Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Món quà ngày 20.11
Thứ hai: 06:15 ngày 20/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 20.11 lại đến! Có lẽ trong cuộc đời tôi, câu chuyện của ngày 20.11 hơn 20 năm về trước sẽ chẳng bao giờ phai nhoà trong ký ức.

Đó là năm 1992, tôi dạy toán và làm chủ nhiệm lớp 10A2, lớp toàn học sinh diện chính sách: con gia đình liệt sĩ, thương binh, con gia đình có công với cách mạng, con mồ côi cả cha lẫn mẹ và thuộc diện gia đình nghèo neo đơn.

Hôm ấy, sau khi dự lễ họp mặt nhà giáo nhân ngày 20.11 do trường tổ chức, tôi trở về nhà lúc giữa trưa, đã thấy các em học sinh lớp tôi chủ nhiệm có mặt đông đủ. Trông nét mặt cô cậu nào cũng vui tươi, rạng rỡ. Tất cả vây quanh tôi chúc tụng (có lẽ đã chuẩn bị từ mấy hôm trước). Những bó hoa rực rỡ nhiều màu sắc cùng với những tấm thiệp bé nhỏ, rồi những món quà lần lượt được xếp ra mặt bàn khiến tôi rất cảm động và thấy lòng mình ấm lại. Song, tôi cũng không khỏi băn khoăn, các câu hỏi cứ dần dần hiện ra trong tâm trí: những gì các em mang đến cho tôi hôm nay có phải là biểu hiện của những tình cảm chân thành tận đáy lòng? Hay đó chỉ là những “thủ tục” mà các em phải làm trong ngày “biết ơn thầy cô giáo”?

-Dạ thưa, thầy có khách ạ.

Lời nói của em lớp trưởng đã cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi, ngay lúc đó một em học sinh khác đã nhanh nhẹn chạy ra mở cổng. Từ trong nhà nhìn ra, tôi thấy một người đàn bà xa lạ, đứng tuổi, dáng vẻ gầy gò, nước da ngăm đen. Nhìn cách ăn mặc, ai cũng phải thấy đó là một người rất nghèo. Vừa trông thấy tôi, bà vội bỏ nón lá ra và nói rất nhanh về một điều gì đó mà tôi chưa kịp nghe.

- Thưa chị, chị tìm ai ạ?

Người phụ nữ đứng tuổi dường như không nghe câu hỏi này của tôi, vội vã quay lưng tất tả bước ra cổng khiến tôi hết sức ngạc nhiên

Nhưng tôi đã không phải chờ lâu, người phụ nữ trở lại cũng nhanh như khi bỏ đi hồi nãy. Lúc này trên tay bà là một trái đu đủ thật to, khá dài và tươi tốt. Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Không kịp để tôi phản ứng, bà liền bước lên thềm vào trong nhà, vẻ ngập ngừng lúng túng trông rất tội nghiệp:

- Thưa, thầy là giáo viên chủ nhiệm của lớp chính sách phải không?

- Phải. Nhưng chị là ai? Tìm tôi có chuyện gì không?  

- Dạ, thưa thầy… Tui là má của trò Khang học lớp thầy. Bữa nay là ngày 20.11, tui… tui thưa thầy…

Vẫn chưa hết vẻ lúng túng, người phụ nữ nói tiếp:

-Bữa nay là 20.11, thưa thầy, cha mẹ nào mà chẳng biết ơn các thầy, các cô dạy dỗ con mình chứ… tui cũng vậy thầy à! Nhưng… nhưng, bị vì nhà tui nghèo quá nên…

Nói đến đây, mắt bà rớm lệ. Lúc này tôi đã hiểu ra.

- Mời chị ngồi xuống dùng nước đã ạ!

- Thôi, thầy! Tui phải đi liền bây giờ mà, không giấu gì thầy, nhà tui nghèo lắm… Không có tiền mua quà. Chỉ có... trái đu đủ này của nhà trồng, tui để dành đem biếu thầy, mong thầy nhận cho.

Một trái đu đủ, thật đơn sơ, giản dị mà chứa đựng biết bao nghĩa tình, tôi cầm lấy trái đu đủ mà không nói được nên lời. Ôi một tấm lòng, một món quà bé nhỏ đáng trân trọng biết bao. Cả căn phòng như lặng hẳn đi. Các em học sinh của tôi tuy còn nhỏ, nhưng có lẽ giờ đây chúng cũng cảm nhận tấm chân tình của người đàn bà nghèo đang đối diện.

Tiễn bà ra cổng, tôi trông thấy cạnh chiếc xe đạp cũ kỹ đang dựng sát bờ rào nhà tôi nào chai, lon, nào thùng giấy cũ… Người phụ nữ ấy đã nuôi con ăn học bằng cái nghề mua bán ve chai. Bà nghèo tiền nghèo bạc nhưng lại giàu nghĩa tình. Bóng dáng gầy gò của bà khuất dần sau con hẻm, tôi nhìn theo mà thấy lòng chùng xuống...

Ôi! Nghề dạy học của tôi, cái nghề mà nhiều người vẫn gọi là “bán cháo phổi”, ấy vậy mà đáng yêu đáng quý biết bao! Trái đu đủ ngày 20.11 năm ấy đã mang lại cho tôi một hương vị thật ngọt ngào. Trong cuộc đời dạy học, tôi sẽ chẳng bao giờ quên được món quà đặc biệt ấy.

NHẬT LINH ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục