Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Mong ước mùa xuân
Thứ bảy: 13:26 ngày 24/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mùa xuân còn lãng đãng trong nhà ngoài phố, trù trừ trên mấy cành mai lá nhiều hơn hoa, thoang thoảng trên bàn thờ ông Địa bởi phong bánh in đỏ chói vẫn y nguyên.

Ba đứa con gái sà vào quán trà sữa, ăn vèo sáu cây cá viên, hai dĩa bánh tráng trộn và ba ly nước trong một phút ba mươi giây, y như rằng, chúng còn thòm thèm lắm bởi vài mẩu hành phi, mấy hạt đậu phộng cũng cố gắp cho hết.

Con “bánh bèo” hút cái rột kết thúc cuộc đời ly sâm hột é và dằn ly cộp xuống bàn phủi mông đứng dậy:

- Về! Còn hai ký bột bánh bèo đang chờ ở nhà! Mẹ tao mắc đi xử lý con giáp thứ mười ba nên tao phải gánh!

- Sao? Nay ba mày lại bị hồ ly tinh dụ nữa hả?- tiếng con “son phấn”.

- Ừ! Hồi nghèo không ma nào cho ký gạo, dư dư cái yêu tinh bu đầy!- tiếng con bánh bèo dấm dẳng.

- Á đù! Vậy là bánh bèo nói nhà bánh bèo dư kìa tụi bây!

- Bởi vậy nên tao ước… trời đánh hết mấy con yêu tinh đi!

- Á… trời ơi! Ước hay dữ!

Tràng cười ré lên sau câu nói của con nhỏ tên Lê Thị Lùn, có biệt danh “lùn thước tấc chứ không lùn danh dự”.

Tất cả tụi nó là học sinh lớp Sáu.

Quyết định mở quán trà sữa, cho đến bây giờ, tôi cũng không biết mình đã thành công hay thất bại. Nếu tính về thu nhập có lẽ là thành công. Nhưng nếu so về mức độ “chứa rác” cho các tâm sự tuổi học trò thì chắc chắn là thất bại, thất bại đến thảm hại.

Hồi chưa mở quán trà sữa, khoảnh sân này của tôi với bốn mét ngang và tám mét dài, đơn giản làm cái sân nắng, trồng thêm giàn mướp hương. Vừa có trái để mỗi bữa cơm sẽ được niềm vui tận hưởng rau trái mình tự trồng, tự ăn.

Vừa có hoa vàng, lá xanh lúc lỉu. Lúc hoa mướp rộ nhất sẽ khuyến mãi thêm giàn nhạc ong bầu è è bay lượn hút mật hoa và đùa giỡn với nhau. Nhưng ngán nhất là khi mướp gần tàn, sẽ có rất nhiều bọ xít. Con nào con nấy to hơn hạt bắp, màu xám đặc trưng và mùi hôi khủng khiếp.

Đi dưới giàn mướp, lom khom tìm mấy trái ẩn mình trong tàn lá sẽ bị chú bọ xít nào đó chơi trò bắn tỉa và bị “tỉa” lên mắt, lên mặt, lên cổ chất dịch hôi rình, bỏng rát. Dù có rửa sạch ngay, chỗ đó cũng bị nám da vài ngày.

Khi phong trào trà sữa nổi lên, tôi đã nghĩ đến việc làm một chỗ chơi cho bọn trẻ. Chỉ là quán học sinh thôi, đa phần là học sinh cấp hai, chứ thôn quê hiếm có học sinh cấp ba lắm. Giá rẻ bất ngờ, bởi đa số thức uống đều “nhà làm” như nha đam đường phèn, sâm hột é, tắc xí muội, trà chanh sả, da-ua đá, đá chanh… Nguyên liệu nấu trà sữa không dám sử dụng “hàng xá” vì con nít nhà tôi những ba đứa, mỗi ngày đều một vài ly.

Dù có nhiều người “thương tình” mách rằng, cứ mua bột béo hiệu A, hiệu B, thêm tí kem hiệu C, hiệu D nữa, bảo đảm một vốn bốn lời. Nhưng nhìn tụi nhóc nhà mình vô tư tu từng ly trà sữa do chính tay mẹ nấu, tôi làm sao dám dùng hiệu X, hiệu Y?

Vậy là cứ trà lipton, sữa Cô Gái Hà Lan, sữa Ông Thọ làm tới. Bọn trẻ nhìn những vỏ lon có hình ông Thọ chống gậy lụm cụm mà cười mãi, rằng ông Thọ là ông già kỳ lạ nhất Việt Nam, vừa là đàn ông, vừa già mà cứ có sữa hoài không hẹn dứt.

Quán của tôi tên An An, ý nghĩa là “An vui khi đến - An toàn vệ sinh thực phẩm khi măm măm”, trang trí nhỏ gọn, ấm cúng lắm. Tạo cảm giác sao cho tụi nhỏ như ở nhà, bàn ghế cũng nhỏ nhưng khung cảnh sạch sẽ, mát mẻ đầy chất xì-tin.

Với khung cảnh thiên thần trên tường, chung quanh “mùa nào thức ấy”, ví dụ Trung thu treo lồng đèn, có chương trình thi nói dối như Cuội, ai nói dối “y như thật” sẽ được miễn phí cả suất ăn vặt - trà sữa.

Halloween thi hoá trang, ai hoá trang khiến người khác sợ nhất thì được giải.

Noel thì chơi trò bốc thăm nhận quà của ông già áo đỏ.

Đặc biệt, tết nguyên đán có chương trình lì xì năm mới rất xôm tụ.

Quán cũng đông khách, nhưng mỗi nhóm khách là mỗi tâm tư được trải ra nặng oằn lòng bà chủ. Như tụi “Bảy A lầy” có ba thành viên kia kìa.

Thằng Đen Nù mở máy:

- Nhanh nhanh lên Cò Ma! Lữ Bố tới kìa, oánh nó!

Thằng nhóc có biệt danh “Cò Ma” ốm như cò và đen như than xộc đôi bàn tay vào cặp rồi tiu nghỉu:

- Xong! Vậy là xong, hồi hôm còn bỏ trong cặp mà giờ mất rồi. Chắc “ông nội” nhà tao lấy bán để nhậu rồi quá!

- Trời ơi, con Samsung của mày nát như… mày, ai thèm mua? Thằng Khang “hi” bảo.

“Ông nội” mà Cò Ma nói, thật ra không phải ông nội nó đâu. Mà là ba của nó đó. Cụm từ đó là mẹ Cò Ma dùng để gọi chồng, riết rồi con cái cũng bắt chước. Mà ba của nó đúng là “ông nội” thiệt, vì suốt ngày không làm lụng gì cả, hết lết tới nhà này nhậu, lại lết qua nhà kia kiếm chút mồi. Con cá con khô nhậu đã đành, chỉ có chén muối ớt và bốn ngàn đồng mua đủ xị rượu mà cũng có bữa tiệc “ngón tay chấm muối ớt quất một ly”.

Mẹ Cò Ma làm lụng vất vả, từ bào mì tới tỉa nhãn, giẫy cỏ, rửa chén mướn... gì gì cũng làm, miễn có tiền nuôi hai con ăn học. Cò Ma là anh hai, học lớp Bảy, còn thằng em lớp Bốn nữa.

Mà ông chồng chỉ ăn rồi nhậu, nhậu rồi về quậy và đánh vợ, đuổi con chạy khắp nhà, hỏi sao mẹ nó không gọi là “ông nội”. Bởi vậy nên Cò Ma chỉ có một mong ước duy nhất “Mẹ tao đi coi bói rồi, thầy bói nói năm nay ba tao tẻo á! Tao mong ổng tẻo lẹ lẹ cho mẹ con tao bớt khổ”.

Thằng Khang “hi” bỗng dưng nhảy mũi đến rớt cái điện thoại và “xì” một tiếng:

- Xì..ì.. mấy cha nhậu vậy mà khó chết lắm mày! Mày không nghe nói “cố tri đi mất cố lì còn đây” hay sao? Như tao là khoẻ! Hi… sống với bà ngoại, không cần cha mẹ gì hết, để cho hai người đi tìm hạnh phúc khác, sau khi bỏ cái đau khổ là tao lại cho bà ngoại tao đi! Hi!

Khang có biệt danh “hi”, bởi mỗi câu kết nó đều “hi” lên tiếng cười thay cho tiếng khóc của đứa trẻ- sản phẩm của sự yêu cuồng sống vội của người lớn.

- Có bà ngoại là sướng nhứt nghen! Tao nè, cha mẹ, nội ngoại gì cũng hông có. Ở với chú Út, gặp bà thím như bà thím thằng Cuội nên hôm bữa thi nói dóc, tao mới đạt giải nhất đó! Tao ăn miễn phí đã đời một bữa, báo hại bà chủ méo mặt luôn, hén dì?

Đen Nù nhìn tôi rồi cười ngoác miệng.

- Bởi vậy, tao chỉ có một điều ước duy nhất là chú Út tao ly dị sớm sớm thím Út cho đời tao bớt khổ!

Ba của “bánh bèo” làm thầu xây dựng. Từ cái hồi cu li ngày tám chục ngàn cho đến lên thợ nhì, thợ nhất rồi làm cai, làm thầu là một quá trình dày mồ hôi và công sức của… vợ. Bởi đàn con ba đứa, hết hai đứa sinh đôi mà lương cu li của chồng làm sao đủ sống? Người vợ ấy đã làm đủ thứ việc, cuối cùng ổn định với nghề bánh bèo. Chỉ là bột, đường cát, ít đậu xanh nước mắm là xong.

Hằng ngày, “bánh bèo” đi học buổi sáng, buổi chiều giữ em cho mẹ đi bán. Mẹ “bánh bèo” buổi sáng vừa hấp bánh, vừa giữ hai đứa con song sinh; cực và oải lắm nhưng cứ nhìn xô gạo lưng chưa mua kịp là mệt cách mấy cũng ngồi dậy pha bột, hấp bánh, nạo dừa nấu nước cốt…

Mười bốn năm chồng vợ, hạt muối cắn làm tư làm tám chứ không phải làm đôi. Để bây giờ anh cu li ngày nào đã thành ông thầu xây dựng với tiền trong túi xấp xấp, thì ông trả nghĩa vợ bằng cách… cặp kè với con giáp thứ mười ba.

Mẹ “bánh bèo” tru tréo, rằng một là có tôi, hai là có nó chứ không có chuyện “xài của chung”. Nếu ông chọn tôi thì mau mau quay về, còn chọn nó tôi sẽ lột ông sạch sành sanh, lột cho đến khi trở lại là thằng cu li tuổi hăm hai như hồi đó. Coi con hồ ly tinh nào còn đeo ông nữa không?

Ba “bánh bèo” sợ bị lột khó coi quá nên trốn mất cùng cái xe SH mới mua, mớ tiền phòng thân của mẹ “bánh bèo” cũng theo ổng luôn rồi.

Vậy nên, “bánh bèo” phải đổ bánh bèo giùm mẹ, vì bột đã pha rồi mà bánh giao mối không thể nghỉ.

Con “son phấn” chẳng qua vì mẹ nó bán mỹ phẩm qua mạng nên có biệt danh vậy. Đôi lần cũng thử nghiệm bằng cách trét màu son nào đó lên đôi môi non, báo hại dị ứng sưng vù như vừa bị kiến lửa cắn. Không dị ứng sao được, vì son rất rẻ, chỉ có hai chục ngàn một cây thôi mà. Mẹ “son phấn” mua cả lô về bỏ lại cho mấy tiệm tạp hoá, bán trước cổng trường cho học trò. Giá rẻ như bèo, chất lượng trôi nổi, sử dụng hên xui là vậy.

Nhưng đừng tưởng “son phấn” không có ba mà ăn hiếp nhé! Ba của nhỏ làm công an xã hẳn hoi nha! Nhưng ba năm trước, nhiệt tình quá, ba nó có ra tay đánh một thằng choai choai trộm cắp. Ai dè nó là con ông cháu cha, buồn chẳng chuyện gì làm nên theo bạn bè giựt dọc trộm cắp chơi vậy thôi.

Gặp anh công an xã “nhiệt tình” đánh nó gãy hai răng cửa, cha ông nó bảo lãnh ra xong thì sự nghiệp của anh công an xã coi như chấm dứt. Buồn đời, ba nó đâm ra… uống rượu giải sầu, nên bao nhiêu gánh cơm áo đều dồn lên vai cô vợ bé nhỏ. Làm công nhân ít tiền quá, nên người vợ ấy phải chuyển qua làm tiếp thị, sau nhiều mặt hàng như kẹo mút, dầu gội, sữa tắm… thì son môi là món ít vốn nhiều lời nhất. 

Dù con gái mới lớp Sáu, nhưng chị bảo sẽ hy sinh cả đời mình để lo cho con nhỏ ăn học. Mà, chậc, con nít không có mẹ cha đồng hành nên nó ăn nhiều hơn là học, nó hay ngồi đồng ở quán trà sữa là vậy.

- Tụi bây có nhớ Rằm tháng Giêng cũng là sinh nhật tao không? Năm nay, tao không đòi quà gì hết, tao chỉ ước mẹ tao sinh một em bé thôi. Chứ nhà đi ra đi vô có mình tao với cái truyền hình buồn như chó cắn á! “Son phấn” bảo.

- Còn tao, tao ước sao cho tao hết lùn! Cái này cũng tại mẹ tao nè, hồi đó không mua sữa con cò cho tao uống mà đi mua sữa con vịt nên bằng tuổi nhau mà tao đứng tới nách tụi bây thôi!- “Lùn thước tấc không lùn danh dự” bảo.

- Ủa chứ hông phải “Lùn có cái giá của lùn” hả? Tao thấy cao, lùn gì không cần thiết, quan trọng là mày có ba mẹ và gia đình hạnh phúc là ô kê con cá trê rồi!- nhỏ “son phấn” nói.

- Ừ, mày lùn nhưng mày có ba mẹ đàng hoàng, ba mẹ thương nhau. Chứ cao như tao chi để rồi phải nách em và đổ bánh bèo cho bả đi bắt ghen ổng, chán chết!

- Thôi trả tiền cho người ta rồi về mấy bà nội! Nói tới tối không hết chuyện à! Mà thật ra chuyện của người lớn, tụi mình bó tay chấm cơm thôi chứ làm gì được!- giọng con “son phấn” chùn xuống.

Tôi bảo hôm nay đầu năm đầu tháng, quán An An lì xì các bạn nhỏ một bữa miễn phí. Ba cái miệng tròn vo hô lên:

- Ồ dze! Biết vậy hồi nãy ăn nhiều nhiều cho dì sập tiệm luôn!

Những bước chân sáo nhảy nhoi nhoi ra cổng. Chú sâu tơ trên cành mai đã thương mến bám vào mái tóc cô bé bánh bèo khiến nó la oai oái....

Mùa xuân vừa chớm nở, nhưng tâm tư các bé đã ám nhiều gió bụi trần ai.

Đ.P Thùy Trang

Tin cùng chuyên mục