Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Morales - tổng thống tại nhiệm lâu nhất Bolivia
Thứ hai: 16:41 ngày 11/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ông Evo Morales tìm mọi cách để tiếp tục nắm quyền sau 14 năm làm Tổng thống Bolivia, nhưng cuối cùng phải từ chức khi biểu tình nổ ra.

Morales hồi tháng 10 quyết định ra tranh cử nhiệm kỳ thứ tư, sau 14 năm làm tổng thống Bolivia và trở thành một trong những lãnh đạo tại vị lâu nhất ở Mỹ Latin. Ông thực hiện điều này bằng một quyết định gây tranh cãi của Tòa án Hiến pháp, trong đó xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ với tổng thống.

Tuy nhiên, mọi việc với Morales không còn "thuận buồm xuôi gió" như trước, khi Carlos Mesa, đối thủ chính của Morales, cho rằng kết quả cuộc bầu cử hồi tháng 10 không trung thực và kêu gọi người dân đổ xuống đường biểu tình. Sau ba tuần bất ổn kéo dài, Morales hôm 10/11 phát đi thông điệp từ chức trên truyền hình, chấm dứt sự nghiệp chính trị của lãnh đạo người bản địa đầu tiên tại Bolivia.

Morales trong một cuộc họp báo ở El Alto hôm 10/11. Ảnh: AP.

Evo Morales sinh ra trong trong một gia đình thuộc bộ tộc Aymara sống ở ngôi làng hẻo lánh vùng tây Oruro. Ông thể hiện tư chất lãnh đạo từ rất sớm khi trở thành thủ lĩnh nghiệp đoàn Cocalero (những người trồng coca ở Bolivia). Cây coca, nguyên liệu để điều chế cocaine, được trồng ở dãy núi Andes hàng nghìn năm qua vì các mục đích tôn giáo cũng như để chữa bệnh.

Khi Morales lần đầu tranh cử tổng thống năm 2002, ông cam kết sẽ phục vụ lợi ích của các nhóm bộ tộc bản địa ở Bolivia, những người đã chịu đựng nhiều thiệt thòi và bị phân biệt đối xử trong hàng thế kỷ. Thất bại ở chiến dịch tranh cử đầu tiên, ông không từ bỏ và cuối cùng giành chiến thắng trong chiến dịch tranh cử tổng thống lần thứ hai hồi tháng 12/2005.

Khi vừa lên nắm quyền Tổng thống, ông đưa ra một hiến pháp mới, chính thức tuyên bố Bolivia là quốc gia "đa dân tộc" và thế tục, nhằm thể hiện rõ hơn vai trò của hàng chục nhóm dân tộc thiểu số ở Bolivia.

Ông cũng hợp pháp hóa việc trồng coca và đưa ra các biện pháp quản lý hoạt động mua bán loại cây này, bất chấp áp lực từ Mỹ nhằm xóa bỏ tất cả các cánh đồng coca ở Bolivia.

Giới chức Mỹ cáo buộc Morales không nỗ lực ngăn chặn sản xuất và buôn bán cocaine, trong khi Tổng thống Bolivia khẳng định ông vẫn nỗ lực ngăn chặn sản xuất cocaine quy mô lớn, chỉ cho phép người dân trồng một lượng nhỏ cây coca vì mục đích tôn giáo và văn hóa.

Căng thẳng với Mỹ đã kéo dài suốt thời gian Morales cầm quyền. Năm 2008, Morales đã trục xuất Đại sứ Mỹ Philip Goldberg với cáo buộc âm mưu chống chính quyền và đình chỉ các hoạt động của Cơ quan Phòng chống Ma túy Mỹ (DEA) ở Bolivia. Năm 2013, ông cũng "hất cẳng" Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) với cáo buộc cơ quan này ủng hộ phe đối lập.

Là một trong những lãnh đạo thuộc phong trào "thủy triều hồng" ở Nam Mỹ những năm đầu thập niên 2000, Morales tự cắt giảm lương của mình và các thành viên nội các ngay sau khi nhậm chức. Sau đó, ông bắt đầu quá trình tái cấu trúc ngành công nghiệp dầu khí. Nguồn thu ngân sách từ thuế tăng cho phép Bolivia đẩy mạnh đầu tư công và góp phần tăng dự trữ ngoại hối của đất nước.

Chính quyền Morales đã đầu tư rất nhiều vào các dự án công trình công cộng và các chương trình xã hội để chống đói nghèo. Kể từ khi ông nắm quyền, tỷ lệ nghèo đói đã giảm từ 38% năm 2006 xuống còn 17% vào năm 2018. Tuy nhiên, giới chỉ trích cho rằng trong hai năm qua, tình trạng nghèo đói ở Bolivia đã tăng trở lại.

Các chính sách của Tổng thống Morales đã khiến tầng lớp trung lưu Bolivia lo ngại và phản đối, cho rằng ông đã quá "quyết liệt". Những người phản đối Morales chủ yếu đến từ vùng đồng bằng Santa Cruz giàu có ở miền đông, nơi được coi là trung tâm kinh tế của Bolivia. Họ chỉ trích ông thất bại trong xử lý tham nhũng, vốn là mối quan tâm hàng đầu của người Bolivia trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 10.

Một trong những thất bại lớn nhất của Morales là không bảo vệ được vùng biển tranh chấp với nước láng giềng Chile. Bolivia mất đi quyền tiếp cận Thái Bình Dương từ năm 1884 sau cuộc chiến với Chile và sau đó đã nỗ lực giành lại quyền này.

Tuy nhiên, vào tháng 10/2018, Tòa án Công lý Quốc tế đã ra phán quyết ủng hộ Chile trong tranh chấp trên vùng biển. Điều này được coi là một thất bại lớn đối với Morales, người từng bảo đảm với dân chúng Bolivia rằng chiến thắng đã "rất gần".

Morales thường xuyên phát biểu tại các hội nghị quốc tế về môi trường, nơi ông yêu cầu các quốc gia tôn trọng "Mẹ Trái đất" hơn nữa. Tuy nhiên, ông lại không cho thấy thành công trong việc cân bằng giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

Một trong những bê bối chính trị của ông liên quan đến kế hoạch xây dựng một tuyến đường chính chạy xuyên qua rừng Amazon, vốn bị người dân Bolivia phản đối vì cho rằng nó sẽ "mở đường" cho các hoạt động khai thác gỗ và chiếm dụng đất bất hợp pháp.

Các cuộc biểu tình quy mô lớn đã dẫn đến các cuộc đụng độ bạo lực, buộc chính phủ Bolivia phải hủy dự án này năm 2011. Morales "bật đèn xanh" cho dự án này vào năm 2017, sau khi ông cho rằng những lời chỉ trích từ bên ngoài là một hình thức của "chủ nghĩa môi trường kiểu thuộc địa".

Morales đầu năm 2019 đối mặt với hàng loạt cuộc biểu tình xoay quanh các vụ cháy rừng bùng phát dữ dội tại khu vực phía đông Bolivia. Những người biểu tình yêu cầu ông hủy một nghị định cho phép hành vi "đốt rừng có kiểm soát" để nông dân mở rộng diện tích canh tác.

Mặc dù hiến pháp Bolivia quy định một tổng thống chỉ có thể giữ chức hai nhiệm kỳ liên tiếp, Morales năm 2014 đã thay đổi hiến pháp để ra tranh cử lần thứ ba.

Đến năm 2016, ông tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý nhằm thay đổi hiến pháp một lần nữa để có thể tranh cử nhiệm kỳ thứ tư. Câu hỏi được đưa ra trong cuộc trưng cầu dân ý đó là "Liệu người Bolivia có muốn xóa bỏ giới hạn về nhiệm kỳ tổng thống của Bolivia?", nhưng đa số người tham gia cuộc trưng cầu dân ý đều phản đối điều này.

Thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý, Morales đưa ra một chiến lược mới, cho rằng quyền con người của ông sẽ bị xâm phạm nếu bị cấm tranh cử. Tòa án Hiến pháp Bolivia nhất trí với lập luận này của Morales và cho phép ông tranh cử lần thứ tư.

20h đêm 20/10, kết quả sơ bộ với 83% phiếu bầu được kiểm cho thấy Morales sẽ không giành được chiến thắng trong vòng bầu cử đầu tiên và có thể sẽ thất bại trong vòng thứ hai, khi các ứng viên đối lập đoàn kết lại. Nhưng đột nhiên, kết quả kiểm phiếu không tiếp tục được cập nhật trong đêm đó.

Trong suốt 23 giờ tiếp theo, hệ thống thông báo kết quả kiểm phiếu vẫn tê liệt. Khi kết quả kiểm phiếu mới được thông báo vào hôm sau, số phiếu bầu đột nhiên nghiêng hẳn về phía Morales một cách thần kỳ. Ngay sau đó, ông tuyên bố giành chiến thắng.

Một ủy ban giám sát bầu cử gồm 92 thành viên của Tổ chức Các Quốc gia châu Mỹ (OAS) sau đó tuyên bố kết quả kiểm phiếu này là "không phù hợp" và khuyến cáo Bolivia tổ chức vòng bầu cử thứ hai. Tuy nhiên, Morales bác bỏ, cho rằng đây là một âm mưu "đảo chính" chống lại nền dân chủ.

Trước sự phản đối của phe đối lập, Morales nói rằng chính phủ của ông cần thêm thời gian để thực hiện tất cả các cải cách đã đặt ra từ trước. Tuy nhiên, lập luận này của Morales đã không thuyết phục được các cử tri, khi người dân ủng hộ lời kêu gọi của phe đối lập và xuống đường biểu tình.

Sau khi quân đội và cảnh sát quay lưng với Morales, kêu gọi ông rút lui, Tổng thống Bolivia mới chấp nhận từ chức. Morales nói ông đưa ra quyết định này vì "lợi ích của đất nước" nhưng thêm rằng "những thế lực hắc ám đã phá hủy nền dân chủ quốc gia", đề cập tới các đối thủ mà ông cáo buộc đang âm mưu đảo chính.

Nguồn VNE (Theo BBC)

Tin cùng chuyên mục