Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ghi chép tản mạn
Mong manh hoa súng
Thứ sáu: 14:14 ngày 06/07/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: “Sáng nay ra đường gặp ai? Gặp đoá súng hồng/ Hồng như chưa có môi nào hồng được vậy/ Ðến nỗi anh qua rồi, quay ngoắt lại/ Hỏi “hoa súng hồng, hoa súng hồng, mày có phải hoa không?” (Hái theo mùa- NXB tác phẩm mới, 1977).

Tây Ninh cũng đang vào mùa hoa súng hồng đây, thưa bạn! Cứ gặp những ao bàu là ta có thể tìm ra những hoa, hoặc búp súng hồng khép nép góc bờ ao. Bữa đi trên đường QL 22B hướng từ thành phố Tây Ninh tới Gò Dầu, tôi lại gặp hoa súng trắng. Ở ngay đám ruộng phía phải con đường trước khi tới khu phố Rạch Sơn thuộc thị trấn Gò Dầu.

Bông súng trắng lại càng có vẻ mong manh hơn cả súng hồng. Bông hoa nhỏ với những cánh trắng như những ngón tay em bé thuôn dài. Bông hoa xoè hết cỡ cũng chỉ to bằng miệng ly hay miệng chén. Dưới cọng hoa nhỏ như cây đũa đang gắn gỏi vươn lên là những lớp lá dạt xô cũng đang ngoai ngóp xoè ra hứng giọt nắng trời.

Nơi súng mọc là bưng hoang, nên còn là chỗ cạnh tranh của những loài cỏ hoang như đưng, cỏ năn, cỏ lác. Toàn các loại cỏ cao cây mà cứng cáp. Chúng ngạo nghễ vươn cao khoe thân màu xanh óng, lại điểm trang thêm những chùm hoa màu nâu xoè ra trên ngọn.

Trong khi súng trắng chỉ nhấp nhỉnh cao hơn mặt nước độ gang tay. Nhìn cỏ, tôi chợt nhớ một bài thơ mình từng thích “mê tơi” viết về cỏ của một nhà thơ nữ. Bài ấy có đoạn vừa thủ thỉ bạn bè, vừa lại như chất vấn mấy giống cỏ hoang.

Rằng: “Hỡi cỏ năn, cỏ lác/ Sao mày không mọc ở chân đê/ Sao không như cỏ chỉ/ Suốt đời sống ở nhà quê/ Sao không như cỏ chân vịt/ Cho bà làm vị thuốc nam...”. Giá như chị có mặt ở đây, bên hoa súng lút giữa cỏ năn, cỏ lác, chắc là phải có thêm câu hỏi nữa: - Sao mày chen lấn, không nâng niu hoa súng trắng mong manh.

Trên thực tế, những loại cỏ hoang như đưng, bàng, năn, lác cũng chẳng thể nào lấn át được loài hoa súng. Bằng chứng là chúng vẫn còn đây, trắng tinh khôi, bình thản dưới mặt trời. Chúng và cỏ cứ cộng sinh, bên nhau mà sống có lẽ cả ngàn vạn năm rồi.

Cỏ vẫn cấp cho người nguyên liệu để chế ra những tấm đệm, bao bằng thân cỏ. Và hoa súng vẫn cấp cho người cọng hoa giòn, ngọt dịu dàng trong món lẩu chua. Thế nhưng hoa súng mong manh, có lẽ cuối cùng cũng phải chịu khuất phục những hàng cọc bê tông phân lô (bán nền) thời đô thị hoá.

Qua đây, bạn hãy ngắm chỉ một phút là sẽ thấy những hàng cọc bê tông màu trắng, chia lô theo từng vệt dọc bên đường. Vài cọng dây thép gai căng vội vàng làm ranh giới. Ðể rồi tới một lúc nào đấy, những xe đất đá, xà bần sẽ tới lấp lên. Ðến lúc ấy thì hoa súng mong manh mới đành chịu khuất.

Tôi cũng mới đọc bài phỏng vấn Giám đốc Sở Xây dựng về “Quy hoạch xây dựng và đô thị” trên Báo Tây Ninh ngày 2.7.2018. Theo đó, việc “Phân lô, bán nền trong các đô thị chỉ được thực hiện ở những khu vực không có yêu cầu cao về kiến trúc, cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị; không thuộc các khu vực là mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị...”.

Thế còn những ruộng rẫy và bưng hoang bên quốc lộ và tỉnh lộ? Hoặc những vùng chỉ có cảnh quan thiên nhiên núi sông, cùng những ao, bàu... lại chưa thấy ai nhắc tới. Mà đôi khi, khu thiên nhiên này còn quan trọng hơn cả những khu trung tâm đô thị hiện đại do con người kiến tạo nên. Và vì thế, chưa có giải pháp nào cho mong manh bông súng đâu em!

Ðến đây có lẽ phải “trình làng” một tấm ảnh mang tính biểu tượng. Ðấy là ở một xã kề bên thành phố Tây Ninh. Trong một lô đất đã phân chia, đang lấp dở dang bằng xà bần và đất, có một cụm hoa súng hồng vẫn đang trồi lên, tươi thắm sắc hoa và xanh ngời sắc lá.

Những tảng đất đá đã tràn đến, sát bên súng rồi mà cây vẫn thản nhiên dầm mình giữa làn nước trong xanh in bóng mây trời. Còn hoa vẫn cứ xoè nở, nâng niu từng giọt nắng. Ai đã truyền dạy cho hoa cái vẻ đẹp an nhiên đầy kiêu hãnh ấy? Và con người, liệu đã học được gì từ loài hoa súng mong manh?

Nguyễn

Tin cùng chuyên mục