Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Nhiều ý kiến băn khoăn, nếu mỗi địa phương lựa chọn một bộ sách khác nhau thì việc kiểm tra, đánh giá sẽ được thực hiện ra sao?
Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa sẽ được triển khai trong thời gian tới, tuy nhiên khâu kiểm tra, đánh giá, thi sẽ thế nào để đảm bảo công bằng cho mọi học sinh khi các em học các SGK khác nhau là vấn đề đang được thầy trò rất quan tâm.
Chương trình sách giáo khoa mới yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức, kỹ năng để giải quyết các tình huống thực tiễn, không chỉ ghi nhớ, học vẹt.
Thi, kiểm tra không phụ thuộc vào SGK
Nhiều ý kiến băn khoăn, nếu mỗi địa phương lựa chọn một bộ sách khác nhau thì việc kiểm tra, đánh giá sẽ được thực hiện ra sao? Nếu học sinh chuyển học từ nơi này sang nơi khác liệu có bị ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức cũng như kiểm tra, thi khi 2 nơi sử dụng 2 bộ (SGK) khác nhau?
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cho biết: Khác với trước đây, 1 chương trình (CT), 1 bộ SGK thì SGK được coi như pháp lệnh, khi chúng ta thực hiện một CT/nhiều bộ SGK thì chuẩn chương trình là quan trọng nhất. Vì vậy, nếu trường hợp học sinh phải chuyển học từ nơi này sang nơi khác cũng không ảnh hưởng gì nhiều vì ngữ liệu trong SGK chỉ là công cụ, phương tiện để các em thực hiện các hoạt động theo lệnh của thầy cô.
Cái lõi của việc thực hiện “1 CT, nhiều bộ SGK” là bám sát CT học, chứ không phải bám vào SGK. Thầy cô và học sinh sẽ yên tâm và dần quen với việc tài liệu SGK để sử dụng trong các hoạt động nhằm đáp ứng mục tiêu CT mong muốn.
Việc đánh giá định tính sự phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh được thực hiện trong quá trình tổ chức hoạt động học, thông qua những sản phẩm học tập mà học sinh đã hoàn thành. Qua đó, giáo viên sẽ có những nhận xét, đánh giá giúp học sinh tiến bộ.
Còn đánh giá để cho điểm là đánh giá định lượng, thông qua các bài kiểm tra, hay các sản phẩm học tập như bài trình bày hay bài viết, thì sẽ có tiêu chí, bảng kiểm, thang điểm, để quyết định điểm số này (như chấm 1 bài văn). Điều đó sẽ đảm bảo sự khách quan trong đánh giá. Quá trình kiểm tra, đánh giá phẩm chất và năng lực là đánh giá việc sử dụng kiến thức, kỹ năng của người học để giải quyết các tình huống, vấn đề trong học tập, cũng như trong thực tiễn.
Áp dụng theo phương pháp dạy học tích cực, học sinh được tổ chức để thực hiện các hoạt động học và tạo ra các sản phẩm học tập cụ thể: hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập...
“Việc đánh giá phẩm chất và năng lực của học sinh sẽ dựa trên những sản phẩm đó. Điều đó sẽ đảm bảo sự khách quan trong đánh giá. Vì vậy, không lo việc không có đủ phương tiện, công cụ để đánh giá” - PGS Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.
Kiểm tra yêu cầu cần đạt của chương trình
PGS Nguyễn Xuân Thành cho biết: Khi triển khai CT giáo dục phổ thông mới, về hình thức thi, kiểm tra đánh giá cơ bản không thay đổi gì so với hiện nay. Chỉ có nội dung đề thi, bài kiểm tra sẽ thay đổi theo hướng đánh giá phẩm chất, năng lực người học, không đánh giá sự ghi nhớ kiến thức một cách đơn thuần. Cụ thể, yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức, kỹ năng để giải quyết các tình huống, vấn đề trong học tập, cũng như trong thực tiễn. Qua đó, đánh giá được sự phát triển về phẩm chất, năng lực của học sinh.
Theo Bộ GD-ĐT, tất cả SGK đều đạt được biên soạn theo CT, đảm bảo nội dung và yêu cầu cần đạt của CT. Các tiêu chí để biên soạn SGK, trong đó có cấu trúc mỗi bài học trong SGK đã được quy định trong Thông tư 33, gồm 4 phần cơ bản: mở đầu, kiến thức mới, luyện tập, vận dụng.
Cách thể hiện trong các SGK khác nhau có thể khác nhau về kênh chữ, kênh hình, ngữ liệu, nhưng phải bảo đảm yêu cầu của CT. Việc kiểm tra, đánh giá, thi theo CT, không phụ thuộc vào ngữ liệu cụ thể trong SGK. Đó chính là ưu điểm của CT định hướng phát triển năng lực; cũng là ưu điểm của 1 CT, nhiều SGK.
Hiện nay, thông tư về lựa chọn SGK đang được Bộ GD-ĐT xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi. Sau khi tiếp thu tất cả ý kiến của các bên liên quan, thông tư sẽ được hoàn thiện để sớm trình phê duyệt và ban hành, kịp thời gian cho các địa phương tổ chức lựa chọn SGK đáp ứng yêu cầu năm học mới. Ngoài ra, Bộ sẽ triển khai công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các địa phương, các NXB thực hiện tốt các khâu lựa chọn SGK lớp 1, tổ chức tập huấn sử dụng SGK theo CT giáo dục phổ thông 2018, thực hiện việc in và phát hành SGK đảm bảo đủ số lượng, kịp thời về tiến độ thời gian cho năm học 2020 - 2021 và các năm học tiếp theo./.
“Một chương trình, nhiều SGK, nhưng việc dạy học, kiểm tra, đánh giá, thi là theo nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình - điều đó là thống nhất, nên sẽ đảm bảo công bằng cho mọi học sinh học các SGK khác nhau. Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này”. PGS Nguyễn Xuân Thành
Nguồn VOV