Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Truyện ngắn:
Mỏng như làn khói
Thứ bảy: 08:10 ngày 03/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Anh ngồi lì ở bậc thềm, không nhúc nhích, cặp mắt ráo hoảnh, vô hồn nhìn mọi người lần lượt bước vào nhà. Họ xôn xao, bàn tán.

Cha anh mất đột ngột quá. Chỉ một cú ngã xuống nền nhà khi với tay lấy chiếc khăn mặt anh vắt sẵn ở thành ghế kê gần đầu giường. Anh trách mình đoảng, sơ suất. Nhưng anh không biết lúc sáng đứa cháu gái con chị Tư đã vô tình xích chiếc ghế ra xa khỏi tầm với của người bệnh không thể ngồi dậy được…

Tiếng người anh cả khiến anh choàng tỉnh:

-Chú Út, vô đây bàn chuyện tí!

Anh uể oải vào nhà. Chiếc bàn kê giữa nhà đã có mấy anh chị dâu rể ngồi. Gian bên trái là chiếc giường gỗ đã cũ. Cha anh nằm ở đấy. Cha nằm im, tấm chăn hoa mỏng anh từng đạp xe đạp lên tuốt thị trấn mua về, đắp hờ ngang bụng. Gương mặt cha trông bình thản lạ lùng dù vầng trán lộ nhiều nếp nhăn sâu và hai má già nua, hóp lại, xương xẩu. Anh cứ nhìn về phía cha, lòng rưng rưng cảm xúc…

Anh cả cắt đặt việc tang cho từng người. Cả việc tiền phúng viếng khách của ai thì người ấy nhận. Chị dâu cả vừa bấm điện thoại nhoay nhoáy vừa gật đầu tán thành. Chị Hai có vẻ khó chịu, nhẩm nhẳng việc ấy lo gì, xong xuôi rồi hãy tính… Chị dâu cả liếc xéo cô em chồng, cũng phải tính đâu vô đấy chứ khi ổng đã mồ yên mả đẹp rồi thì anh chị em lại xào xáo, tan đàn xẻ nghé.

Chị dâu cả là dân buôn bán, chuyên tuồn hàng từ bên kia biên giới về rồi cung cấp cho các đầu mối. Chị có xe tải và thuê luôn tài xế ăn lương năm. Anh cả làm ở tỉnh, chức vụ làng nhàng nhưng được cái là giỏi giao tiếp, bạn bè anh nhiều lắm, hay tiệc tùng, nhậu nhẹt, đi chơi nhóm này nhóm kia.

Anh không có ý kiến gì, ngay cả việc chị dâu thứ ba bảo sẽ không đeo tang cha chồng. Mấy anh chị em ngạc nhiên, bất ngờ. Anh Ba giải thích lấy được. Chị Tư vừa châm thêm nước trà vừa nói, không nhìn ai, chị làm sao được thì làm, đừng để bà con chửi vào mặt. Anh Ba bênh vợ trừng mắt cô em gái, thiếu điều giơ tay lên tát cho một cái.

Anh rể kéo tay vợ, càm ràm bà thiệt lạ… đừng để xích mích xảy ra không hay. Cha vẫn còn nằm kia kìa…

2. Ông chủ trại hòm “trọn gói” và ban tang lễ của Hội Người cao tuổi đã tới, đang ngồi ở chiếc bàn tròn kê giữa sân. Hàng xóm cũng đến đông đủ rồi. Có ý chờ đợi người nhà hội ý xong ra bàn việc tang chay cho ông cụ.

Anh cả tay bắt mặt mừng và giơ tay chào bà con như một chính khách bước ra nghị trường. Không thoáng một chút buồn. Người ta tản dần ra, mỗi người mỗi việc phụ cho gia chủ. Nhà sư trung niên có cặp chân mày đen rậm vừa vào sân đã nhoẻn miệng cười với mọi người. Dáng sư dỏng cao, bước đi nhanh nhẹn, khoan thai. Sư ngó khắp nhà và dừng lại chỗ người vừa nhắm mắt sáng nay.

Anh đi theo để nghe sư dặn dò. Cái chân trái bị teo sau trận sốt ác tính lúc nhỏ khiến anh di chuyển khó khăn. Sư nhìn anh độ lượng, xen chút chua xót. Anh ngước nhìn sư chờ đợi. Bỗng đánh thức trong anh, rất tự nhiên, ở khoảnh khắc đấy, nhiều suy ngẫm về cuộc thế… Nhà anh cách chùa không xa. Ngày rằm, mùng một anh thường tập tễnh đôi chân lên đấy.

Anh theo sư học đạo, đọc kinh. Anh phụ sư quét dọn, nhổ cỏ, trồng hoa, có bữa còn ở lại ăn trưa với sư và các chú tiểu. Sư dạy anh nhiều điều về lẽ sống, về đạo đời. Sư còn nhắc nhở bản thân về sự vững tâm Bồ Đề không thối chuyển, bước những bước mạnh mẽ, chánh niệm, trí tuệ về bến giác cứu độ chúng sinh. Anh đọc kinh cầu nguyện và cảm thấy an nhiên tâm hồn.

3.Cha mẹ sinh được năm anh chị em. Ba trai, hai gái. Anh là út, gọi là tên Út luôn. Giàu út ăn khó út chịu, dân gian đúc kết vậy. Giàu thì anh chưa thấy nhưng cái khó triền miên thì anh đã nếm. Anh đã gánh hết thua thiệt cho mấy anh chị.

Ngay từ nhỏ anh đã nhận thấy điều này. Sinh anh lúc cha mẹ đã lớn tuổi. Năm anh hơn một tuổi mẹ anh ngả bệnh và chỉ mấy tháng sau mẹ mất. Anh không được học hành đến nơi đến chốn. Cứ một mình theo đuôi hai con bò ra bãi, vào đồng.

Mấy anh chị khoẻ mạnh, học xong cấp ba thì người vào đại học, người đi làm. Rồi lấy vợ cưới chồng, ra riêng, xây nhà, mua xe. Còn anh thì lủi thủi với ngôi nhà đã xuống cấp, chăm sóc cha già bị tai biến nằm mấy năm rồi.

Anh nghĩ đấy là số phận và không buồn nhiều về điều ấy. Nhưng cái điều anh buồn nhất là tình cảm anh chị em ở cái nhà này. Anh không lý giải vì sao mọi người đối xử với nhau nhạt nhẽo và thiếu tình người như vậy. Anh nói với cha, cha ôm anh vào lòng vỗ về. Nửa tháng, hai mươi ngày, mấy anh chị dâu rể thay nhau về thăm cha. Chỉ chốc lát rồi đi ngay vì bận này bận nọ.

Nhiều lần nghe tin anh chị về, anh chuẩn bị mấy món, mong được ngồi ăn cùng anh chị một bữa cơm, nói với nhau vài ba câu chuyện. Nhưng điều ấy quá khó để thực hiện. Mấy anh chị về nhanh như cơn gió rồi rút êm như cơn lũ. Họ viện cớ bận việc cơ quan, buôn bán, đưa đón bọn trẻ đi học.

Cha anh nghe chỉ ậm ừ, vậy về mà lo cho mấy nhỏ đi. Bọn cháu nội ngoại cũng hiếm khi về thăm ông. Khi nghỉ hè cũng về chỉ nửa buổi là đòi về phố. Nhà ông không có wifi kết nối để chúng chơi game, có đứa còn bảo nhà ông sao hôi mùi phân gà, phân bò quá, chịu không nổi. Anh nghe bọn cháu nói mà chạnh lòng ghê gớm. Muốn lại gần chúng, hỏi thăm đôi ba câu mà cũng không dám.

Hai chị dâu thì mồm miệng nhanh hơn tép nhảy, chưa đến ngõ đã liến thoắng ngọt nhạt chú út này, chú út ơi… Vậy mà, có mớ rau non vặt cho cùng, con gà mái đẻ nhốt sau chái bếp cũng cố bắt đi cho được. Anh khó chịu nhưng cũng cố tỏ vẻ vui mừng, đon đả. Cha ngồi trong nhà cũng phụ hoạ vài lời chiếu lệ.

Thường anh chị về dúi khi vài chục lúc vài trăm ngàn cho cha tiêu vặt, việc lớn đã có chúng con lo. Thế nên, việc chi tiêu, chợ búa hằng ngày anh phải lo liệu. Hiếm khi anh được đồng quà tấm bánh từ anh chị. Bộ quần áo đã cũ sờn anh đang mặc cũng mua từ tiền bán vạt rau cải và mấy con gà.

Anh đã quen và bình tĩnh đón nhận, mong cha được sống lâu với anh.

4.Cũng khá lâu anh chị dâu rể không về, nếu cha anh không mất. Họ không về và muốn bỏ mặc cha là vì lục đục trong việc chia chác miếng đất đầu làng. Xưa là đám ruộng rộc, lùng lác mọc đầy. Muốn vỡ để cấy trồng cũng mất nhiều công nên cha cứ để hoang cho cỏ mọc vượt như vậy. Đùng phát, đường sá được mở rộng, nâng cấp cho dự án khu dân cư phía bờ sông. Đất sốt, mà đám ruộng bỏ hoang lại ngay mặt đường, giá lên từng ngày.

Anh chị, dâu rể kéo về. Sau câu nói của cha từ từ rồi tính là một cuộc đấu khẩu tranh giành xảy ra. Anh lắc đầu tập tễnh xuống bếp. Cha anh ròng ròng nước mắt, vật xuống giường. Anh nhỏ to thuyết phục mãi cha anh mới chịu chia mảnh đất làm năm phần cho yên nhà yên cửa. Anh chị hí hửng ra mặt, kêu cò đến bán đi ngay. Phần anh cũng bán để lo thuốc thang cho cha.

5. Tang cha đã được định giờ. Anh choàng khăn tang qua đầu, cầm hai đầu khăn siết nhẹ, lòng cuộn đau. Mấy anh chị cũng đã vấn khăn tang, đứng nghiêm trang trước quan tài cha. Vị sư thắp nén hương và bắt đầu đọc kinh, anh đọc theo vì bài kinh này anh thuộc từ lâu rồi.

 Anh xúc động, hai mắt đỏ hoe, lòng nhớ thương cha da diết. Gần ba mươi tuổi, chưa một ngày nào rời cha, ngay cả lúc anh nằm viện gần một tháng trời, cha ngày hai bận đạp xe lên chăm sóc anh. Cha đặt đầu anh lên đùi cha, vuốt từng sợi tóc tơ hoe vàng vì nắng. Cha còn kể chuyện vui cho anh nghe. Mẹ cũng được cha nhắc đến khi giấc ngủ dần dần kéo đến khiến đôi mắt anh nhắm lại, mơ màng. 

Mọi người lần lượt thắp hương khấn vái trước linh cữu cha. Anh cả huýt cùi tay vào người anh, khiến anh sực tỉnh. Anh run run rút cây hương châm lửa. Một làn khói mỏng dần lan ra, bao lấy gương mặt hiền từ của cha trong di ảnh. Anh cúi đầu xuống thật thấp và lầm rầm cầu nguyện. Lúc ngẩng lên, hình như anh thấy cha cười, nụ cười rất mãn nguyện. Nụ cười ấy anh biết chỉ mình anh thấy giữa làn khói mỏng vấn vương.

T.Đ.S

Tin cùng chuyên mục