Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Mobile Money - thế khó khi 'sinh sau đẻ muộn'
Thứ hai: 09:30 ngày 15/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Được thí điểm khi 70% người dân đã có tài khoản ngân hàng, Mobile Money dù khuấy động thị trường vẫn khó tạo nên cuộc cách mạng thanh toán ở Việt Nam.

Tài khoản di động do một nhà mạng cung cấp. Ảnh: Viettel Pay.

Mobile Money được nhắc đến như một hình mẫu thành công khi được triển khai từ hơn chục năm trước và tạo nên cuộc cách mạng thanh toán tại một số nơi mạng lưới ngân hàng chậm phát triển như Kenya, Zimbabwe, Indonesia...

Điển hình nhất là tại Kenya, chỉ sau hai năm triển khai, vào 2009, dịch vụ tiền di động ở nước này trở thành phương thức chuyển tiền phổ biến nhất với 40% người lớn sử dụng dịch vụ. Tốc độ phát triển của tài khoản Mobile Money vượt qua mọi dịch vụ tài chính ở Kenya. Tới nay, hơn 70% người đân nước này có tài khoản Mobile Money.

Nhưng tại Việt Nam, Mobile Money được khai sinh khi đã có 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Các phương thức thanh toán khác như thẻ ngân hàng, ví điện tử, QR Code by VnPay... cũng ngày một phát triển nhanh chóng.

Do đó, theo đánh giá của một vài chuyên gia, giúp người dùng có thêm sự lựa chọn, nhưng Mobile Money khó làm nên cuộc cách mạnh thanh toán như đã từng ở một số nước.

Khác với các nước chậm phát triển vào chục năm trước, các hình thức thanh toán trực tuyến đã phát triển đa dạng tại Việt Nam. Thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam đang ở giai đoạn tăng trưởng tích cực.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, số lượng và giá trị giao dịch thanh tính đến cuối tháng 10/2020 qua kênh di động tăng mạnh 125% so với cùng kỳ năm trước, với tổng giá trị giao dịch gần 9,6 triệu tỷ đồng. Số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,2 triệu tỷ đồng (tăng 8% về số lượng và 25% về giá trị).

Nhìn chung, Mobile Money đã bỏ lỡ thời điểm tốt nhất để tiếp cận với người dân.

Một chuyên gia trong lĩnh vực trung gian thanh toán đánh giá, mạng lưới ngân hàng ngày càng rộng lớn, chưa kể sắp tới cũng sẽ có quy định về đại lý ngân hàng có thể giảm bớt lợi thế về mạng lưới rộng khắp mà Mobile Money đang có. Các tiện ích thanh toán qua tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử đã phát triển đa dạng và đầy đủ, do đó không còn dư địa nhiều cho Mobile Money.

Các ví điện tử với lợi thế người đi trước cũng đã gây dựng được hệ sinh thái khách hàng riêng đi kèm thói quen tiêu dùng. Trong khi đó, hạn mức giao dịch của Mobile Money chỉ bằng 10% ví điện tử sẽ là vấn đề với những người thường xuyên chi tiêu và mua sắm ở khu vực thành thị.

Việc phải đến tận điểm kinh doanh (nếu không có tài khoản ngân hàng) để nạp tiền vào Mobile Money cũng là một trở ngại với người dùng. Hơn nữa, với các nhà mạng, việc nộp tiền mặt vào điểm kinh doanh cũng phát sinh các chi phí quầy, két, bảo vệ và độ trễ của dòng tiền.

Chia sẻ với VnExpress, ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng giám đốc VietUnion - đơn vị cung cấp nền tảng thanh toán Payoo nói rằng Mobile Money có lợi thế để phát triển. Tuy nhiên cũng sẽ gặp không ít khó khăn trong quá trình vận hành và triển khai đến người dùng cuối trong thời gian thí điểm.

Với những người dùng chưa quen với thanh toán điện tử, các nhà mạng sẽ phải bỏ ra nhiều công sức và chi phí hơn để giáo dục người dùng. Ngoài ra, họ cũng khó lòng triển khai một mình mà cần sự phối hợp của các đơn vị trung gian thanh toán để phổ cập tới cả người dùng và điểm bán hàng.

Một nhà mạng lấy ý kiến nội bộ về dự án Mobile Money đầu năm 2021. Ảnh: Mạnh Hưng.

Tuy nhiên, Mobile Money vẫn được dự báo sẽ khuấy động thị trường thanh toán, trong bối cảnh các ông lớn viễn thông đang thể hiện rất rõ tham vọng lấn sân làm thanh toán.

Ông Vũ Thành Trung, Giám đốc khối ngân hàng số MB - đơn vị cùng tham gia triển khai tài khoản Mobile Money của Viettel Pay tin rằng Mobile Money giúp thị trường thanh toán sôi động hơn và trở thành cánh tay nối dài cho các ngân hàng. Tiền di động sẽ góp sức thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và đẩy nhanh hơn việc tiếp cận với 30% người dân chưa có tài khoản ngân hàng, vốn tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn.

Chủ tịch của một công ty vận hành ví điện tử top 3 thị trường cũng cho rằng, dù sinh sau đẻ muộn, Mobile Money vẫn sẽ tìm được thị trường "ngách" và chiếm một phần đáng kể trong lưu lượng thanh toán hằng ngày nếu có chiến lược tốt.

"Một người vẫn dùng nhiều tài khoản ngân hàng và thậm chí có thêm một vài ví điện tử. Người dân không trung thành với duy nhất một dịch vụ nào cả. Miễn là dịch vụ nào thân thiện, thuận lợi và khuyến mãi nhiều thì họ sử dụng", ông phân tích về việc Mobile Money vẫn có đất sống.

Lợi thế của Mobile Money so với các phương thức thanh toán khác là có thể đăng ký mà không cần gắn với tài khoản ngân hàng. "Đó là điểm cộng lớn. Trên thực tế qua quá trình chúng tôi triển khai, việc gắn tài khoản ngân hàng với ví điện tử là một rào cản với người dùng", chủ tịch của ví điện tử này đánh giá.

Ông cho biết, tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt tại các chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại hiện đại vẫn chiếm tới 80%. Nhiều người dân ở thành thị đã có tài khoản ngân hàng nhưng phần lớn giao dịch vẫn được thanh toán bằng tiền mặt. Hơn nữa, Mobile Money có giá trị riêng của họ. Việc khuyến mãi bằng cách tặng data, phút gọi, tin nhắn... cũng đủ để hấp dẫn người dùng tìm đến tài khoản tiền di động.

Ngoài ra, Mobile Money đang có một lợi thế rõ rệt về mạng lưới chi nhánh khi khai phá ở khu vực nông thôn, nơi tài khoản ngân hàng chưa phổ biến, hoặc tài khoản ngân hàng phổ biến nhưng người dân vẫn chưa thanh toán, chuyển tiền online.

Rất nhiều người dân mở tài khoản ngân hàng chỉ để đến tháng nhận lương, sau đó lại tới ATM rút tiền mặt. Họ thậm chí chưa đăng ký cả Internet Banking lẫn Mobile Banking vì vẫn quen với việc dùng tiền mặt. Tại nhiều khu vực, siêu thị và cửa hàng lớn chưa phổ biến, các ngân hàng chưa đầu tư được máy POS, ví điện tử cũng chưa đủ nguồn lực vươn tới, đó là cơ hội tốt cho Mobile Money.

Tổng giám đốc VietUnion đánh giá, cuộc chơi thanh toán trên thị trường vẫn chưa ngã ngũ mà còn phụ thuộc vào hướng đi đúng đắn và linh hoạt của từng bên để thích nghi với từng thời điểm khác nhau. Nhưng ít nhất nó sẽ mang lại nhiều sản phẩm và dịch vụ tốt hơn nữa cho người dân, kích thích sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục