Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Dự án phát triển Trường THPT Chuyên Hoàng Lê Kha:
Mọi sự đầu tư cần thu về kết quả tương xứng
Thứ tư: 01:22 ngày 11/11/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 10.11, Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật (gọi tắt là Liên hiệp hội - LHH) tỉnh tổ chức hội thảo giám định xã hội về hiệu quả thực hiện sau đầu tư xây dựng dự án Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha.

Thầy và trò Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha trong giờ học.

Cơ sở vật chất khang trang

Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha thành lập vào năm 1994 trên cơ sở vật chất của Trường trung học Sư phạm Tây Ninh cũ tại đường Võ Thị Sáu, phường 3, TP. Tây Ninh. Khi đó, trường có 24 lớp học, 859 học sinh; về cơ sở vật chất, trường chỉ có 2 dãy nhà, tổng cộng 24 phòng học, 1 thư viện, 3 phòng thực hành, 3 phòng vi tính...

Năm 2009, thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) về việc xây dựng Ðề án phát triển và hiện đại hoá hệ thống trường THPT chuyên, Sở GD&ÐT xây dựng Ðề án đầu tư xây dựng và phát triển trường giai đoạn 2009-2020 trình UBND tỉnh.

Qua 2 lần trình, đề án không được UBND tỉnh phê duyệt. Ðến năm 2014, một số hạng mục công trình của trường xuống cấp trầm trọng, trước thực trạng đó, Sở GD&ÐT báo cáo UBND tỉnh và được Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở vật chất mới cho trường tại đường Trường Chinh, phường 3, TP. Tây Ninh.

Công trình mới được khởi công xây dựng từ năm 2015, hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 8.2018. Cơ ngơi mới của trường có diện tích sử dụng đất 32.541m2, được đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh với tổng mức 149,5 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 65,5 tỷ đồng, chi phí thiết bị và các khoản chi phí khác 84 tỷ đồng. Trường được dự án đầu tư mới một phần và một phần sử dụng các trang thiết bị đã mua sắm từ trước ở cơ sở cũ, cơ bản đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập của trường hiện nay.

Từ khi đi vào hoạt động, nhà trường chú trọng đầu tư về chuyên môn, đặc biệt là công tác bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp. Ðội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao, trách nhiệm trong công việc. Học sinh năng động, sáng tạo.

Kết quả học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia nhiều năm qua giữ mức ổn định. Tỷ lệ học sinh đỗ đại học nguyện vọng 1 hằng năm đều tăng và đạt trên 90%. Nhà trường có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, thành thạo thiết bị dạy học hiện đại, sử dụng ngoại ngữ trong nghiên cứu, giảng dạy và giao tiếp, có khả năng nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng.

Cán bộ, giáo viên ứng dụng tốt tin học trong giảng dạy và kiểm tra đánh giá. Hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo được triển khai thực hiện, hằng năm đều có các đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật (KHKT) của học sinh dự thi cấp tỉnh, cấp quốc gia và đạt giải.

Nhiều năm qua, Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha nhận trợ giảng tiếng Anh từ chương trình Fulbright trong chương trình phát triển kỹ năng tiếng Anh cho học sinh của nhà trường. Giáo viên và học sinh của trường tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn và dài hạn, giao lưu ở các nước Singapore, Malaysia, Pháp, Mỹ… Cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trường chuyên được hưởng chính sách đặc thù theo quy định chung của Trung ương, chưa có chính sách đặc thù của tỉnh. Ðối với học sinh, ngoài được hưởng những chính sách theo quy định chung của Trung ương, các em còn được hưởng chính sách đặc thù của tỉnh...

Theo kết quả giám định, dự án đầu tư xây dựng Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha chưa đúng theo hướng dẫn của Trung ương, còn thiếu một số hạng mục như hồ bơi, nhà công vụ (giáo viên phải ở chung khu nội trú với học sinh), hội trường, phòng học dành cho học sinh lớp không chuyên nhỏ hơn quy định.

Trường chưa thực sự phát huy được vai trò đi đầu trong đổi mới tổ chức và quản lý hoạt động dạy học, chất lượng giáo dục chưa ngang tầm với các trường trung học phổ thông chuyên trong khu vực. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở trường còn thấp, chỉ có 2,2 giáo viên/lớp, chưa đạt theo quy định. Kết quả đào tạo của trường còn quá khiêm tốn về số lượng lẫn chất lượng các giải đạt được ở cấp quốc gia; và chưa có học sinh tham gia vào đội dự tuyển thi quốc tế.

Việc hợp tác liên kết với cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài về chương trình bồi dưỡng giáo viên vẫn còn hạn chế. Thư viện và hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động của trường. Ký túc xá chỉ mới được sử dụng 36,9% công suất, vì hầu hết học sinh của trường ở tại thành phố Tây Ninh và thị xã Hoà Thành, không có nhu cầu ở ký túc xá.

CẦN PHÁT TRIỂN CHẤT LƯỢNG ÐỘI NGŨ

Tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Dũng- nguyên Giám đốc Sở GD&ÐT nêu ý kiến, Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha không nên tuyển các lớp nguồn, chỉ tập trung đào tạo lớp chuyên. Nếu thấy cần thiết, có thể tuyển học sinh giỏi vào trường này ngay từ lớp 8 hoặc lớp 9.

Nguyên Giám đốc Sở GD&ÐT khuyến nghị, vấn đề quan trọng của nhà trường hiện nay là phát triển chất lượng đội ngũ. Ông Nguyễn Ðình Thái Châu, nguyên Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch Sở GD&ÐT TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, cơ ngơi của nhà trường hiện tại là tốt.

Tuy vậy, đối với con người, ông Nguyễn Ðình Thái Châu cho rằng đến thời điểm này nhà trường chưa có hiệu trưởng là không ổn. Ông Nguyễn Thành Tuân- nguyên Phó trưởng Ban Văn hoá - Xã hội của HÐND tỉnh đề nghị xem lại mức khen thưởng cho học sinh trường chuyên, vì định mức như hiện nay thấp, lạc hậu. Ông Tuân đề xuất ban giám hiệu nhà trường tổ chức một cuộc gặp gỡ để trao đổi thẳng thắn với phụ huynh xem có nên cho học sinh trường chuyên đi học thêm hay không?

“Thực hiện Quyết định số 44/2007/QÐ-BGD&ÐT, ngày 2.8.2007 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo về học bổng khuyến khích học tập đối với học sinh, sinh viên trong các trường chuyên, trường năng khiếu, các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, ngày 6.11.2012, UBND tỉnh ra Quyết định số 51/2012/QÐ-UBND ban hành chế độ khuyến khích học tập đối với học sinh các trường THPT, trường phổ thông dân tộc nội trú và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh. Ðây là một quyết định đã được cân nhắc, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh trong tình hình ngân sách địa phương còn khó khăn.

Thế nhưng, với mức thưởng giải nhất bằng 50% mức lương tối thiểu chung/tháng cho học sinh giỏi cấp quốc gia (mức lương tối thiểu chung hiện nay là 1.490.000  đồng) và 100% mức lương tối thiểu chung/tháng nếu đạt học sinh giỏi cấp quốc tế phải chăng là quá thấp với mặt bằng chung hiện tại, chưa đủ để có thể khuyến khích, hấp dẫn học sinh? Tuy nhiên, khi đánh giá một vấn đề cần phải tiếp cận từ nhiều góc độ.

Có thể chế độ, chính sách của tỉnh hiện tại chưa tương xứng với nhu cầu và mong muốn nhưng cũng cần nhìn lại công tác chỉ đạo, quản lý của Sở GD&ÐT, của Ban giám hiệu Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha, thái độ dạy và học của giáo viên, học sinh của trường.

Có những thầy cô tâm huyết, giỏi chuyên môn, tận tâm tận lực đào tạo học sinh giỏi, nhưng cũng có số ít thầy cô chưa thấy hết sự tự hào và trách nhiệm khi được dạy ở trường chuyên. Học sinh cũng thế, đôi lúc các em tự hài lòng với những thành tích đã đạt được, giảm đi sự phấn đấu.

Có lẽ chúng ta quá hạnh phúc, hân hoan khi được dạy và học trong một ngôi trường có quy mô lớn, một ngôi trường “danh giá” mà quên đi rằng mọi sự đầu tư đều đòi hỏi phải có kết quả tương xứng”- bà Nguyễn Ngọc Hoà, cán bộ LHH phát biểu.

Học sinh Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha tham gia cuộc thi hùng biện tiếng Anh “Speak to Lead” do Ðại sứ quán Hoa Kỳ phối hợp Hệ thống giáo dục HOCMAI (hocmai.vn) và 25 trường THPT chuyên trên cả nước tổ chức.

Ông Mai Văn Hải, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách của HÐND tỉnh cho rằng, sẽ thuyết phục hơn nếu hội thảo thêm cụm từ “chất lượng giáo dục” sau đầu tư. Còn nếu chỉ đánh giá hiệu quả sau đầu tư xây dựng thì mới chỉ dừng lại ở cơ sở vật chất của nhà trường.

Ông Hải cho rằng, ngân sách dành cho giáo dục “rất thoải mái” nhờ nguồn tiền xổ số, nhưng việc đầu tư thời gian qua còn dàn trải dẫn đến hiệu quả không cao. Về hạng mục hồ bơi trong nhà trường, ông Hải cho rằng không nhất thiết phải đầu tư, vì nay mai, khu liên hợp thể thao của tỉnh xây dựng xong, học sinh có thể học bơi tại đó.

Ông Nguyễn Văn Phước- Phó Giám đốc Sở GD&ÐT kiêm Hiệu trưởng (tạm thời) Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha cho biết, do nhu cầu đào tạo, sự chuyển hướng của giáo dục đại học nên nhiều học sinh trường chuyên không còn đặt nặng chuyện tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia.

Theo hướng dẫn của gia đình, của công tác hướng nghiệp, phần lớn học sinh đặt mục tiêu vào đại học theo nguyện vọng cá nhân. Chuyện thi tuyển vào trường chuyên vẫn phải thực hiện theo quy định của Bộ GD&ÐT, chưa thể tuyển học sinh lớp 8, 9. Ðối với hạng mục hồ bơi, ông Phước cho rằng nếu xây hồ bơi sẽ phục vụ cho học sinh nhiều trường lân cận, không chỉ riêng học sinh trường chuyên.

VIỆT ÐÔNG

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh