Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Món nợ từ giấc mơ vượt biên đổi đời
Thứ hai: 15:29 ngày 25/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Kể từ khi chuộc người thân trở về từ Campuchia với số tiền từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng, nhiều gia đình phải mang nợ. Cuộc sống của một số gia đình vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn do phải gánh thêm món nợ từ giấc mơ vượt biên đổi đời.

Gia đình ông Nguyễn Văn Q đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an Tây Ninh trình báo sự việc người con trai của mình. (BBT che mặt gia đình ông Q giúp ạ. Em xin Cám ơn)

Đứng trước lời dụ dỗ ngon ngọt sang Campuchia làm ăn với nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng, cô gái tên K ngụ Tây Ninh đã giấu gia đình, người thân, bỏ lại con nhỏ khăn gói vượt biên mà chẳng chút nghi ngờ.

Đến khi vỡ mộng làm giàu, tỉnh ngộ là lúc đặt lên đôi vai người chồng món nợ trên 100 triệu đồng  gửi sang chuộc thân cho chị trở về nhà. Chị K chia sẻ: “Ban đầu em không có việc làm, vô tình lướt Facbook thấy có chỗ tuyển việc làm lương cao mỗi ngày làm 8 tiếng, làm ở rạp chiếu phim, nên em mới liên hệ để đi làm.

Đầu tiên nhà xe hẹn em chừng nào đi sẽ sắp xếp xe tới khu vực An Sương (Thành phố Hồ Chí Minh) tài xế rước em, chở em tới cửa khẩu Mộc Bài thì có 2 chiếc xe ôm gần đó đưa em đi.

Đi chui phải lội ruộng mới qua được, sau khi qua tới Campuchia có xe đón. Sáng thì bắt từng đứa qua công ty bán, đầu tiên bán em với giá 2.500 USD mà lúc đó gia đình em chưa chạy tiền kịp nên bắt em bán vô công ty".

Những người chủ còn ép nhân viên như chị K, lên mạng chèo kéo thêm người khác sang Campuchia làm việc. Qua lời kể của chính nạn nhân thì họ không có sự lựa chọn nào khác, đành phải chấp nhận làm việc khổ sai hoặc quay ra lừa chính đồng bào mình.

Chị K chia sẻ thêm: “Ban đầu em cũng có chống đối, nhưng bị đập điện thoại, nói em chống đối, quăng em vô xe cái một luôn, thời điểm đó em sợ em vô công ty làm. Vô công ty làm bắt em lên tầng 10, em làm việc hằng ngày bằng cách gọi điện thoại tư vấn tuyển cộng tác viên tại nhà nhưng mà công việc đó là lừa đảo, 1 ngày họ quy định tuyển 10 người, không tuyển đủ chỉ tiêu thì 1 người trừ 1.000 USD. Em thấy công việc này thất đức lắm tại vì người ta ở nhà người ta cần tiền mới làm cộng tác viên mà chỉ được 2 ba trăm thôi, mà lừa đảo cả tỷ bạc có nhiều người tự tử này nọ, đâu lấy lại được tiền đâu”.

Sau khi vào trong công ty làm việc, chị K cũng như bao nạn nhân khác sẽ không được ra ngoài, xung quanh là những bức tường cao bao kín, có bảo vệ canh gác nghiêm ngặt, không có đường trốn thoát. Không còn cách nào khác, chị K cầu cứu gia đình vay mượn tiền gửi sang Campuchia nộp cho chủ để đổi lại sự tự do.

Anh M chồng chị K. cho biết: “Có người gọi điện thoại đến và nói em là bây giờ anh nói ngắn gọn nhé, anh em mình cũng là người VN,  thì bây giờ nói thẳng với anh, vợ anh bị người ta lừa qua bên đây làm việc, bọn em là bên nhà xe giờ anh muốn chuộc vợ anh về phải có 2.600 đô, 2.500 đô, tính ra 61 triệu, 60 triệu, bảo anh chạy 60 triệu gửi qua em đưa vợ anh về tới Sài Gòn anh tự lên đón, nói mấy câu vậy thôi thì em gọi lại cũng không được”.

Hoàn cảnh khó khăn, chồng làm thuê, phải chạy cơm từng bữa, khi nghe số tiền để chuộc vợ về nằm ngoài sức tưởng tưởng và khả năng của gia đình. Thế nhưng khi nghĩ tới sự sống của vợ bị đe doạ từng ngày, anh chạy vay mượn họ hàng, chòm xóm không sót một ai mới tích góp đủ từng đồng đưa vợ hồi hương.

Anh M cho biết thêm: “Lúc đầu em giận lắm chứ, biết làm sao giờ, tiếng vợ chồng đâu phải nói bỏ là bỏ, ở nhà nhóc nhỏ được 3 tuổi, từ lúc vợ em đi ở nhà cứ lủi thủi một mình khóc, rồi tiền sữa, ăn uống tùm lum hết, quay đi quay lại thấy nghĩ cũng tội. Mượn tổng hết 106 triệu, giờ chuộc về rồi em với vợ em phải gắng đi làm trả nợ cho người ta đi làm trả lại từ từ”.

Với nhiều gia đình, việc mất tiền nhưng đưa được người thân trở về vẫn còn là điều may mắn. Có nhiều trường hợp như con trai của ông Q, ngụ huyện Tân Châu theo bạn qua đến Campuchia tìm việc, khi qua đến nơi thì hoàn toàn mất liên lạc sau một cuộc gọi về cho gia đình.

Ông Nguyễn Văn Q. ngụ huyện Tân Châu cho hay: “Mỗi lần điện nó không được, khi điện được thì thấy mắt nó sưng mà nước mắt nó chảy nhưng mà nó không dám khóc có người ngồi sau lưng áp chế nó không cho nó nói mà điện thoại bị bỏ mất sim hay sao mà gia đình không liên lạc được”. Không thể chạy vay tiền chuộc con như những trường hợp bị lừa bán sang Campuchia, gia đình ông Q chỉ biết lo lắng, thấp thỏm, chờ tin con trong vô vọng, chỉ mong con trai lành lặn trở về.

Trong khi các đường dây tội phạm buôn bán người chưa được bóc gỡ triệt để thì hằng ngày có thể vẫn còn nhiều nạn nhân mới sập bẫy lừa. Thượng tá Nguyễn Văn Tâm- Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an Tây Ninh khuyến cáo người dân: “Trước khi nhận lời mời đi làm việc, nhất là làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ địa danh, địa điểm nơi mình đến làm việc, thông tin cá nhân người tuyển dụng, người giới thiệu và người đi cùng; tham khảo ý kiến mọi người xung quanh, cung cấp thông tin cho gia đình, người thân về địa điểm nơi làm việc và công việc sẽ làm; khi phát hiện các đối tượng đường dây lôi kéo môi giới tổ chức đưa người ra nước ngoài làm việc, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người thì cần thông tin cho người thân, gia đình và trình báo cơ quan Công an gần nhất”.

Việc đưa lao động đi nước ngoài là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Do vậy, khi các đối tượng đưa ra các thông tin việc nhẹ, lương cao, người dân cần yêu cầu các đối tượng đưa ra các giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở ngước ngoài của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nếu không có giấy phép chứng tỏ hoạt động này là bất hợp pháp.  Khi phát hiện có dấu hiệu bất thường, người dân báo ngay cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ kịp thời.  

T.N – N.N

Tin cùng chuyên mục