Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tôi về thăm quê lần này nhằm lúc người dân quê tôi thu hoạch lúa. Rải rác dưới những tán cây râm mát, vài đứa trẻ túm tụm lại chỗ đống un ngún khói. Chúng dùng nhánh cây nhỏ khều những hạt cốm bung ra trắng tinh. Ðó là những hạt lúa “hai tầng” mà chủ ruộng cắt bỏ để giữ giống cho vụ sau.
Tôi còn nhớ rất rõ, ngày ấy mấy chị em tôi cũng giành nhau những hạt cốm từ đống un lúa lép qua quá trình giê sảy lúa. Mẹ bảo: “Ðể bữa nào rảnh mẹ rang cốm chùi cho ăn một bữa đã thèm. Con nhường cho em một chút đi!” Nghe lời mẹ, tôi nhường cho em, nhưng trong bụng còn ấm ức lắm. Thấy chị buồn, bé Hà cầm bụm cốm đưa: “Em cho chị hai nè, chị ăn đi”. Thế là tôi hết buồn ngay, dỗ em: “Em cứ ăn đi, để chị kiếm cho em nữa nghen”. Chỉ có vậy thôi mà tôi nhớ mãi đến tận bây giờ.
Ngày xưa, để có những vắt “cốm chùi” mẹ phải chuẩn bị nào nếp vỏ phơi khô, cát biển (sàng lấy phần cát to, sảy sạch rác). Bước đầu mẹ cho cát vào trã (dùng để nấu rượu bị hư) đảo đều trên bếp than đỏ rực, đợi cát thật nóng. Sau đó mẹ cho tầm nửa lít nếp vỏ vào đảo đều tay bằng đôi đũa bếp. Gặp nóng, nếp bung ra trắng xoá.
Chị em tôi vui quá xúm nhau vỗ tay cười nắc nẻ: “Hay quá! Mẹ hay quá! Xong trã thứ nhất, mẹ đổ tất cả ra sàng để trên nia, sàng cho sạch cát, đổ cát vào trã lần nữa. Mẹ sảy vỏ trấu ra, giờ chỉ còn lại những hạt cốm trắng phau. Lúc sảy trấu văng ra hạt nào, chị em tôi tranh nhau nhặt lấy, nhanh tay bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến. Những hạt cốm xốp, giòn tan nhanh, béo ngậy.
Rang xong được khoảng một thau vừa vừa, mẹ bắt đầu công đoạn tiếp theo. Mẹ trút thau cốm vào túi ni-lông, cột miệng lại, tránh lọt gió cho cốm giữ độ giòn. Mẹ lấy chảo thắng đường tán (có đường thốt nốt càng ngon hơn) với gừng đâm nát, khi đường sắp tới (có độ kết dính, mẹ thử bằng cách nhúng đầu đũa vào chảo đường rồi cho nhểu vào chén nước lạnh để cạnh đó.
Nếu hạt đường trong chén nước đọng lại, dẻo là được). Từ lúc này phải có ba phụ thêm một tay. Bởi đôi tay ba khoẻ, bưng chảo đường rưới từ từ vào thau cốm. Mẹ dùng đũa bếp trộn đều cho đường, cốm xen lẫn vào nhau. Sau đó, hai người nhanh tay thoa ít dầu ăn hoặc mỡ thắng vào lòng bàn tay bốc từng nắm cốm vắt lại cho tròn rồi bỏ lại vào túi ni lông hoặc hũ thuỷ tinh để ăn dần.
Cắn một miếng cốm vào miệng, vị béo, ngọt, thơm và cay cay của gừng... thật tuyệt vời! Mỗi bữa đi học, mẹ gói cho mỗi đứa một vắt cốm mang theo chứ làm gì có tiền mà mua quà bánh. Ông nội cũng thường nhâm nhi món này với tách trà nóng hổi. Ông không còn răng nên cứ dùng tay bẻ một miếng cho vào miệng, vài giây sau cốm mềm ra, nhai qua loa rồi nuốt kèm theo ngụm trà… ngon đến phát ghiền. Hồi đó, nhà nào có điều kiện làm một món “ăn vã” cho con là quý lắm rồi, nhất là ở những vùng quê quanh năm làm bạn với đất trời.
Cuộc sống ngày càng thay đổi theo chiều hướng đi lên, quà bánh cho trẻ cũng vô cùng phong phú. Giờ đây nhớ lại thấy thương mẹ quá. Muốn làm cho con một món bánh cũng phải tính toán chi li, bởi không phải sợ cực nhọc khi làm mà chỉ sợ chi phí trong gia đình bị ảnh hưởng. Bây giờ, muốn ăn gì có tiền là mua được, duy chỉ có mẹ là không còn nữa.
NGUYÊN HẠ