kỷ niệm ấy trỗi dậy.

Những chiếc ti vi gợi nhớ nhiều kỷ niệm trong quán Tầm Quên.

Theo lời anh Tươi, thời gian qua có nhiều Việt kiều đến quán thưởng thức cà phê, nhìn thấy những vật dụng gia đình đang trưng bày, họ rất xúc động, ôn lại nhiều câu chuyện về một thời sinh sống ở quê.

Có khách du lịch từ các nước phương Tây đến, khi vào quán họ rất tò mò, không biết những chiếc gàu giai này có tác dụng như thế nào, trục bừa dùng để làm gì. Chủ quán vui vẻ giới thiệu cho họ về nền nông nghiệp lúa nước của ta, qua đó giúp họ hiểu thêm về văn hoá, con người Việt Nam.

Ngồi nhâm nhi ly cà phê, ngắm nhìn những vật dụng một thời gắn bó, thân quen, cảm giác như trôi lạc vào miền ký ức với bao kỷ niệm đẹp đẽ, tưởng chừng đã đi vào quên lãng…

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục