Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Mom sông gió buốt
Chủ nhật: 15:30 ngày 01/09/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Năm 19… bệnh tả khởi phát rồi bùng nổ thành đại dịch quét qua làng Bồng Hải, vô cùng đau thương tang tóc.

Có nhà bị xoá sổ không còn một nhân khẩu. Nhiều nhà bị lưỡi hái thần chết cắt xoẹt một hai mạng người. Dù đã ở riêng biệt một mình một nóc nhà tranh nhỏ cạnh mom sông Cái cách biệt với làng cả một quãng đồng mà hai anh em thằng Xuân cũng không thoát khỏi cảnh một ngày mất cả cha lẫn mẹ.

Năm ấy Xuân mới lên mười và thằng Hạ em nó vừa tám tuổi. Song thân hai đứa được dân làng xúm vào chôn cất sơ sài xong đâu đấy thì trời đã ngả chiều. Anh em chú bác chẳng có một ai, Xuân và Hạ ôm nhau cùng khóc rồi cùng quỳ gối trước hai nấm đất đỏ lạy đủ ba lễ.

Dân làng ai nấy cũng đang lo bạc mắt vì nạn dịch nên giục mỗi đứa ôm một bát nhang dắt díu che chắn cho nhau ngược cơn gió buốt trở về căn nhà nằm chơ vơ ngoài bờ đê. Tối nay trong gian nhà ấy chỉ còn hai nén nhang cháy đỏ thay cho cha mẹ chúng. Và ngoài sông sóng vỗ suốt đêm cùng gió heo may lạnh buốt thổi xiết qua khung cửa trống trải từng hồi thê lương áo não.

Quê hương bản quán cha mẹ anh em Xuân, Hạ nghe đâu xa tít trên mạn ngược. Ngày ấy vợ của anh Thu (chưa sinh ra Xuân, Hạ bây giờ) có chút nhan sắc hơn người, trong một buổi chợ, không may bị lọt vào mắt một ông cai tổng háo sắc đầy quyền thế.

Hắn táo tợn đòi chiếm đoạt chị về làm vợ bé. Coi bộ không chống nổi dã tâm của lão ta, vợ chồng Thu dắt díu nhau bỏ trốn. Chẳng biết họ đã qua bao nhiêu ngày đêm tơi tả chạy bộ xuôi theo bờ hữu con sông Cái, đến một chiều tối tới một gốc cây sung cổ thụ mọc ven bãi sông làng này thì đói quá không thể lê thêm được bước nào nữa.

Hai người đành liều nằm lại trú ngụ qua đêm dưới bóng tàng cây rồi mai sẽ tính. Sáng hôm sau có một toán người làng quang gánh ra bãi sông cắt cỏ, thấy anh Thu hốc hác chẳng khác bộ xương đang ôm người phụ nữ chết lả trong tay, mồm nhồm nhoàm nhai quả sung xanh chắt ra thành nước mớm vào miệng vợ.

Họ vội vàng lấy đùm cơm nắm là bữa ăn trưa ít ỏi của mình bỏ vào chiếc nồi móp méo vợ chồng anh mang theo rồi nổi lửa nấu thành cháo loãng đổ cho chị Thu. Rồi một người trong bọn quýnh quáng chạy đi trình báo với cụ lý trưởng làng sở tại.

Cụ lý trưởng vốn là người nhân đức, thấy hoàn cảnh cùng đường của anh Thu, cho phép vợ chồng anh làm dân ngụ cư. Từ buổi ấy ngoài bãi bồi mọc lên một túp lều tranh dưới tán cây sung già nằm cạnh mom sông, chính cái chỗ mà vợ chồng anh đêm nào mệt mỏi nằm liều xuống đấy phó mặc đời mình cho số phận.

Bãi bồi ấy là đất công điền của làng Bồng Hải. Năm nào gặp trận lũ lớn lắm nước sông mới dâng ngập lé đé mặt cỏ. Còn thì tháng hai tháng ba hằng năm làng chia nhau trồng khoai, trồng đậu xanh rờn kín bãi. Nhà anh Thu cũng được làng cho mượn tạm một thẻo đất quanh căn lều để trả công anh chị đêm đêm canh phòng bọn trộm bên kia sông thường bơi sang bới khoai, vặt đậu.

Ngang bãi bồi, phía bên tả ngạn có một cái chợ buôn bán sầm uất vào bậc nhất nhì huyện. Người trong làng cần mua bán gì ở chợ đều phải sang sông bằng cách đi bộ xuôi xuống bến đò Xanh xa hơn cây số. Thấy vậy anh Thu xin cụ lý trưởng cho phép sắm một con thuyền nan để chở khách.

Được làng đồng ý. Thế là chỗ gốc sung có túp lều vợ chồng anh tá túc trở thành bến đò, lâu dần thành tên bến đò anh Thu, rồi lên bậc ông Thu chẳng biết tự lúc nào. Ngày tháng thoi đưa, anh Thu chèo đò đưa khách sang sông, chị Thu khi làm mướn, khi mò cua bắt ốc, xẻn xo bòn nhặt, như kiến tha lâu đầy tổ, họ cũng dựng được một mái nhà ba gian ấm cúng.

Tuy mom sông đầu bãi, nhưng trăng thanh gió mát đầy nhà, chẳng thường xuyên có thịt có cá trong các bữa ăn, nhưng cháo rau cũng tạm ấm bụng ngày hai lần nổi lửa. Cuộc sống của họ tạm gọi là hạnh phúc, thứ hạnh phúc đơn sơ, thiết thực theo cách nghĩ của dân quê lam lũ lúc bấy giờ.

Rồi hai thằng cu con mũm mĩm theo nhau ra đời góp đầy thêm bao nhiêu những tiếng cười vui vẻ cho cái gia đình bé nhỏ, lương thiện vừa vượt thoát nguy cơ chia đàn xẻ nghé. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Cơn đại dịch tả xua bóng ma trắng toát phủ khắp làng, phút chốc cái tổ chim sáo chơ vơ, mà đầm ấm ấy chỉ còn lại hai con chim non đáng thương chưa đủ lông đủ cánh.

Buổi sáng chị Thu vừa thều thào căn dặn thằng Xuân nhớ hết mình chăm sóc bảo vệ cho em rồi tắt thở. Thì buổi trưa lại đến lượt chồng chị biết mình không qua khỏi, không cầm được hai dòng lệ chảy đầy hai hốc mắt trũng sâu, anh đưa bàn tay gầy gò cầm tay hai con trăng trối dù thế nào anh em cũng đừng xa rời nhau, sống chết gì cũng phải anh đâu em đấy, rồi vật vã đau đớn đi theo vợ.

Thương tình cảnh ngộ hai đứa bỗng chốc trở thành hai kẻ mồ côi, nhiều người trong làng động lòng muốn đón từng đứa về nhà mình nuôi nấng. Cùng cảnh áo ngắn với nhau thôi, chứ con của chính mình, họ cũng còn chưa lo đủ bữa rau, bữa cháo. Nhưng đinh ninh lời mẹ cha trăng trối lúc nào cũng văng vẳng bên tai, thằng Xuân không dám nhận lời ai. Nó biết đã chịu phận mồ côi mà còn bị chia lìa anh em mỗi người mỗi ngả thì đau lòng lắm.

Hình như ông trời đã tính sẵn cả rồi. Thằng Xuân tuy mới lên mười nhưng sức vóc rắn rỏi như đứa mười ba, mười bốn. Từ khi cha mẹ còn sống nó đã nhiều lần một mình chèo đò đưa khách sang ngang. Hai cánh tay nó đã được rèn luyện đủ cứng cáp để lựa thế chém mái chèo chặn ngang dòng nước ngược thành thạo đẩy con đò êm ái cập bến an toàn.

Bây giờ cha mất sớm, nó trở thành người lái đò thực thụ. May được bà con trong làng có ý thương tình chẳng ngại trẻ con chèo lái, vẫn ngồi đò qua lại ngang sông. Nhờ vậy anh em nó cũng được ngày hai bữa.

  Những người lạ qua bến đò này chả ai nghĩ hai thằng Xuân, Hạ là anh em cùng cha cùng mẹ. Thằng Xuân da dẻ nhẵn nhụi, đen bóng, chân tay cứng cáp giống hệt như cha thì thằng Hạ hoàn toàn ngược lại giống mẹ hệt hai giọt nước. Giống từ nước da trắng như trứng gà bóc đến dáng người thanh mảnh, cử chỉ dịu dàng.

Rõ ràng nó là con trai mà sao thằng Xuân học ở đâu những đặc tính nữ nhi như vậy. Thậm chí đến mái tóc óng mượt như tơ của nó cũng y hệt làn tóc mây của mẹ. Mới hơi lớn lên một chút, nó đã khác anh trai, kiên quyết không cho ông thợ hớt tóc động dao kéo tới, dù bố nó đánh mắng thế nào cũng vậy.

Tới lúc đã thành một mái đen mượt buông thả chấm vai, nó khéo léo cuộn thành một búi tròn sau gáy to bằng trái cau non, nom vừa dễ thương vừa ẻo lả đến tội nghiệp. Bến đò ông Thu thường là nơi tắm táp vui vẻ của hầu hết bọn trẻ trong làng, anh nó chèo kéo thế nào cũng không bao giờ lôi được nó tắm chung cùng bọn trẻ.

Nhưng khi nào vắng vẻ, nó thường bơi lội ngụp lặn một mình, rồi chẳng biết do trời sinh trời dưỡng hay sao mà mới mười một mười hai tuổi, cả khúc sông quê này nó đã nổi tiếng có biệt tài lặn vo dưới đáy sông dùng tay không dễ dàng bắt được những chú cá chép một hai ký vảy vàng lấp lánh.

Tài vậy mà nó chẳng lấy đó làm kế sinh nhai. Người trong làng có đình đám gì nhờ vả, nể lắm nó mới miễn cưỡng bắt cho một vài con là cùng. Họ trả bao nhiêu nó thờ ơ nhận vậy rồi đưa luôn tờ bạc cho anh. Túi nó chưa bao giờ giữ một đồng xu nhỏ.

Cả ngày, nếu không bì bõm dưới sông thì nó cuốc sới chăm sóc luống đậu, vạt cà trên mảnh vườn bé tẹo sau nhà. Chiều chiều khi anh nó bận bịu giặm vá con thuyền nan thì nó lẳng lặng ra ngồi dưới gốc sung thổi sáo. Tiếng sáo của nó vi vu bay thoảng trên mặt sông, gửi đi bao nỗi niềm cô đơn chất chứa lâu nay nó hằng giấu kín, nửa muốn sẻ chia, nửa muốn chôn chặt trong lòng.

Rồi thời gian cũng hoàn thành phận sự đưa anh em Xuân, Hạ trở thành hai đấng nam nhi đĩnh đạc như bao trai làng khác. Nhưng chúng vẫn là hai phiên bản khác biệt nhau. Anh Xuân to khoẻ xốc vác như con trâu nước.

Em Hạ thon thả nuột nà da dẻ trắng hồng, hàm răng đều như hạt mãng cầu, khoé môi khi nở nụ cười thì hoa xuân cũng phải se lòng ghen tức. Nhìn thấy Hạ, thiếu nữ trong làng nhiều cô lâm bệnh thờ thẫn tương tư, luôn tìm cớ ra bến sông gặp mặt, đầu mày cuối mắt kín đáo trao tình nhưng anh Hạ vẫn cứ một hai thờ ơ nín lặng.

Ngược lại, anh Xuân chẳng giấu giếm tâm sự phải lòng cô con gái có thân hình chắc nịch như cua gạch của cụ tộc biểu làng bên cạnh. Cô này cũng đã vài bận lời ong tiếng bướm ra chiều ưng ý. Chuyện đến tai nhà đàng gái, cụ tộc biểu chê Xuân tứ cố vô thân không gả con cho, và ngay lập tức ép con gái mình lấy anh thợ đóng cối xay người làng bên kia sông.

Chẳng danh giá gì nhưng gia sản anh ta có vườn cau ao cá với mấy sào ruộng tư điền. Ngày người yêu đội nón cưới sang sông, anh Xuân ngồi tựa gốc sung già ngó hoài bến nước sóng cồn cho tới tận khuya sương rơi ướt lạnh hai vai áo mỏng. Rồi ngay nửa đêm hôm ấy, anh phẫn chí nghẹn ngào nói với em rằng:

- Anh vẫn hằng ngày ghi tạc lời cha me mình lúc lâm chung căn dặn chúng ta sống chết cũng không được rời nhau nửa bước. Nay em đã lớn rồi, có thể tự kiếm sống được rồi. Nếu anh em cứ chùm dúm thế này thì suốt đời nghèo mạt không ngóc đầu lên được. Em nghe anh chịu khó ở nhà một mình một vài năm cho anh ra đi lập nghiệp. Nhất định anh sẽ trở về.

Sáng sớm hôm sau anh Xuân bịn rịn chia tay em rồi nhảy lên một chiếc thuyền buôn đi biệt. Ở nhà anh Hạ vẫn bình thản như chẳng có sự gì xảy ra, vẫn ngày ngày chèo đò đưa khách sang sông. Vắng khách thì lúi húi cuốc sới luống đất mẹ anh xưa vẫn gieo đậu, trồng cà. Và chẳng chiều nào anh bỏ thói quen ngồi tư lự cạnh gốc cây sung tay nâng cây sáo trúc gửi theo sóng nước từng khúc tâm tình mênh mang thương nhớ dặt dìu.

Dạo ấy ở bến đò heo hút này, anh Hạ đã nghe râm ran tin đồn Việt Minh nổi lên ở vùng ấy vùng nọ. Đang nóng ruột lo lắng cho ông anh chẳng biết trôi nổi phương nào thì anh Xuân lặng lẽ trở về cùng với một cô gái người dân tộc Thái và bảo em đấy là vợ mình.

Cô này chỉ có chút nhược điểm hai bàn chân hơi to vì leo dốc từ tấm bé, còn hết thảy những phần căn bản của phụ nữ như hông, lưng, cổ chân cổ tay cùng vóc dáng đều nở nang tròn lẳn coi bộ đẹp hơn cô con gái cụ tộc biểu anh yêu mê mẩn ngày nào.

Những ngày đầu cô gái Thái chưa nói được nhiều tiếng Kinh, đáp lại những câu hỏi tò mò của khách qua đò, cô chỉ biết khẽ gật gật đầu chào lại, miệng nở nụ cười nhân hậu thật thà như đếm. Cuối năm đó căn nhà mom sông bốn mùa gió thổi của anh em họ lại nở bùng tiếng khóc oe oe của một chú thiên thần.

Càng lớn nó càng giống bà nội ở nước da trắng bóc, môi đỏ như son và mái tóc mượt mà như tóc ông chú ruột. Chính vì cái nguồn cơn nó giống hệt chú ruột từ dáng đi điệu đứng cho đến khoé mắt chân mày, trong khi chẳng một mảy may mang một chút bóng dáng hình hài người bố, nên ba sinh linh đáng thương còn lại dưới mái nhà chơ vơ như cái tổ chim bé nhỏ ấy, sau này đã phải gánh chịu bao nhiêu điều oan trái.

Chả biết theo một hiệu lệnh nào mà một buổi tối dưới bến đò ông Thu tụ tập mấy chục con thuyền nan đèn đuốc nổi đỏ mặt sông. Đấy là những dân làng ven sông theo tiếng gọi của Việt Minh kéo nhau lên huyện cướp kho thóc Nhật cứu đói cho mình.

Anh Xuân cùng hăng hái chèo thuyền tham gia. Quá nửa đêm, cả toán trở về khuân lên lỉnh kỉnh từng bao thóc căng đầy. Một tốp vừa khóc vừa khiêng vào nhà anh Xuân một bao thóc thấm ướt máu tươi.

Tốp sau khiêng xác anh Xuân bị lòi ruột nằm trên cáng. Họ kể trong lúc phá kho, anh bị trúng đạn của một tên lính Nhật điên cuồng chống trả. Vậy là cái tổ ấm bé bỏng như tổ chim chơ vơ chốn mom sông vừa lành lặn sau cơn đại dịch lại thêm lần nữa bị rách tơi tả vì địch hoạ.

Một lần nữa thời gian lại ra tay vá lành thương tích. Dưới mái nhà mom sông quạnh vắng ấy, thằng con anh Xuân theo quy luật cứ lớn dần lên như cha và chú nó ngày nào. Chỉ phiền một nỗi chị Xuân giờ mang thân phận goá bụa, nhưng là gái một con, chị chẳng giấu đi đâu được vẻ đẹp viên mãn tròn đầy.

Mấy năm liền chị đã phải cứng cỏi từ chối mấy đận mai mối ép buộc về làm vợ lẽ nhà người cùng những phen bao kẻ hoang đàng buông lời sỗ sàng tán tỉnh. Để được sống yên phận nuôi con, hoàn thành xứ mệnh vá víu, giữ lửa cho tổ ấm chồng mình để lại, nếu không có bản lĩnh sắt son của người sơn cước, chắc chị khó mà giữ được tiết hạnh giữa buổi nhiễu nhương này.

Còn anh Hạ chẳng đổi thay gì, cứ lặng lẽ lửng lơ cùng tiếng sáo mỗi chiều, cứ thản nhiên lạnh lùng khước từ những giọt nước mắt oán giận của không ít cô gái trong làng say đắm, khiến nhiều mối quan hệ của anh trở thành thù địch.

Tội một nỗi thằng cháu anh càng lớn càng giống bà nội nó, nên nhìn nó với anh cứ như là được sinh ra từ một cái khuôn. Chỉ khác nhau người còn trẻ, kẻ chớm già. Cũng từ nguồn cơn ấy mà sinh ra cái cớ cho nhiều kẻ ghét ghen ác tâm bện thành tấm lưới oan khiên chụp lên đầu họ.   

Lần đầu tiên chị Xuân thất thần nếm trải nỗi niềm oan trái ấy là một buổi thấy mấy bà ngồi chờ đò bên gốc sung, chị niềm nở mời các thím vào nhà xơi nước thì họ bĩu môi lạnh lùng: “Không dám! Chúng tôi vô phép” rồi phủi đít xuống thuyền, một mụ còn ngoái cổ bóng gió nói vè: “Thiếu mận thì đã có đào, vắng giăng thì đã có ông sao bên giời”.

  Phà ơi! (Trời ơi!) Thì ra họ đang xấu xa dựng chuyện em chồng chị dâu bất chính đây. Thảo nào mấy bữa trước, chị trông thấy chú Hạ căm phẫn giơ cao con dao phát trong tay xô đẩy quyết liệt chuyện gì với mấy thằng câu cá ven sông.

Nếu chị không xông đến kịp thời can ngăn thì đã xảy ra án mạng trên bến sông này rồi. Khi bọn chúng tỏ vẻ khinh bỉ bỏ đi rồi, mơ hồ nhận ra sự thể, lòng chị vô cùng xót xa thương cảm phận mình, phận em tội nghiệp.

Trưa hôm ấy, lần đầu tiên chị chứng kiến cảnh chú em chồng nằm vật vã hàng giờ trên bến sông miệng không ngơi rên rỉ: “Oan uổng quá! Oan uổng độc ác quá”. Chẳng biết làm gì, chị chỉ còn biết chia sẻ cùng em hai dòng nước mắt .  

Và chiều nào cũng giống chiều nào, bên gốc sung già, anh Hạ ngồi thẫn thờ thổi sáo tới khuya. Gió đưa tiếng sáo tới tai thương khách giang hồ xuôi thuyền đêm đêm, hết thảy đều bàng hoàng tưởng như từ dưới đáy sông oan hồn Trương Chi hiện lên gửi đến nhân gian bạc bẽo tiếng sáo u uất oán trách than van cho mối hận tình muôn kiếp không tan. Muôn đời chẳng mong đáp đền tri kỷ.

Đã mấy lần giữa đêm khuya nghe thằng con mười hai tuổi hỏi mỗi một câu: “Mẹ ơi người ta nói với con chú Hạ mới thực là bố con. Cả các bạn học cũng chế nhạo con hỏi ai là bố mày. Con xấu hổ quá”.

Chị Xuân chỉ còn biết trào nước mắt thầm thì: “Họ nói bậy đấy. Chú Hạ là chú ruột con, con không thấy sao? Ráng nhẫn nhục chịu đựng sau này con sẽ hiểu ra con ạ!”. Nói vậy nhưng chị biết con mình chẳng có lòng tin. Nó thì còn non nớt quá mà dư luận miệng đời thì độc ác nham hiểm khôn cùng.

Đêm đêm ôm con trong vòng tay, lòng chị nghẹn ngào thương chồng xấu số, thương em chồng cô đơn khác người, thương con nhỏ dại côi cút. Không có bằng ấy tình thương thì trước những ghẻ lạnh khinh bỉ của người đời chị đã xuôi tay đi theo chồng từ lâu rồi.

Cái ngày oan nghiệt ấy nó đến cũng bình thản lạnh lẽo như những ngày thường. Lúc ấy mới non trưa, biết anh Hạ đang ngồi đan giỏ dưới gốc sung, mấy cô cắt cỏ ven sông cười khúc khích, cố ý nói to cho anh nghe thấy:

- Ê mày còn tương tư anh lái đò đẹp trai nữa không?

- Em chả dám đâu, người ta đã có chị dâu xinh đẹp tựa tiên nga rồi.

- Đừng nói bậy bạ tội ngập đầu.

- Thì mày trông thằng bé có tí gì giống bố nó không? Hay là y chang ông chú ruột.

Nói rồi cả bọn cùng hát câu “vắng giăng thì đã có sao…” ong óng vang xa ra khắp bãi bồi đang buổi đẹp trời, đẹp nước như chưa bao giờ đẹp vậy. Chị Xuân trong nhà ngồi vá áo cũng đau đớn nghe rõ từng tiếng một.

Cửa bổng mở bật ra, chị thấy chú em chồng mặt mày xanh lét chạy vào nhà nằm vật xuống chiếc phản đơn toàn thân co giật tột cùng đau đớn và miệng vẫn chỉ một lời: “Oan trái quá! Đau xót tội thân tôi quá!”.

Cầm lòng không đậu, chị đến ngồi bên xoa lưng vỗ về em chồng và thầm thì khuyên nhủ ráng kiên cường chịu đựng rồi chị em mình sẽ có ngày được minh oan sáng tỏ. Bất ngờ thằng con chị vì chịu không nổi bạn bè chế giễu, giữa chừng buổi học nó bỏ chạy về nhà.

Bên ngoài khoé cửa, chứng kiến cảnh trên, nó phẫn uất xé tan cặp vở, vất tung ra sân rồi chạy đi một mạch. Một lát chị Xuân bước ra thấy giấy bút tung toé chị thẫn thờ hiểu ngay sự tình. Chiều tối không thấy con về nhà, chị nóng lòng chạy ra bến Xanh dò hỏi. Biết tin nó đã trốn lên một chiếc thuyền buồm cánh dơi nhổ neo chạy về hướng biển tự giữa trưa rồi. Ngay đêm ấy chị ngây dại từ biệt em chồng, bảo là đi tìm con, khi nào gặp cháu thì cùng về đoàn tụ.

Thương thay cái tổ chim trơ trọi chốn mom sông đã xơ xác lắm rồi mà giông gió chưa thôi tơi bời giật giã.

Từ buổi ấy căn nhà mom sông có từ đời ông Thu chỉ còn anh Hạ thui thủi một mình, ngày miễn cưỡng đưa đò, đêm đêm thao thức giữa căn nhà tứ bề cửa mở cho gió buốt bốn mùa thông thống thổi qua cùng tiếng ru triền miên ì oàm sóng vỗ.

Tuổi mới ngoài bốn chục mà tóc anh đã bạc trắng, xơ xác rụng dần, bụm lại chỉ còn bằng củ hành sau gáy. Năm ấy cuộc chiến tranh chống Mỹ đang vào hồi quyết liệt. Bến đò nhà anh do vắng vẻ, heo hút nên được chọn làm địa điểm hằng đêm bộ đội ta bí mật trung chuyển đạn dược, khí tài bằng thuyền nhỏ qua sông.

Anh Hạ hăng hái tham gia chèo lái một thuyền. Không may một đêm tối trời, một thuyền bạn bị đắm giữa sông vì xô đẩy. Việc cần kíp lúc này là phải mò lên mười mấy thùng đạn đang nằm dưới đáy sông. Cái tài vặt tay vo bắt cá của anh Hạ bây giờ mới đến hồi đắc dụng.

Sau vài giờ đồng hồ, anh lặn xuống tận đáy, buộc dây từng hòm đạn cho bộ đội kéo lên, đến lần lặn cuối cùng, hòm đạn cuối cùng đã yên vị giữa lòng thuyền rồi thì không thấy đầu anh Hạ trồi lên như mọi bận.

Người ta vội tá hoả huy động mọi phương tiện lặn tìm, quá nửa đêm mới vớt được thi thể anh lên. Qua khám nghiệm kết luận rằng do liên tục bị áp suất cao dưới đáy sông chèn ép, tổ chức bên trong tai liên thông với não bị phá huỷ, gây ra hai dòng máu chảy qua hai lỗ tai. Anh tử vong là vì vậy.

Trong thời khắc thiêng liêng thay cho anh bộ quần áo mới, toàn thể dân làng được một phen bàng hoàng chứng kiến và cùng lặng người trước một thi thể sạch băng, đẹp tươi như đoá quỳnh hương vừa nở, nhưng phần bên dưới, chỗ đáng lẽ là bộ phận sinh dục nam thì chỉ thấy một núm thịt bé bằng hạt mít làm chức năng bài tiết.

Anh Hạ ơi! Nỗi oan khiên anh hằng một đời cắn răng chịu đựng, rên rỉ đớn đau, ôm hận một mình bây giờ đã được trời xanh chiêu tuyết giữa đông đảo dân làng.

Anh ra đi trong tư thế một liệt sĩ của Tổ quốc, của làng. Căn nhà của cha mẹ anh xưa đã kiên cường tạo dựng giữa mom sông bốn bề sóng gió, với bao nhiêu phập phồng hy vọng sẽ trường tồn cùng con cháu đời đời, bây giờ chẳng còn ai thừa hưởng nữa.

Cho tới nay nó chỉ còn lại bốn bức tường đất nện đứng chơ vơ hứng chịu phong sương và bốn mùa gió xiết. Tôi, một kẻ hậu sinh, bạn cùng lứa với thằng cháu mồ côi của anh, từng nhiều lần một mình ra bến sông ngồi dựa lưng vào thân tường đất ẩm, đối mặt với dòng sông man mác mênh mang từ vạn kỷ.

Lần nào cũng giống lần nào, lòng tôi luôn dâng đầy cảm giác u buồn nặng trĩu. Mới hay sinh mệnh một con người mới mong manh bé bỏng làm sao, và chẳng qua nó cũng chỉ là cái chớp mắt trước bao nhiêu bí mật nhân sinh thăm thẳm.

Giờ phút cuộc đời anh kết thúc đấy chính là thời khắc anh mở ra một đời sống mới vĩnh hằng giữa nhân gian miên viễn. Anh Hạ ơi! Xin anh tha thứ cho mọi tội lỗi của bọn người quá đỗi tầm thường chúng tôi.

Xin anh khôn thiêng run rủi cho thằng con bất hạnh của chị Xuân, dù đang ở chân trời góc bể nào nó cũng gặp được cơ duyên đọc truyện ký này. May chăng cất được gánh nặng mặc cảm nhân luân bấy nay đè trĩu tận sâu cùng lòng nó. Nếu còn sống, nó cũng cỡ tuổi tôi, tuổi gần đất xa trời.

Khi từ giã cõi đời, điều con người ta cần nhất là có được cái tâm thanh thản.

Nhưng… Hỡi ôi! Những vòng trầm luân phận người đâu phải bao giờ cũng do trời trói buộc!

V.T.K

Tin cùng chuyên mục