Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Sẽ có 4 băng tần 4G được đem ra đấu giá và mỗi doanh nghiệp chỉ được trúng tối đa 1 băng tần.
Chiều ngày 9.5, tại Hà Nội, Hội đồng đấu giá băng tần quyền sử dụng tần số vô tuyến điện băng tần 2.6 GHz đã tổ chức buổi làm việc về các nội dung liên quan đến hồ sơ đấu giá băng tần 2.6GHz cho các doanh nghiệp.
4G cho phép tốc độ truyền tải dữ liệu thực tế cao gấp 7-10 lần so với tốc độ 3G hiện nay. |
Theo dự thảo đưa ra, Bộ TT&TT sẽ đưa ra 4 băng tần 4G để đấu giá, tương ứng với 4 doanh nghiệp được cấp phép 4G (VinaPhone, MobiFone, Viettel và Gmobile). Các băng tần này đều là để doanh nghiệp triển khai 4G theo phương thức song công phân chia theo tần số (LTE - FDD).
1. Khối băng tần A1-A1’: 2500 - 2510MHz/2620 - 2630 (tổng cộng 20 MHz)
2. Khối băng tần A2-A2’: 2510 - 2530 MHz/2630 - 2650 MHz (tổng cộng 40 MHz)3.
3. Khối băng tần B-B’: 2530 - 2550 MHz / 2650 - 2670 MHz (tổng cộng 40 MHz)
4. Khối băng tần C-C’: 2550 - 2570 MHz / 2670 - 2690 MHz (tổng cộng 40 MHz)
Các đoạn 2570 - 2575 MHz và 2615 – 2620 MHz sẽ được dành làm băng tần bảo vệ giữa nhà khai thác triển khai LTE - FDD và LTE - TDD.
Bộ TT&TT thực hiện đấu giá 4 giấy phép tần số vô tuyến điện tương ứng với 4 khối băng tần A1 nói trên và nguyên tắc là mỗi doanh nghiệp chỉ được trúng đấu giá tối đa một khối băng tần. Giấy phép sử dụng tần số sẽ có thời hạn trong vòng 15 năm.
Doanh nghiệp trúng đấu giá, khi triển khai hệ thống thiết bị vô tuyến điện phải tuân thủ điều kiện sử dụng băng tần; Tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật QCVN 47:2015/BTTTT về phổ tần số và bức xạ vô tuyến điện áp dụng cho các thiết bị thu phát vô tuyến điện; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm gốc thông tin di động phần truy nhập vô tuyến liên quan tới công nghệ LTE/LTE-Advanced; các giới hạn phát xạ đối với khối băng tần được cấp phép theo quy định tại phụ lục của Hồ sơ mời đấu giá.
Để tham gia đấu giá, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông phải đảm bảo một số điều kiện như:
- Có hạ tầng mạng theo quy định của pháp luật về viễn thông. Trường hợp 2 doanh nghiệp cùng đăng ký tham gia đấu giá nhưng sở hữu chéo giữa 2 doanh nghiệp này trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần kia thì chỉ 1 trong 2 doanh nghiệp được phép tham gia đấu giá.
- Đáp ứng các yêu cầu về năng lực tài chính, đầu tư, năng lực kỹ thuật, nghiệp vụ và nguồn nhân lực.
- Các điều kiện cam kết về tổng số eNode B triển khai, công nghệ triển khai, tỷ lệ truy nhập thành công dịch vụ, lớn hơn hoặc bằng 90%...
Doanh nghiệp viễn thông cũng sẽ được tham vấn hai phương án đấu giá là: đấu giá trực tiếp bằng bỏ phiếu kín, kết thúc đấu giá sau 1 vòng với 2 phiên (phiên đấu giá trước và đồng thời cho 3 khối băng tần loại 2x20 MHz và phiên đấu giá 1 khối băng tần loại 2x10MHz) và đấu giá trực tiếp bằng bỏ phiếu kín nhiều vòng, kết thúc đấu giá khi không còn doanh nghiệp đấu giá.
Trong thời gian tới đây, Hội đồng sẽ làm việc các doanh nghiệp viễn thông thuộc diện có giấy phép, đủ điều kiện tham gia đấu giá và các đối tượng tiềm năng khác có đủ điều kiện về giấy phép có thể tham gia đấu giá để lấy ý kiến để hoàn thiện Hồ sơ mời đấu giá băng tần 4G.
Hiện đã có VinaPhone và Viettel triển khai cung cấp dịch vụ 4G trên diện rộng cho người dùng. MobiFone và Gmobile vẫn chưa lên tiếng. |
Trước đó, tại Phiên họp đầu tiên của Hội đồng đấu giá vào hồi đầu tháng 1 vừa qua, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm khẳng định việc tổ chức đấu giá, cấp phép băng tần 2.6GHz cho doanh nghiệp là hình thức tốt nhất, đảm bảo tính công khai, minh bạch, áp dụng cơ chế thị trường để cấp phép những băng tần có giá trị thương mại cao.
Hoạt động đấu giá tần số vô tuyến điện cần được xây dựng theo hướng lựa chọn được doanh nghiệp đủ năng lực, có khả năng sớm đưa băng tần vào sử dụng hiệu quả; thúc đẩy cạnh tranh, không để xảy ra tình trạng tích tụ tài nguyên tần số vào một doanh nghiệp, bảo đảm phát triển thị trường viễn thông bền vững.
Mục tiêu ưu tiên hàng đầu của việc đấu giá là lựa chọn được doanh nghiệp có thể đem lại dịch vụ tốt nhất cho xã hội, nâng cao tính cạnh tranh, chứ không phải là thu được lượng tiền lớn.
Nguồn XHTT