Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Với diện tích trụ sở làm việc nhỏ hẹp, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) xã Long Phước (huyện Bến Cầu) không có điều kiện để quy hoạch khu tăng gia sản xuất. Trước thực trạng trên, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS xã đã chủ động nghiên cứu, tham quan, học hỏi một số mô hình trên địa bàn đang áp dụng mô hình Aquaponics. Được sự hướng dẫn, hỗ trợ nhiệt tình của Trung tâm Khoa học và Công nghệ tỉnh, Ban CHQS xã đã triển khai thành công mô hình Aquaponics với diện tích 30m2 tại đơn vị.
Mô hình Aquaponics với diện tích 30m2 tại Ban CHQS xã Long Phước
Aquaponics là sự kết hợp giữa nuôi trồng thủy sản và trồng thủy canh. Trong mô hình này cá và rau sẽ được nuôi trồng trong cùng một hệ tuần hoàn. Cá ăn thức ăn và tạo ra chất thải, vi khuẩn nitrite/nitrate hóa sẽ chuyển hóa chất thải của cá từ bể nuôi cá sang dạng dinh dưỡng hữu cơ phù hợp cho cây trồng phát triển. Nước được lọc sạch bởi cây trồng và cung cấp ngược trở lại cho bể cá. Đây là mô hình khép kín, tuần hoàn tận dụng lợi ích của rau và cá trên cơ chế cộng sinh.
Theo ông Nguyễn Phi Hoàng- Trung tâm Khoa học Công nghệ tỉnh, mô hình Aquaponics được thực hiện tại Ban CHQS xã Long Phước là mô hình trồng rau nuôi cá với diện tích 30m2, kinh phí ban đầu là 95 triệu đồng, gồm một bể nuôi cá diện tích 3m3 và hệ thống lọc vi sinh gồm 3 bể khác nhau, có khu vực trồng rau riêng biệt gồm một giàn trồng rau thuỷ canh, một giàn rau hình trụ và một giàn rau trên sỏi nung. Mô hình này có thể kết hợp vừa trồng rau vừa nuôi cá để tận dụng dinh dưỡng từ bể nuôi cá để trồng rau sạch, cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu hàng ngày như rau xanh cho các cơ quan như doanh trại quân đội.
Phía Trung tâm Khoa học Công nghệ tỉnh đã đến tận đơn vị để triển khai, hướng dẫn cách xây dựng mô hình, sau đó hướng dẫn từng bước để đơn vị thực hiện cũng như kiểm tra, khắc phục một số sự cố trong quá trình thực hiện mô hình. Trung tâm đã chuyển giao công nghệ khi xây dựng nhà màn, lắp đặt hệ thống bể nuôi và hệ thống trồng rau nuôi cá. Song song đó sẽ hướng dẫn cho người dân và các chiến sĩ dân quân tự vệ nắm được kỹ thuật trồng trọt và xử lý bể nuôi. Hiệu quả của mô hình này, nhằm cung cấp rau sạch theo hướng hữu cơ, sử dụng nguồn dinh dưỡng từ lượng phân do cá thải ra và sử dụng phân đó để bón phân cho rau.
Với diện tích 30m2 thì đây lần đầu được áp dụng tại xã Long Phước, ngoài ra còn một số mô hình tương tự nhưng diện tích nhỏ hơn, khoảng 24m2 và 3m2, được thực hiện tại huyện Châu Thành. Theo đánh giá, sau khoảng 1 tháng triển khai, mô hình đã hoạt động bình thường, cá và rau phát triển tốt, đúng tiến độ nuôi trồng. Về kế hoạch nhân rộng, Trung tâm Khoa học và Công nghệ hiện đang phối hợp với Tỉnh đoàn và Hội Nông dân tỉnh, thực hiện những mô hình Aquaponics tại xã Tân Bình, TP. Tây Ninh, đặc biệt trong thời gian tới sẽ nhân rộng ở các địa phương trên toàn tỉnh.
Ông Nguyễn Hải Âu- Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Long Phước cho biết, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Khoa học Công nghệ thực hiện mô hình trồng rau thuỷ canh kết hợp nuôi cá. Chúng tôi thấy mô hình này phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, giúp cung cấp thêm rau sạch và cá cho đơn vị được cải thiện thêm trong bữa ăn hàng ngày. Hy vọng mô hình sẽ cung cấp lượng rau sạch cho đơn vị thường trực cũng như bảo đảm bữa ăn cho anh em trong đơn vị.
Khu vực giàn rau trên sỏi nung
Theo Trung tâm Khoa học Công nghệ Tây Ninh, sau khi được chuyển giao, Ban CHQS xã Long Phước sẽ áp dụng trồng nhiều loại rau khác nhau để phục vụ bữa ăn hàng ngày như: rau muống, cải xà lách, cải bẹ trắng, cải xanh. Đối với bể cá, thường nuôi các loại như: cá rô phi, cá trê… sẽ được chọn nuôi trong các hệ thống Aquaponics do một số đặc điểm sinh thái của cá phù hợp với điều kiện nuôi trong bể. Ngoài ra, mô hình cũng có thể lựa chọn một số đối tượng khác như là cá tai tượng, tôm càng xanh…
Mô hình Aquaponics được đánh giá là mô hình nông nghiệp mới mang nhiều ưu điểm vượt trội như bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, không gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm thời gian và công sức của bà con nông dân… được xem là mô hình nông nghiệp phát triển bền vững trong tương lai, cần được nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Nhi Trần – Hoàng Yến