Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Món ăn, thức uống bổ dưỡng từ quả mơ
Thứ hai: 22:46 ngày 11/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ô mai mơ giúp cải thiện hệ tiêu hóa, tim mạch. Nước mơ ngâm đường thanh nhiệt, giải độc. Rượu mơ thơm ngon, bổ dưỡng.

Quả mơ tên khác là mai, hạnh, Mak phung (Thái), Mác mòi, May phung (Tày). Đây là loại cây nhỏ, cao 4-5 m, lá mọc cách có cuống, mép khía răng cưa, hình bầu dục, đầu nhọn. Quả hạch, hình cầu, nhiều nạc, vị chua, hạt cứng trong có nhân. Quả mơ thu hái vào tháng 3-4, dùng chế nước giải khát, làm rượu mơ và làm thuốc, ăn xổi và làm mơ muối trắng (bạch diêm mai), mơ hun (ô mai) dùng quanh năm.

Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết ô mai mơ còn gọi là xí muội, hiệu quả trong chống các dạng ký sinh trùng, chống loét và cải thiện hệ tiêu hóa, tim mạch.

Về dinh dưỡng, trong 100 g mơ có chứa 48 calo, lượng chất béo rất ít chỉ chiếm 1%, 2 g chất xơ, đường chiếm 9,2 g, protein 1,4 g. Các dưỡng chất như vitamin A chiếm 39%, vitamin C 17%, canxi 1% và sắt 2%. 

Trong dịch mơ chứa nhiều vitamin B15 có tác dụng chống oxy hóa, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch... Quả mơ còn chứa một chất có tác dụng kháng vi trùng lao là mycobacterium. Các dưỡng chất như protein, canxi, photpho, sắt... có trong quả mơ nhiều hơn ở các loại trái cây khác.

Beta-caroten trong quả mơ sẽ chuyển hóa thành vitamin A, ngăn ngừa các gốc tự do, bảo vệ mắt và phòng chống ung thư da. Quả mơ có các loại axit hữu cơ tác dụng kháng khuẩn, làm co túi mật, thúc đẩy quá trình tiết mật.

Trong Đông y, mơ có vị chua, mát, tác dụng trừ khát, sinh tân dịch, chủ trị ho sát đờm, kiết lỵ, nôn ói. Ô mai mơ (mơ hun khói) vị chua, chát, tính ấm, chủ trị ho đờm rãi, sốt rét cơn, đái tháo (tiêu khát). Hạt mơ có chứa nhiều chất chống oxy hóa và chất khoáng giúp chống thoái hóa tế bào và nâng cao sức miễn dịch.

Ngoài ra, quả mơ còn được dùng làm mặt nạ đẹp da mặt. Dầu nền từ quả mơ có công dụng vận chuyển các tinh dầu vào sâu trong da, để da hấp thụ các loại tinh dầu khác tốt hơn. Đặc biệt, dầu hạt mơ còn được làm thuốc bôi trừ nẻ, nhuận tràng.

Ô mai mơ chua ngọt giúp chống các dạng ký sinh, chống loét và cải thiện hệ thống tiêu hóa, tim mạch. Ảnh: Bùi Đắc Sáng.

Nước mơ ngâm đường là thức uống giải khát cho những ngày nóng nực giúp thanh nhiệt, giải độc. Rượu vang mơ làm từ mơ ngâm đường 1-2 tuần, nước chắt ra làm thức uống giải nhiệt, còn cái đổ rượu vào là đồ ngâm rượu hoa quả dễ uống và thơm ngon.

Người Nhật ngâm rượu mơ xanh kiểu Umeshu. Người Trung Quốc chế mơ thành một loại nước chấm đậm đặc và ngọt gọi là mai tương.

Theo lương y Sáng, để làm mơ muối trắng (bạch diêm mai), chọn loại quả chín, ương ương, phơi héo, dùng muối xát đều rồi cho vào vại, cứ một lớp mơ rắc một lớp muối như muối cà, nén nhẹ. Sau 3 ngày đêm, đổ ra phơi cho quả mơ tái tái lại đổ vào vại rắc thêm muối để hai đêm một ngày, tiếp đó phơi cho thật khô thành mơ muối trắng. Hoặc có thể đem ngâm nước muối, ngày phơi, làm 8-9 lần, đến khi muối dính vào quả mơ khô trắng là được.

Làm ô mai, cần hái những quả thật già, để nơi thoáng vài ngày cho héo, đồ lên, rồi phơi héo lại đồ 3-4 lần, đến khi quả mơ đã nhăn và ngả màu nâu thì phơi ráo, rồi chứa vào túi, đốt lửa xông khói cho đến khô đen.

Một số bài thuốc từ quả mơ

Ô mai nhục tán nhỏ, làm viên, uống với rượu vào lúc sáng sớm, trước cơn sốt, chữa sốt rét cơn. Ô mai nhục sắc uống hoặc nấu canh ăn chữa chứng tiêu khát. Rễ cây mơ sắc uống chữa đại tiện ra máu. Ô mai sắc uống cùng hoa hòe sao chữa ho nhiệt (khạc đờm, có máu). Mơ muối cùng thiên môn tán nhỏ, làm viên với mật ong và nước gừng, mỗi lần dùng một viên ngậm và nuốt dần, chữa ho lâu năm.

Lương y Sáng lưu ý mơ có vị chua, tính ấm, nếu ăn tươi nhiều sẽ hại răng, sinh đàm, tăng nhiệt. Người bị bệnh cảm, dạ dày nhiều axit, trẻ em bị lên đậu cấp tính cần kiêng ăn mơ tươi. Nhân hạt mơ có độc tính, khi ăn chất amygadalin và amygdalase kết hợp sinh ra prunasin và mandelonitrile bị phá hủy trong ruột tạo thành benzaldehyde và hydrocyanic axit rất độc. Vì vậy, mỗi khi sử dụng nhân hạt mơ để làm thuốc cần lưu ý đến liều lượng.

Dân gian thường dùng vỏ cây mơ hoặc vỏ của rễ làm chất giải độc. Lương y Sáng khuyến cáo bài thuốc này khi bào chế phải rất cẩn thận, nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh