Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Mô hình trồng sâm Bố Chính hướng đi mới cho nông dân
Thứ bảy: 09:50 ngày 29/05/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Cây sâm Bố Chính phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương và là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc...

Cán bộ kỹ thuật trao đổi kinh nghiệm trồng sâm Bố Chính.

Mô hình trồng thử nghiệm sâm Bố Chính được Công ty TNHH Bà Đen Farm triển khai từ năm 2015 với diện tích 1,2 ha trên địa bàn phường 1 (thành phố Tây Ninh). Sau vụ thu hoạch đầu tiên, sâm Bố Chính đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, thích hợp với thổ nhưỡng nên cây phát triển tươi tốt, ra củ dài từ 10-30cm, đường kính khoảng 3-5cm. Đến nay, sâm Bố Chính đang được mở rộng diện tích ra các nơi khác trên địa bàn tỉnh.

Bà Huỳnh Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH Bà Đen Farm cho biết, dược tính sâm Bố Chính được cho là tương đương nhân sâm Hàn Quốc. Sâm Bố Chính có vị ngọt, tính mát. Đây được xem là cây dược liệu quý, có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, có khả năng phòng và điều trị được rất nhiều bệnh như suy nhược cơ thể, ho, viêm phế quản, nóng số… Loại cây này dễ trồng, dễ chăm sóc nên đã được Công ty đưa về trồng thử nghiệm với quy mô nhỏ nhưng hiệu quả kinh tế cao và thị trường rất ưa chuộng loại sâm này.

Thành công sau đợt thu hoạch đầu tiên, bà Hạnh mạnh dạn chuyển giao kỹ thuật để nông dân địa phương nhân rộng diện tích sản xuất nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Người lao động nhổ cỏ cho sâm.

Đến nay, Công ty đã liên kết với nông dân trồng hơn 8 ha tại xã Chà Là (huyện Dương Minh Châu), xã Thạnh Đức (huyện Gò Dầu), thị trấn Châu Thành (huyện Châu Thành), phường 1 (thành phố Tây Ninh), xã Mỏ Công (huyện Tân Biên).

Theo bà Hạnh, khi liên kết, chuyển giao kỹ thuật cho người dân trồng, phía Công ty sẽ hỗ trợ cho người dân chi phí đầu tư ban đầu như đầu tư hạt giống và xử lý đất bằng phân vi sinh. Hỗ trợ thiết kế hệ thống tưới tiêu cho phù hợp với túi tiền của người dân. Sau khi thu hoạch được 1/2 sản lượng, người dân sẽ thanh toán trước 50% chi phí đầu tư ban đầu đến khi thu hoạch cuối vụ người dân sẽ trả hoàn tất số chi phí còn lại.

Bà Hạnh cho biết thêm, người dân phải tốn khá nhiều chi phí cho vụ trồng đầu tiên (khoảng 120 -150 triệu đồng/ha) để xử lý đất, đầu tư hệ thống tưới, hạt giống… sang vụ trồng thứ 2,  người dân chỉ phải đầu tư khoảng 80 - 90 triệu đồng/ha mua hạt giống, cày xới đất. Với năng suất đạt cao từ 5- 7 tấn, sau khi trừ hết chi phí người dân thu lời từ 200- 250 triệu đồng/ha.

Sản phẩm rượu được ngâm từ sâm Bố Chính.

Thời gian thu hoạch sâm từ 8 tháng - 1 năm, lúc này sâm có lượng dinh dưỡng cao nhất và trọng lượng sâm đạt yêu cầu. Sau khi thu hoạch, sản phẩm sẽ được Công ty tiêu thụ theo hợp đồng đã ký kết; đồng thời công ty liên kết với các siêu thị, chuỗi cửa hàng trong và ngoài tỉnh để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.

Ông Mai Thanh Long, cán bộ kỹ thuật của Công ty cho biết, quá trình trồng cây và chăm sóc được người dân thực hiện canh tác tự nhiên, không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Do đó dược tính sâm rất cao và bảo đảm an toàn, hoàn toàn tự nhiên. Sâm củ sau khi thu hoạch phân thành 3 loại, với giá bán khác nhau, loại 1 (6-12 củ/kg) có giá 390.000 đồng/1 kg, loại 2 (13 - 18 củ/kg) có giá 190.000 đồng/1 kg,  loại 3 (20 củ trở lên) có giá 140.000 đồng/kg.

Ông Long cho biết thêm, ngoài việc thu hoạch sâm tươi, người trồng có thể tận dụng bông và lá của cây sâm Bố Chính đem phơi khô để làm trà uống rất tốt cho sức khỏe.

Hoa sâm Bố Chính được mang đi phơi khô để làm trà.

Ông Nguyễn Tôn Trọng, người dân liên kết với Công ty trồng sâm Bố Chính trên địa ấp Bến Rộng, xã Thạnh Đức (huyện Gò Dầu) cho biết, qua quá trình tìm hiểu về thị trường của sâm Bố Chính rất được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Củ sâm Bố Chính tươi.

Đặc biệt, là sâm Bố Chính phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương và là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc nên ông quyết định liên kết trồng 2 ha. “Hiện cây sâm trồng được 6 tháng, cây đã ra hoa và hứa hẹn sẽ cho năng suất cao. Sau khi thu hoạch xong vụ sâm này, tôi tiếp tục ký hợp đồng với công ty trồng thêm 1 ha nữa để tăng thêm thu nhập”.

Bà Huỳnh Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH Bà Đen Farm cho biết thêm, ngoài sản phẩm tươi được xuất ra thị trường, sâm Bố Chính đang được công ty chế biến thành các sản phẩm như: sâm sấy khô, bột sâm, sâm nước, cao sâm, rượu sâm…

Cây sâm Bố Chính thích hợp thổ những nên phát triển tươi tốt.

Sắp tới đây, Công ty sẽ tiếp tục chuyển giao kỹ thuật cho người dân để mở rộng vùng trồng đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay. Ngoài ra, công ty đang hoàn tất thủ tục để đăng ký tiêu chuẩn GobalGAP cho sâm Bố Chính, cũng như xin chủ trương đầu tư nhà máy chế biến nhằm đa dạng hóa sản phẩm sâm Bố Chính  để xuất sang thị trường nước ngoài.

Nhi Trần

Tin liên quan