Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 30.11, tại Trung tâm Văn hoá tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tỉnh Tây Ninh tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 và ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1.12).
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc phát động lễ mít tinh, diễu hành hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc- Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Theo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Tây Ninh, tính đến ngày 31.10.2018, trong toàn tỉnh có 4.942 người nhiễm HIV, trong đó có 3.631 người chuyển sang AIDS và 1.557 người đã tử vong do AIDS.
Tình hình dịch HIV/AIDS tại Tây Ninh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu khống chế làm giảm số ca nhiễm mới, dịch vẫn có xu hướng tiếp tục lan rộng vào cộng đồng dân cư thông qua con đường tình dục không an toàn và tiếp tục gây tác động tiêu cực đối với xã hội thông qua ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ lao động trẻ.
Với chủ đề “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”, trong Tháng hành động, tỉnh Tây Ninh tập trung vào các hoạt động như xét nghiệm HIV tại cộng đồng; đánh giá việc thực hiện các mục tiêu 90-90-90 để hướng tới kết thúc AIDS; kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS đủ điều kiện để ký hợp đồng với cơ quan Bảo hiểm y tế; tổ chức gặp mặt, sinh hoạt câu lạc bộ với những người nhiễm HIV; vận động người nhiễm HIV tham gia và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh…
Cán bộ công chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh tham gia lễ mít tinh.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đã phát động Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS tại Tây Ninh từ nay đến 10.12, kêu gọi toàn thể xã hội cùng hưởng ứng, chủ động tham gia tích cực vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, nhằm hướng đến kết thúc đại dịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải có sự tham gia tích cực hơn nữa của các cấp lãnh đạo trong việc chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các cam kết hành động phòng chống HIV/AIDS; Tăng cường các hoạt động dự phòng, xét nghiệm phát hiện HIV, bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV, nhất là cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người; Xây dựng ý thức tích cực của cộng đồng, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và người ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIVAIDS với gia đình, xã hội; Mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân.
B.T