Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Miếu Trường Ðông và đền ở Bàu Năng
Thứ tư: 00:16 ngày 01/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có những ngôi thờ tự có từ xưa, như một điểm tựa tinh thần cho lưu dân thời mở đất lập làng. Có khi là một tập quán tín ngưỡng mang theo từ quê hương bản quán; có lúc kế thừa từ niềm tin của cư dân bản địa, nơi mình dừng chân.

Miếu Bà ở xã Trường Ðông, thị xã Hoà Thành.

Có những ngôi thờ tự có từ xưa, như một điểm tựa tinh thần cho lưu dân thời mở đất lập làng. Có khi là một tập quán tín ngưỡng mang theo từ quê hương bản quán; có lúc kế thừa từ niềm tin của cư dân bản địa, nơi mình dừng chân. Biểu hiện rõ nhất là các ngôi đền, miếu thờ Bà Chúa xứ, thờ ông Tà có trên khắp đất Tây Ninh, đến nay vẫn còn tồn tại.

Khác với những ngôi thờ tự kể trên, là những đền miếu có ở thời Pháp thuộc (1862- 1945), đấy là cái thời: “Dân làng sống dưới sự đô hộ của thực dân Pháp, ít học, đau không thuốc uống, bệnh hoạn thường hay cầu khẩn Trời, Phật, Thần linh…”. Ðây là những câu viết về “Tiểu sử miếu Bà Chúa xứ- Trường Ân”, ngôi miếu Bà ở ấp Trường Ân, xã Trường Ðông, thị xã Hoà Thành, được xây dựng từ năm 1937.

Cũng cần phải kể ngay rằng, miếu Bà Trường Ân có quan hệ mật thiết với đình Trường Ðông, năm ấy còn là ngôi đình Trung của xã Trường Hoà. Chúng tôi đã có bài lý giải vì sao xã Trường Hoà xưa lại có 2 ngôi đình, nay là đình Trường Ðông và đình Trường Tây, nhưng đình Trung (chiếm vị trí quan trọng của xã) lại ở Trường Ðông.

Vị trí này đến nay vẫn được khẳng định nhờ vào kiến trúc (vật thể) và lễ cúng đình (phi vật thể). So với các ngôi đình ở trên thềm sông Vàm Cỏ Ðông, lễ cúng Kỳ yên các ngày 15 và 16 tháng Giêng tại đình Trường Ðông vẫn là một phiên bản tốt nhất của lễ hội Kỳ yên truyền thống, bao gồm cả nghi thức cúng kiếng, cũng như lễ “tống ôn” rất trang trọng và thịnh soạn. Trẻ em cũng được chú trọng trong lễ hội này với các tiết mục hội múa lân đặc sắc, cũng như màn chia “lộc thần” gồm xôi và bánh trái cho mọi trẻ em có mặt trong ngày lễ chính hội Kỳ yên (16 tháng Giêng).

Vào thời Pháp thuộc, lễ hội Kỳ yên do hương chức trong làng lo liệu. Ban Hội đình Trường Hoà năm ấy có ông Hương cả Nguyễn Văn Có. Vào đêm 15, sau khi hoàn tất mọi công việc cúng kiếng của ngày sau, thì các ông hương chức ngồi lại bên nhau “thở vắn, than dài”.

Rằng: “tại sao quê Trường Hoà mình, bà con vẫn hết sức còn cơ khổ. Cơm không đủ no, áo không đủ mặc, thiếu thốn trông trời, mà Trời cao không thấu…”. Ông Hương cả Có mới ý kiến: “Hay là mình cùng nhau lập miếu, thỉnh Bà Chúa xứ về thờ, tôi nghe dân bàn tán Bà linh lắm”.

Thế là hương chức làng đồng ý hợp tác cùng nhau lập miếu thờ Bà. Sau lễ Kỳ yên năm 1937, mỗi ông hương chức một việc cùng nhau lập miếu. Ông Hương cả hiến phần đất vườn nhà và lên chùa Thiền Lâm - Gò Kén, nhờ sư trụ trì viết cho “tấm kiếng giấy hồng đơn” để đem về thờ. Người cho chữ, không ai khác chính là Hoà thượng Từ Phong- Như Nhãn, người “khai sơn tạo tự” lập chùa Thiền Lâm - Gò Kén (1864-1938).

Như mọi ngôi miếu thờ khác thời kỳ đầu, miếu nhỏ chỉ 1-2 mét vuông diện tích, lợp mái tranh trên cột tre vách đất. Thi công xong miếu vào ngày 12.3 âm lịch, cũng là ngày cúng miếu đầu tiên. Từ đấy, hương chức và dân làng lấy ngày 12.3 âm lịch làm ngày cúng miếu hằng năm.

Nhiều thế hệ dân ấp Trường Ân vẫn tôn thờ và tin tưởng về dâng cúng miếu. Năm 1945, Ban Hội tu sửa lần 1, với cột cây, vách ván, mái lợp ngói. Năm 1971, tu sửa lần 2, thêm một nền gạch tàu cho ngôi miếu. Ðến năm 2006, miếu được xây sửa với cột đúc bê tông tường gạch và mái ngói.

Lúc này xã mới làm con đường mới rộng 6 mét về phía Ðông, nên miếu quay về hướng Ðông, cho hợp với giao thông, thay vì hướng Bắc như hồi trước. Ðến năm 2018, lại thêm một lần miếu được xây sửa khang trang đẹp đẽ với ngôi chánh điện rộng 22 mét vuông, vách xây tường mái ngói, lại có thêm gian nhà khách cùng 2 ngôi miếu thờ thổ địa, thần tài và binh gia chiến sĩ.

Xuất hiện muộn hơn 5 năm so với miếu Bà Trường Ân, bài thơ gắn trên tường chính điện viết rằng: “Ðại thần lãnh binh của vua ban/ Ðược bổ vào Nam đến Cẩm Giang/ Sổ sách lưu danh Huỳnh Công Thắng/ Ngài liền lập ấp dựng thôn làng/ Ðắp đê đắp luỹ hào kiên cố/ Chống giặc Tần sang phá xóm làng…”.

Ðọc lên, ai đó sẽ ngờ rằng đây là dinh thờ Huỳnh Công Thắng tại Cẩm Giang. Nhưng không! Ðó là ngôi đền thờ Ngài ở ấp Ninh Thuận, xã Bàu Năng, nơi tưởng như không liên quan gì đến ngôi thành bảo Quang Hoá mà Huỳnh tướng quân từng trấn giữ.

Người lớn ở ấp Ninh Thuận đều biết nguồn gốc ngôi đền. Ðấy là vào khoảng năm 1945, trong thôn ấp có dịch bệnh “trái đậu” nổi lên, lây lan khắp chốn. Ông Huỳnh Minh Trí (Tư Trí)- một nhân sĩ của làng đi cầu kiến khắp nơi, được mách là rước đức ông họ Huỳnh từ Cẩm Giang về cầu cúng.

Vậy là ông thỉnh Ngài về, lập ban thờ ở nhà riêng. Chủ nhà và bà con xóm ấp đến cúng đều hết bệnh. Thần được cho là rất linh thiêng. Sau lại có chuyện ông Giáo Hai ở trường làng, cứ nửa đêm thì mơ thấy một ông tướng cao lớn đến dựng dậy, đòi trả nhà lại cho ông. Ông thầy giáo sợ quá phải xin cho chuyển trường đi, trả đất lại cho làng.

Nhân đấy mà ngôi miếu ở nhà ông Tư Trí được chuyển đến vị trí ngày nay. Bà Nguyễn Thị Huệ, nay đã 79 tuổi, người thường xuyên đến chăm lo đèn nhang tại miếu còn nhớ, đấy là vào năm 1947, bà cùng trẻ em trong thôn chạy đến xem lễ rước tượng từ nhà ông Tư về ngôi đền mới. Chờ cúng xong thì mọi trẻ em đều được phát “lộc” rất vui.

Ðền thờ Quan Ðại thần Huỳnh Công Thắng tại xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu.

Sau gần 2/3 thế kỷ, đền thờ “Quan Ðại thần Huỳnh Công Thắng” ở Ninh Thuận, Bàu Năng đã trở thành ngôi thờ tự lớn. Khuôn viên gần 1.000 mét vuông, không thua kém các ngôi thánh thất, điện thờ ở các xã, phường. Hai bên ngôi chính điện có các dãy nhà tôn thép nhẹ gọi là Ðông lang, Tây lang.

Chính điện mặt bằng vuông (8,4 x 8,4 mét), chia 3 gian, 3 nhịp. Phía trước có hành lang rộng 2,7 mét, như kiểu một võ ca, phía sau có hậu điện như cấu trúc truyền thống của miếu, đình Nam bộ. Mái lợp tôn giả ngói cùng có hình bánh ít, tường hoa, cổng và sân trước, thảy đều ngay ngắn nghiêm trang. Nội thất được bố trí giống như ở một đình làng.

Lễ hội Kỳ yên ở đền vào ngày 16.3 âm lịch, từ 8 giờ sáng là lễ đăng điện với ban bệ nhạc lễ, đồng nhi, học trò lễ nhịp nhàng dâng cúng, thu hút khá đông người trong và ngoài xã về tham dự. Tuy nhiên, hai năm qua, lễ cúng Kỳ yên chỉ tổ chức nội bộ với sự thận trọng cần thiết. Dù vậy, các bàn lễ vật trước sau ban thờ vẫn đầy ắp các phẩm vật dâng cúng. Trong đó không thể thiếu những mâm xôi vị, xôi cẩm như ở ngôi dinh thờ chính tại Cẩm Giang.

Trần Vũ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục