Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đến với thơ hay
Mộc mạc mà tinh tế...
Thứ ba: 20:20 ngày 28/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những bài thơ ứa ra nỗi niềm chua cay mặn ngọt đời người, nó tha thiết như tiếng đờn cò, nó ngất ngư như những câu ca vọng cổ gọi đêm, nó lặn vào hồn đước muôn đời.

Nhận xét về thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết: “Nói về văn chương vùng miệt vườn sông nước Nam Bộ ta hay nhắc tới Sơn Nam, Ðoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Ngọc Tư…

Hình như chúng ta quên mất có một nữ thi sĩ viết thật hay về miền đất này, đó là Nguyễn Thị Ánh Huỳnh. Thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh không tả nhiều về không gian miệt vườn sông nước Nam Bộ mà găm vào những thân phận tình yêu của con người nơi đây.

Những bài thơ ứa ra nỗi niềm chua cay mặn ngọt đời người, nó tha thiết như tiếng đờn cò, nó ngất ngư như những câu ca vọng cổ gọi đêm, nó lặn vào hồn đước muôn đời. Và trên hết, đó là thân phận của những người phụ nữ đầy khao khát tình yêu muốn khai phóng khỏi niềm cô độc…”.

Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh có cái... lý lịch gồm đủ 3 miền: cha gốc Bắc, mẹ người Huế, và chị sinh ra tại Cần Ðước, Long An. Chị tốt nghiệp Ðại học Sư phạm, là giáo viên Văn, Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM và Hội Nhà văn VN, Uỷ viên Hội đồng Thơ, hiện sinh sống tại TP.HCM.

Bài thơ “Miệt vườn” là một trong những bài thơ tiêu biểu cho nét đặc sắc và phong thái riêng, rất “Nam bộ” của chị. Gợi nhớ một vùng quê sông nước, nơi có những cây đước, cây tràm, nơi chị được sinh ra: “má chôn cuống nhau em/ vào tiếng cuốc/ chiều miệt vườn gió lạc trong cây/ đêm bị thương bởi tiếng đờn cò/ chú Tư vuốt/ ánh trăng thành tiếng nấc/ miệt vườn”.

Một sự “đảo ngữ” thú vị, khi tiếng cuốc đất vang lên, cuống nhau của em bé sơ sinh được chôn xuống. Chứng nhận sự ra đời và hiện diện của một sinh linh. Một con người ra đời. Không là tiếng khóc tu oa đầu đời, mà văng vẳng đâu đây tiếng đờn cò của một người nhà quê thật ấn tượng.

Tiếng đàn thay cho tiếng khóc của con, cho dù tác giả dùng từ “tiếng nấc/ miệt vườn”. Miệt vườn, nơi thân thương bởi “gan ruột ai xuống xề câu vọng cổ/ khách thương hồ/ ly rượu bốc mù sương/ tiếng vạc sành xe thổ mộ/ nhịp hồn xưa/ gõ mõ suốt canh trường...”.

Nghe đau đáu nỗi lòng, rút gan, rút ruột của người nghệ sĩ “xuống xề câu vọng cổ”, là khách thương hồ, ly hương ghé lại? Từ tiếng “vạc sành” liên tưởng “vó ngựa” độc hành? Và hồn xưa cha ông như tiếng mõ đêm thâu? Trong cái bình dị, mộc mạc, chơn chất ấy là tâm tình của người miệt vườn: “không ai là người dưng/ khác làng cũng lối xóm/ quầng mây thành bà con/ người khuất mặt khuất mày tiên tổ/ ổ chim trên bàn thờ/ ly rượu uống tàn nhang/ miệt vườn”.

Khổ thơ là sự tri ân bà con lối xóm, dẫu chỉ là “người dưng”, song cùng chung tiên tổ, là bà con. Lại là câu thơ đảo ngữ “Ly rượu uống tàn nhang”, một hình ảnh quen thuộc, là nhân ngãi ở đời, là sự cầu xin và... niềm tin vượt qua khó khăn bệnh tật ở người dân miệt vườn.

Ðấy cũng là nỗi niềm của quê hương bản quán mà tác giả gọi là “cố hương”: “cố hương của nỗi niềm vạn cổ/ ai chưa biết thưởng thức nỗi buồn/ có đi tới tận cùng châu thổ/ cũng không tìm thấy miệt vườn”. Một nỗi buồn xâm thực mãi trong tiềm thức của những cảm nhận tinh tế “miệt vườn”.

Bài thơ kết thúc bất ngờ với sự so sánh độc đáo và cũng đầy thi vị: “em là miệt vườn/ anh bỏ quên/ ngoài cửa sổ”. Ba câu thơ, 10 từ nhưng là cả tâm sự, nỗi niềm của một người phụ nữ, tự nhận mình “miệt vườn” với bao tình nghĩa thuỷ chung son sắc, là sự thuần hậu, chất phác, mộc mạc nhưng sâu sắc. Và nếu anh... chưa thể cảm nhận, nhận ra “bỏ quên ngoài cửa sổ”. Một sự vô tình hay hữu ý? Tuỳ thuộc vào mỗi nhận thức và trái tim rung cảm của mỗi một con người...

CHÍNH VŨ

Tin liên quan