Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Mô hình BQL an toàn thực phẩm: Thách thức cho mô hình mới
Thứ ba: 22:12 ngày 07/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Giải quyết vấn nạn thực phẩm ở một thành phố lớn như TP.HCM là thách thức với Ban quản lý an toàn thực phẩm TP - mới vừa được thành lập ngày 6-3.


Một ngôi chợ tự phát ở quận Bình Tân, TP.HCM với các mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc - Ảnh: Hữu Khoa

TP.HCM chính thức thực hiện mô hình Ban quản lý an toàn thực phẩm, vừa ra mắt hôm qua. Đây là cơ quan thống nhất các đầu mối cùng chức năng kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm ở Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Công thương.

Mô hình thí điểm này đang được kỳ vọng kiểm soát được an toàn thực phẩm từ trang trại/ruộng tới bàn ăn của mọi gia đình; chấm dứt tình trạng một miếng ăn có tới 3 bộ quản lý, gây nên tình trạng tréo ngoe như bao lâu nay.

Nói thế để thấy là có những hi vọng nhất định với mô hình này, dù đây không phải là lần đầu tiên có một cơ quan chịu trách nhiệm về vệ sinh thực phẩm từ A-Z.

Trước khi có Luật an toàn thực phẩm hiện hành (năm 2010), Bộ Y tế chịu trách nhiệm chung về an toàn thực phẩm, nhưng bộ này chỉ chịu trách nhiệm khi mớ rau, con cá đã thành miếng ăn, thành “thực phẩm”, còn khi nó đang ở dạng nguyên liệu thì rau, cá đó lại do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phụ trách. Nếu đó là sản phẩm chế biến thì lại là nhiệm vụ của... công thương.

Tình hình vẫn chưa khá hơn từ sau khi có Luật an toàn thực phẩm hiện hành, vì luật quy định bộ chuyên ngành quản lý sản phẩm chuyên ngành, như Bộ Y tế chỉ quản lý 5 nhóm hàng, ngành nông nghiệp quản lý thực phẩm nông sản, còn ngành công thương quản lý sản phẩm chế biến.

Mỗi đợt thanh tra, người ta phải đợi “đoàn liên ngành” gồm nhiều thành phần đi thanh tra an toàn thực phẩm.

Không ít vụ việc ngành nọ “đá” ngành kia vì không hiểu lẫn nhau, như năm 2016 đã xảy ra vụ quản lý thị trường (trực thuộc ngành công thương) thu giữ xúc xích, nhưng y tế lại nói sản phẩm đó hoàn toàn đủ điều kiện lưu hành.

Khi thoát khỏi tình trạng 5 cha 3 mẹ, rõ ràng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM có đủ điều kiện để thanh tra, giám sát, kiểm soát từ A-Z tất cả mặt hàng là thực phẩm, thay vì phải đợi sự tham gia của các ngành cùng chức năng như mô hình trước đây.

Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cũng là nơi phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra mất an toàn thực phẩm, thay vì một sản phẩm lại có đến 2-3 cơ quan cùng liên đới, như sản phẩm nước mắm hiện nay thì quy định hiện hành do Bộ Y tế ban hành, nhưng cơ quan đang xây dựng tiêu chuẩn nước mắm mới lại là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn!

Nhân sự ra đời Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, chợt nhớ cách đây đúng một năm, hai thành phố Hà Nội và TP.HCM thí điểm thực hiện thanh tra chuyên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm ở xã phường mà ngày “ra quân” cũng được kỳ vọng rất nhiều, nhưng hiệu quả thì giờ đây ai cũng phải thừa nhận là thất bại.

Giải quyết vấn nạn thực phẩm ở một thành phố lớn như TP.HCM là thách thức với Ban quản lý an toàn thực phẩm TP, thách thức với một mô hình mới.

Vì vậy, dư luận ủng hộ Ban quản lý an toàn thực phẩm và tinh thần quyết liệt của tân trưởng ban Phạm Khánh Phong Lan, nhưng cũng không khỏi lo âu...

Nguồn TTO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh