Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phát triển du lịch Tây Ninh:
Mỗi người dân phải là một đại sứ du lịch
Thứ sáu: 04:58 ngày 04/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Phải thay đổi tư duy phát triển du lịch. Hướng đi này được cụ thể hoá theo tinh thần phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ môi trường, phát huy giá trị văn hoá dân tộc và tạo cơ hội cho cộng đồng tham gia phát triển du lịch. Các nhiệm vụ chính Tây Ninh cần làm là tập trung đầu tư các khu vực trọng điểm để tạo thương hiệu và sức lan toả, không nên đầu tư dàn trải.

Cáp treo đưa khách tham quan núi Bà Đen.

Ngày 31.7, UBND tỉnh tổ chức cuộc hội thảo quốc tế về du lịch với tên gọi “Du lịch Tây Ninh - tiềm năng - lợi thế - cơ hội phát triển”. Trong số báo ra ngày 2.8, báo Tây Ninh đã giới thiệu một số ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý về du lịch đóng góp ý kiến, đề xuất ý tưởng để biến tiềm năng. thành cơ hội.

Qua hội thảo, có thể thấy, phần lớn các diễn giả, chuyên gia, nhà quản lý về du lịch thống nhất rằng, Tây Ninh thật sự có tiềm năng về du lịch, nhưng để biến tiềm năng thành hiện thực là cả một vấn đề không dễ dàng.

Theo lãnh đạo Công ty cổ phần du lịch và tiếp thị Giao thông - Vận tải Việt Nam - Vietravel (gọi tắt là Công ty), là một tỉnh nằm giữa TP. Hồ Chí Minh và thủ đô Phnom Penh của vương quốc Campuchia, có hàng chục cửa khẩu lớn nhỏ, trong đó có hai cửa khẩu quốc tế, Tây Ninh hoàn toàn có cơ hội phát triển thương mại và đặc biệt là du lịch.

Theo phân tích của lãnh đạo Công ty, với vị trí địa lý, Tây Ninh hội đủ điều kiện để trở thành điểm lan toả kết nối phát triển du lịch cả trong khu vực và quốc tế. Đối với nội vùng và liên vùng, có thể kết nối khu du lịch hồ Dầu Tiếng với khu du lịch Ma Thiên Lãnh - núi Bà Đen và tham quan cửa khẩu Phước Tân thuộc huyện Châu Thành hoặc cửa khẩu Xa Mát với Trung ương Cục miền Nam.

Hoặc, cũng có thể hình thành các tuyến du lịch kết nối tỉnh Tây Ninh với một số khu du lịch của tỉnh Bình Dương như núi Cậu và khu du lịch Đại Nam. Một hướng khác, phát triển TP. Tây Ninh thành điểm đến du lịch lan toả sang các hướng tuyến khác nhau: TP. Tây Ninh - núi Bà Đen với điểm dừng chân là Toà thánh Cao Đài; TP. Tây Ninh  - hồ Dầu Tiếng; TP. Tây Ninh - khu du lịch Ma Thiên Lãnh - núi Bà Đen; TP. Tây Ninh - cửa khẩu Xa Mát; TP. Tây Ninh - cửa khẩu Mộc Bài.

Đối với các tuyến du lịch kết nối quốc tế, Tây Ninh có thể phát triển tuyến du lịch quốc tế bằng đường bộ kết nối từ Campuchia qua hai cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Xa Mát. Đây là hai tuyến đường bộ chiến lược có vai trò quan trọng trong việc thu hút khách du lịch Campuchia, cũng như du khách từ các quốc gia khác đến Campuchia có nhu cầu tham quan du lịch tại Việt Nam.

Trên cơ sở này, Tây Ninh hoàn toàn có thể thu hút khách du lịch từ các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Myanma. Ngoài các tuyến du lịch bằng đường bộ, không thể không kể đến tiềm năng du lịch từ hệ thống đường thuỷ ở sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông và khu vực bên trong lòng hồ Dầu Tiếng.

Nhận định về khả năng phát triển của du lịch Tây Ninh, lãnh đạo Công ty cho rằng tiềm năng du lịch Tây Ninh khá phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, trước những lợi thế đó, không thể không kể đến những khó khăn trong quá trình phát triển ngành công nghiệp không khói này.

Tây Ninh có nhiều cơ hội để thu hút khách du lịch đến từ Campuchia, nhưng đa số khách chỉ dừng chân tại đây và nhanh chóng di chuyển về TP. Hồ Chí Minh, vì khoảng cách giữa thành phố này và Tây Ninh khá gần.

Khoảng cách có thể đem lại thuận lợi trong việc xây dựng các tour du lịch kết nối, nhưng đồng thời cũng là một điểm bất lợi trong việc duy trì thời gian lưu trú của khách khi đến với Tây Ninh.

Tài nguyên du lịch Tây Ninh, đặc biệt là các công trình di tích lịch sử gắn với cách mạng, với kháng chiến đa dạng nhưng chưa được khai thác và duy trì một cách bền vững. Số lượng du khách đến những địa điểm này còn ít và chưa đa dạng hoá được đối tượng du khách.

Một yếu tố quan trọng tác động trực tiếp đến khả năng thu hút du khách là sản phẩm du lịch. Hiện nay, sản phẩm du lịch của Tây Ninh còn đơn điệu, không phong phú, thiếu tính liên kết.

Mặc dù Tây Ninh có khả năng hình thành các tuyến, tour du lịch mang tính kết nối trong khu vực và quốc tế, nhưng các tour này vẫn rất ít phổ biến trên thực tế. Nguyên nhân do thời gian lưu trú của khách không đủ dài để trải nghiệm. Mặt khác, các hoạt động du lịch còn sơ sài, chưa được đầu tư bài bản để hấp dẫn du khách, đa số khách chỉ “đi qua” mà chưa “đi vào”, nghĩa là chưa tham gia khám phá sâu tại các điểm đến. Một yếu tố quan trọng khác quyết định đến thời gian lưu trú lâu dài của du khách khi đến Tây Ninh là cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch phục vụ du khách.

Hệ thống dịch vụ, khách sạn trên địa bàn tỉnh hiện thiếu về số lượng và chưa đạt yêu cầu về chất lượng. Điều này lý giải vì sao khách du lịch khi đến Tây Ninh thường di chuyển về TP.Hồ Chí Minh mà không dừng chân ở địa phương.

Giải pháp nào để thu hút và giữ chân du khách? Theo khuyến cáo của lãnh đạo Công ty, Tây Ninh cần chuẩn bị các dòng sản phẩm ưu tiên phù hợp với nhu cầu của thị trường cùng với hệ thống dịch vụ đi kèm tương ứng. Trước mắt, các sản phẩm cần được phát triển theo thứ tự ưu tiên, gồm có: sản phẩm văn hoá du lịch tâm linh; sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp; sản phẩm du lịch mang tính thương mại và sản phẩm mang tính vui chơi, giải trí, khám phá. 

Đánh giá về nguồn nhân lực của ngành du lịch Tây Ninh, đại diện Công ty nhìn nhận, nhân lực phục vụ cho ngành du lịch tỉnh nhà còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Kế hoạch tiếp thị truyền thông cũng như nội dung xúc tiến quảng bá du lịch chưa bắt nhịp với lợi ích của doanh nghiệp, cũng như yêu cầu kinh doanh và xu hướng thị trường.

Nguyên nhân được xác định là xuất phát từ nhân lực chuyên trách trong lĩnh vực này. Vì vậy, để du lịch Tây Ninh phát triển đúng tiềm năng, bắt nhịp đúng nhu cầu của khách hàng, đáp ứng nguyện vọng của doanh nghiệp, cần đầu tư để đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực xúc tiến du lịch. Đội ngũ này vừa phải giỏi ngoại ngữ vừa tinh thông nghiệp vụ, nhạy bén trong việc khai thác, phân tích thị trường du lịch.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, trong các lựa chọn và cơ hội tiềm năng, du lịch dường như là nổi trội hơn cả. Do vậy, Tây Ninh cần thành lập một cơ quan hay một nhóm hành động để tìm kiếm cơ hội đầu tư, trong đó có thể học tập kinh nghiệm phát triển chùa Bái Đính ở Ninh Bình để phát triển núi Bà Đen của Tây Ninh. Tiến sĩ Du cũng khuyến cáo, đội ngũ làm du lịch phải thật giỏi tiếng Anh, vì ngôn ngữ này đóng vai trò rất quan trọng trong ngành du lịch. Cho đến nay, Tây Ninh vẫn chưa có văn phòng đại diện của các công ty du lịch trong và ngoài nước.

Du lịch gắn liền với văn hoá, do vậy, theo ý kiến của ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, lãnh đạo các ngành, các cấp liên quan đến hoạt động du lịch của Tây Ninh cần nghiên cứu bộ phim Ván bài lật ngửa. Bộ phim này kể về quãng đời hoạt động tình báo của anh hùng Phạm Ngọc Thảo, trong phim có một số cảnh quay ở Tây Ninh.

Tỉnh cần nghiên cứu sâu hơn về bộ phim này nhằm nhìn lại một giai đoạn lịch sử với đạo Cao Đài, đây cũng là một trong những cơ sở để phát triển du lịch. Ông Thọ cũng đề xuất trồng nhiều cây bằng lăng ở TP. Tây Ninh để làm sự kiện lễ hội hằng năm. Mặt khác, nên có góc văn hoá trên từng góc phố dành cho các tiền nhân văn hoá, những người yêu nước, người có công với quá trình phát triển của tỉnh nhà. 

Xem văn hoá, lịch sử và tâm linh, sinh thái là trải nghiệm cho du khách xuyên suốt trong thời gian lưu trú tại Tây Ninh, để kéo dài ngày lưu trú và nâng cao chi tiêu của du khách là hai mục tiêu quan trọng để phát triển du lịch. “Tiềm năng du lịch Tây Ninh là giàu có, phong phú, địa lý thuận lợi, sản phẩm rất cụ thể. Vấn đề còn lại là sự thống nhất đoàn kết, quyết tâm của lãnh đạo các cấp, của cộng đồng. Làm được như vậy, Tây Ninh sẽ có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực”- ông Thọ nói.

“Để du lịch Tây Ninh trở thành ngành kinh tế quan trọng cần sự nỗ lực rất lớn, bởi vì hiện nay, đóng góp của du lịch vào GRDP của tỉnh rất thấp, chỉ 1,3%”- ông Hà Văn Siêu, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhận định. Lãnh đạo Tổng cục Du lịch khuyến nghị, Tây Ninh chọn hướng phát triển du lịch là đúng, nhưng không nên vội vã chạy theo tốc độ tăng trưởng hoặc thiên về số lượng, mà cần coi trọng chất lượng tăng trưởng. Nói cách khác, phải thay đổi tư duy phát triển du lịch. 

Hướng đi này được cụ thể hoá theo tinh thần phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ môi trường, phát huy giá trị văn hoá dân tộc và tạo cơ hội cho cộng đồng tham gia phát triển du lịch. Các nhiệm vụ chính Tây Ninh cần làm là tập trung đầu tư các khu vực trọng điểm để tạo thương hiệu và sức lan toả, không nên đầu tư dàn trải.

Các địa điểm Tây Ninh nên ưu tiên đầu tư là Lò Gò - Xa Mát (du lịch sinh thái); Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen (du lịch sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí); TP. Tây Ninh (lưu trú, vui chơi, giải trí, mua sắm); hồ Dầu Tiếng (vui chơi giải trí, sinh thái nghỉ dưỡng); Mộc Bài (mua sắm, caravan). Trong số những địa điểm du lịch kể trên, Tây Ninh nên tập trung ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, hình thành hạt nhân phát triển du lịch (còn gọi là điểm nhấn về du lịch).

Mặt khác, cần lựa chọn một số làng nghề truyền thống để đầu tư phát triển thành điểm đến của du khách. Để làm được những việc vừa nêu, Tây Ninh cần sự nỗ lực lớn, trong đó có nghiên cứu chính sách thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả quản lý.

Có thể thấy, để ngành du lịch thật sự có bước chuyển mình, Tây Ninh còn rất nhiều việc phải làm như kêu gọi đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, sáng tạo sản phẩm, đào tạo nhân lực…

Trong đó, miễn, giảm thuế đối với doanh nghiệp làm du lịch là một hoạt động, một chính sách không thể xem nhẹ. Tại buổi hội thảo hôm 31.7 vừa qua, đại diện Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, bất kỳ doanh nghiệp nào đầu tư vào lĩnh vực du lịch cũng được miễn thuế trong hai năm đầu kể từ khi đi vào hoạt động.

Tại Tây Ninh, cách nay chừng vài tháng, trong một đợt khảo sát về tình hình phát triển du lịch, lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh đã đề xuất xem xét miễn, giảm thuế đối với doanh nghiệp thuê đất làm du lịch. Là một hoạt động kinh tế gắn liền với văn hoá, một cá nhân hay một cộng đồng làm du lịch cần thể hiện sự thân thiện, mến khách theo phương châm “mỗi người dân phải là một đại sứ về du lịch”.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh