Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh:
Mỗi năm một chuyên đề học tập gắn với nhiệm vụ chính trị của tỉnh
Thứ sáu: 00:06 ngày 10/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc học tập và làm theo Bác đã thấm nhuần, trở thành công việc thường xuyên của tổ chức đảng, từng cán bộ, đảng viên gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Nguyễn Thị Xuân Hương trao giấy chứng nhận cho nhà báo Ngô Văn Mẫn (Báo Tây Ninh)- tác giả có tác phẩm báo chí chất lượng cao viết về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2022. Ảnh: Tâm Giang

Xuyên suốt từ Chỉ thị số 06, 03, 05, gần đây là Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XIII, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành một cuộc vận động lớn trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

Việc học tập và làm theo Bác đã thấm nhuần, trở thành công việc thường xuyên của tổ chức đảng, từng cán bộ, đảng viên gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ trong giai đoạn hiện nay.

Từ kết quả tích cực của năm 2022

Tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XIII, cụ thể hoá thực hiện chuyên đề toàn khoá “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã cho chủ trương tên chuyên đề năm 2022 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên nâng cao đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, tiên phong, gương mẫu, ngang tầm nhiệm vụ”, giao Ban Tuyên giáo và Trường Chính trị tỉnh phối hợp biên soạn.

Hội nghị học tập, quán triệt chuyên đề được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 4 điểm cầu cấp tỉnh, 15 điểm cầu huyện và 87 điểm cầu cấp xã, phường, thị trấn cho đảng viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ cấp tỉnh đến cơ sở. Sau hội nghị trực tuyến của tỉnh, các chi, đảng bộ tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên thông qua video clip bằng hình thức phù hợp.

Theo đánh giá của Tỉnh uỷ, việc triển khai chuyên đề học tập năm 2022 gắn với đợt sinh hoạt chính trị “tự soi, tự sửa”, đội ngũ cán bộ, đảng viên có chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động, nâng cao đạo đức công vụ, nêu gương, tự giác, trách nhiệm hơn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao- nhất là trong phục vụ nhân dân. Qua thực tiễn triển khai, đã xuất hiện nhiều gương điển hình, cách làm hay trong học tập và làm theo Bác. Năm 2022, các cấp uỷ, tổ chức đảng đã biểu dương, khen thưởng 731 tập thể và 8.124 cá nhân thông qua các phong trào thi đua của địa phương.

Gắn với chủ đề năm 2022, công tác cán bộ tiếp tục được các cấp uỷ Đảng đặc biệt chú trọng, chỉ đạo thực hiện tốt, nhất là công tác đào tạo, quy hoạch, sử dụng cán bộ. Trong năm, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cho chủ trương mở hai lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 111 cán bộ lãnh đạo, quản lý đối tượng 3, nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ dành cho cán bộ Mặt trận, dân vận, kiểm tra, giám sát, văn phòng cấp uỷ. Trường Chính trị, Trung tâm chính trị mở 197 lớp, với gần 13.000 cán bộ, đảng viên tham gia. Qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Các cấp uỷ, tổ chức đảng đưa nội dung chuyên đề năm 2022 vào chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết của Đảng bộ cấp mình, xác định những vấn đề trọng tâm, khâu đột phá, vấn đề còn hạn chế để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hoạt động thông tin, tuyên truyền, nhân rộng điển hình trong học tập và làm theo gương Bác được các cấp uỷ chú trọng chỉ đạo thực hiện. Phát huy vai trò các cơ quan báo chí, truyền thông, bản tin thông báo nội bộ, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội các cấp, các diễn đàn tuyên truyền trên internet, mạng xã hội...

Theo đó, đã đăng tải, chia sẻ trên 175.000 tin, bài, video clip tuyên truyền, giới thiệu gương điển hình, người tốt, việc tốt, mô hình mới, cách làm hay và các nội dung liên quan việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần phủ xanh thông tin tích cực trong Đảng bộ.

Công tác kiểm tra, giám sát tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt được quan tâm thực hiện; tổ chức đảng, đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật được kéo giảm so với cùng kỳ.

Qua đánh giá kết quả thực hiện cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, đảng viên được xếp loại năm 2022 có nhiều chuyển biến tích cực. Đảng viên hoàn thành xuất sắc các nội dung cam kết, tiêu biểu, nổi bật, gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ tăng, chiếm 32,05% (năm 2021 là 29,56%). Đảng viên thực hiện các nội dung cam kết ở mức kém; có vi phạm đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật được kéo giảm, chiếm 0,21% (năm 2021, chiếm 0,29%).

Năm 2022 tỉnh hoàn thành đạt, vượt 17/17 chỉ tiêu kinh tế - xã hội so với nghị quyết Tỉnh uỷ đề ra, trong đó nhiều chỉ tiêu kinh tế đạt mốc tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay; các ngành, lĩnh vực chủ yếu đều phục hồi, phát triển mạnh, đặc biệt là du lịch. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân cải thiện.

Những kết quả đạt được qua chuyên đề năm 2022 góp phần tích cực củng cố niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, là nền tảng để tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng- Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.  

“Trong bước ngoặt của cuộc cách mạng, trong những lúc chúng ta cần sự chỉ dẫn cho sự phát triển, chúng ta quay về với tư tưởng Hồ Chí Minh”

Khơi dậy khát vọng vươn lên để tây ninh phát triển nhanh, bền vững

Chuyên đề năm 2023 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới sáng tạo, khơi dậy khát vọng vươn lên để tỉnh Tây Ninh phát triển nhanh và bền vững” được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tổ chức học tập, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân từ những ngày đầu năm 2023.

Hội nghị triển khai chuyên đề năm 2023 được trực tuyến từ điểm cầu Tỉnh uỷ đến 150 điểm cầu trong toàn tỉnh, trên 14.000 cán bộ, đảng viên tham gia học tập. Qua đó, tạo khí thế, phong trào thi đua mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, Nghị quyết năm 2023 đề ra.

PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng- Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh- người trực tiếp truyền đạt chuyên đề năm 2023, cho biết: “Tỉnh uỷ Tây Ninh lựa chọn chủ đề năm 2023 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới sáng tạo, khơi dậy khát vọng vươn lên để tỉnh Tây Ninh phát triển nhanh và bền vững” là rất cần thiết.

Thứ nhất, vấn đề đoàn kết, đổi mới sáng tạo, khát vọng vươn lên là bản chất của chủ nghĩa Mác - Lênin, là truyền thống của cha ông và Bác Hồ là người vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê Nin, kế thừa tinh hoa văn hoá dân tộc, cho nên đây là vấn đề mang tính chiến lược của cách mạng, cần phải học tập.

Điểm thứ hai, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ghi rõ về ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết vươn lên và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đặt ra vấn đề như vậy. Chủ đề này cũng phù hợp với tình hình của tỉnh Tây Ninh và đó là mong mỏi của các tầng lớp nhân dân”.

Theo PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng, đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp uỷ các địa phương, đơn vị cần phải xem việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và chuyên đề năm 2023 là công việc thường xuyên và vận dụng vào trong điều kiện thực tiễn cụ thể. Bên cạnh đó, ông gợi mở một số vấn đề để cấp uỷ các cấp quan tâm thực hiện tốt chuyên đề năm 2023.

“Tây Ninh cần nhận diện và giải quyết 4 mâu thuẫn lớn để phát triển. Mâu thuẫn đầu tiên là trình độ dân trí chưa cao so với yêu cầu đổi mới sáng tạo, của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế hiện nay.

Đổi mới sáng tạo đòi hỏi tri thức, nếu dân trí thấp thì khó, bởi dân trí là nền tảng để cung cấp cán bộ cho Đảng, tạm gọi là “quan trí”, khi đẩy nền dân trí cao thì chúng ta mới có nhiều nhân tài. Mâu thuẫn thứ hai là tính tiểu nông sản xuất nhỏ phức hợp với một số giáo lý tôn giáo mang tính hướng nội, điều này tốt nhưng là thách thức đối với sự linh hoạt của nền kinh tế thị trường.

Nghịch lý diễn ra ở Tây Ninh, đó là một bộ phận dân chúng rất linh hoạt, bắt nhịp kịp thời với kinh tế thị trường đã phát triển rất nhanh, thậm chí đổi đời nhưng một bộ phận khác thì không bắt kịp, thích ứng kịp. Mâu thuẫn thứ ba là yêu cầu phát triển nhanh nhưng phải bền vững vì một tương lai xanh, nền kinh tế xanh. Mâu thuẫn thứ tư là yêu cầu ổn định chính trị để phát triển, trong khi Tây Ninh là vùng biên giới, có nhiều thành phần dân cư, tôn giáo, kẻ thù sẽ lợi dụng chống phá.

Như vậy, vấn đề dân trí, tầm nhìn lãnh đạo, xây dựng kết cấu hạ tầng, đoàn kết tôn giáo dân tộc và phát huy sự đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, đoàn kết quốc tế… trở thành những vấn đề lớn của tỉnh.

Trong nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh cũng đã thể hiện điều này và cần triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để giải quyết các mâu thuẫn trên, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới sáng tạo, khơi dậy khát vọng vươn lên ở tỉnh Tây Ninh trong giai đoạn hiện nay”- PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng nói.

Phương Thuý

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh