Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Một đời tần tảo…
Thứ bảy: 08:53 ngày 28/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mẹ là vậy, phải tìm cái gì đó để làm chứ bắt ngồi chơi xơi nước, mẹ xem đó như cực hình!

Mẹ vốn mồ côi, lại sinh ra từ đồng ruộng, từ nhỏ đã phải vật lộn kiếm miếng ăn nên chuyện làm nông mẹ rất giỏi. Đời mẹ đúng nghĩa với câu “tay ngoài đồng, chân trong nhà”. Nhìn mẹ, ở đâu cũng thấy đồng ruộng: từ đôi bàn chân tẩm phèn vàng khè, ngón áp út bị bùn làm hỏng mất cái móng đến hai bàn tay cộm vết chai, lớp mới đùn lớp cũ nhấp nhô thành bờ đen xỉn. Lâu lâu sờ nham nhám khó chịu, mẹ kêu con gái dùng bấm móng tay cắt bớt phần da bong tróc. Hỏi đau không, mẹ bảo hết cảm giác, da chết, còn gì nữa mà đau…

Bây giờ, mỗi lần về thăm nhà, từ ngoài ngõ đã nghe mùi cồn xoa bóp nồng mũi. Đau nhức, nhưng dễ gì chịu ngồi yên. Nhà còn mỗi hai sào ruộng, bảo mẹ cho người ta thuê làm mẹ nhất định không. “Có miếng ruộng con, làm cho vui chứ mệt nhọc gì mà cho mướn?”.

Mẹ là vậy, phải tìm cái gì đó để làm chứ bắt ngồi chơi xơi nước, mẹ xem đó như cực hình! Đợt này mùa mới gặt xong, con gái về thăm nhà, hỏi han, mẹ nói làm ruộng bây giờ sướng ru, hai sào chứ hai mươi sào mẹ cũng làm tuốt.

Đang nói cười rổn rang chợt mẹ trầm giọng: - Dân làm nông giờ coi bộ khá hết, lúa đổ tùm lum nhưng hổng thấy ai thèm hốt, nói chi đi… mót từng hột như mình hồi nẳm! Chuyện hai mẹ con đang vui bỗng chùng xuống. Lời mẹ khiến tôi mắc nghẹn. Ký ức chợt hiện về, mồn một như mới hôm qua. Mỗi lần nhớ là mỗi lần muốn khóc…

Ngày ấy nhà tôi nghèo, bảy miệng ăn chỉ dòm chừng vào mấy hột lúa ruộng. Tiếng sống bằng làm ruộng nhưng ruộng nhà cộng dồn hết miếng to miếng nhỏ miếng vừa cũng chỉ có… bảy sào thiếu, không hơn! Được mùa còn thiếu trước hụt sau nói chi tới lúc mùa màng thất bát.

Vậy nên gặt xong lúa nhà là mẹ lập tức xách bao đi mót lúa. Mẹ bảo, làm ruộng giỏi lắm lấy công làm lời, muốn có hột lúa bán cho bây ăn học thì phải làm thêm. Ba cằn nhằn, bà cứ đi mót hoài người ta cười cho. Mẹ chống nạnh, long mắt: - Cười hở mười cái răng, ông sợ cười thì cứ ở nhà, để tui đi…

Mẹ cắt lúa siêu nhanh nên mót lúa cũng rất “nghề”. Đi lượm xong một vụ mùa, lúa mót để dành gần đủ ăn, lúa nhà gặt đem bán lo giỗ chạp, học hành, phân thuốc. Khó tin quá phải không? Lũ bạn ở trường nghe tôi kể chuyện không đứa nào tin. Chúng bảo tôi điêu, lúa mót thì được mấy hột mà “để dành ăn”? Đứa ác miệng hơn: - Vậy chỉ có nước mẹ mày đi… “mót trộm”. Hi hí, ha há. Chỉ nội dung câu nói cũng đã đủ để ăn đòn, chưa tính tới cái giọng nhạo báng và bộ mặt, bộ cười xấc láo. Tôi quăng cặp, xông vào đấm cái thằng nói đểu chảy máu mũi. Giằng co, túm tóc lôi vai, nện qua nện lại chí tử. Lũ nhỏ quây vòng ngoài hò la “trợ chiến” như đang xem gà chọi; mãi cho đến lúc bác bảo vệ phát hiện, chụp đầu hai đứa lôi ra mới thôi. Ta/địch đồng bị điệu lên văn phòng, đồng bị “giũa” te tua, bắt viết tường trình, kiểm điểm các kiểu. Bên can tội nói năng xúc phạm người lớn; bên can tội… manh động, chưa gì đã “động thủ”, con gái con đứa chi mà hung tợn dữ dằn.

Chiều về, mẹ ngán ngẩm nhìn khuôn mặt tôi tím bầm, nhìn chiếc áo sơ mi rách toạc, lấm lem. Nghe thủng chuyện, mẹ không đánh, chỉ chép miệng thở dài: - Toi công một ngày mót lúa của tao rồi, con ơi…

Nói mẹ mót lúa “nghề”, đủ gạo ăn cho cả nhà không ai tin cũng phải thôi. Không tin, cho đến khi tận mắt chứng kiến! 1001 cách thế (nhưng không có cách nào “phi pháp” như thằng bạn trời đánh của tôi nói láo). Nói đi mót không chỉ là nhặt nhạnh lúa rơi, lúa sót sau lưng người gặt. Gặp thời cơ, mẹ còn xin chủ ruộng cho vào gặt phụ. Gặt phụ được cho lúa, đương nhiên khá hơn chuyện đứng ngoài mót “chay”. Mẹ gặt giỏi, chủ nào cũng ưa. Hết đám được cho nguyên bó lúa (tự gặt, tự bó) coi như trả công. Trời ạ, cái “bó lúa trả công” của mẹ - tôi không nói điêu - thấy không to lắm nhưng tròn lẳn, chặt khừ, mẹ cắt sao hay lắm, toàn lúa gié không hà, người yếu sức đừng hòng rinh nổi! Tôi len lén thử đưa tay vịn, lắc, bó lúa khẽ đung đưa rồi… ì ra, như cái cối đá. Ấy vậy nhưng, mẹ chỉ cần tiến lại, xốc lên vai cái một, lõm bõm lội vô bờ, gọn bâng như mấy bác lực điền vác cày khiến tôi lét mắt! Về nhà cắt lạt xổ ra, đống lúa gié bung to bằng ba bó lúa người thường, ngồn ngộn…

- Trời, sao mẹ khoẻ dữ?

Mẹ cười:

- Người ta cho gặt mỗi một bó, yếu mấy cũng… thành khoẻ thôi con.

Giọng mẹ có hơi khàn, hụt hơi. Tôi giật mình nhìn mẹ kỹ hơn: áo mẹ ướt ròng mồ hôi, dính bết sống lưng, chân đứng run run. Mặt mẹ cũng đầm đìa mồ hôi, tái nhợt…

Ngày chưa có máy tuốt, lúa gặt về đạp chân sót dính thóc nhiều, mẹ xin rơm đi đạp lại. Hai bàn chân mẹ lúa cắt rớm máu, nát bươm, chiều về không dám nhúng chân vô nước! Có máy tuốt rồi mẹ xin giũ lại rơm tận thu lúa rớt. Núi rơm to đùng, phải thức trắng đêm giũ lẹ kẻo ngày mai chủ rơm mang phơi thì hết ăn. Được non thúng thóc; nhưng mẹ gầy rộc, chân bước liêu xiêu vì thức đêm nhiều. Kệ tao, không chết đâu. Bây ăn lúa mót mà học cho… hay là tao ưng! Hết mùa, mẹ đi giê lúa lép. Những đống lúa lép đổ dồn ra ruộng, ra vệ đường, ra mé sân kho chờ “hoả thiêu”. Đợi trời gió to, mẹ cùi cụi mang thúng mang nia xúc lúa lép đem rê. Đống lép bự giê đi giê lại mãi cũng chỉ được vài tô lúa lừng*. Chị Hai xúc lép mỏi tay, bức xúc giậm chân giậm cẳng càm ràm. Mẹ “vỗ an”: - Kệ, có còn hơn không. Của đi mót có đâu đòi nhiều con. Kiến tha lâu đầy tổ… “Đầy” thật. Xong mùa, nhà có đến mấy bao lúa lừng chất nguyên góc bếp. Chẳng hiểu mẹ giê hồi nào mà ra được từng ấy lúa. Lúa lừng mẹ đem nuôi gà vịt. Lũ gia cầm lớn nhanh, giáp tết mang ra chợ bán được bộn tiền, có sắm tết. Được mặc đồ mới, đứa nào cũng cười toe. Mẹ cũng cười, bảo: bây còn chê lúa lép nữa không…

Nhà con 5 đứa mẹ cho đi học đủ 5. Ra mỗi điều kiện: học sao học, mỗi năm một lớp, lưu ban là nghỉ. Xui cho mẹ, chị em tôi nhất định không đứa nào chịu lưu ban. Đứa nào đứa nấy thẳng tiến đủ 12 năm. Có đứa còn thừa thắng xông lên cao đẳng, trung cấp! Con đến trường bao năm, đương nhiên cũng từng ấy năm mẹ lo đi mót lúa!

Tôi lên trung học phổ thông, lọt vào trường chuyên. Học khá, xinh gái nên bạn bè đông, nhiều trai ngấp nghé. Bạn mới đa phần con “đại gia”, quần là áo lượt, bạc tiền rủng rỉnh. Tôi bức xúc chuyện xe cộ cà tàng, áo quần lỗi mốt về ì xèo với mẹ. Mẹ hỏi tỉnh, mày tính đi học hay đi đàn đúm? Lên trường học giỏi người ta khen hay áo quần là lượt người ta khen con? Thằng bạn trai chung lớp, “đại gia” xóm bên vô tư: - Hôm qua gặt ruộng nhà, tui thấy mẹ bạn có qua mót lúa. Mót giỏi thiệt… Cười rần cả đám. Tôi sạm mặt, về khóc, mẹ đừng đi mót lúa nữa, con mắc cỡ với bạn. Mẹ trợn mắt, nổi điên, không mót thì mày… cạp đất ăn đi học chắc? Tao đi mót lúa, chớ trộm cắp của ai mà mày xấu hổ? Cái thân mày - bữa nay trắng da dài tóc, chữ nghĩa bằng ấy là nhờ lúa mót đó con! Không học nữa thì… nghỉ! Khỏi nói oong đơ...

Tôi lủi thủi đạp xe lên trường, vừa đi vừa hù hụ khóc. Nói thật, khi ấy mà có Bụt hiện xuống ban cho điều ước chắc tôi sẽ không ngần ngại ước ngay: con ước mẹ mình đừng có làm nông. Nhất là đừng đi mót lúa…

Chúng tôi tốt nghiệp ra trường, có công việc, vợ chồng, con cái, nhà cửa riêng. Làm công chức nên không có ruộng, mẹ không cho mua gạo ăn. Mẹ bảo, lương ba đồng ba cọc, gạo mua đắt đỏ, ăn nhanh hết lại không tốt bằng gạo nhà. Về mẹ lấy gạo ăn. Tao bán rẻ cũng tiếc, thà cho con cháu ăn. Bây làm có đồng tiền thì phải biết chắt chiu, phòng lúc bệnh đau. Chí lý. Mỗi bận về thăm mẹ, tôi mang bao theo, tỉnh bơ xúc gạo cộ về. Chồng tôi cự, đã không đem cho ba mẹ thứ gì còn lấy gạo! Tôi cười toe, yên tâm đi, nhà em làm ruộng lúa nhiều, ba mẹ già, ăn có bao nhiêu…

Tôi tập huấn chuyên môn dưới phố. Trưa, tranh thủ về thăm nhà. Ngày mùa, nhà cửa vắng hoe. Sang hàng xóm hỏi thăm người ta bảo mẹ ra đồng. Lúa nhà cháu gặt xong lâu, mẹ cháu ra đồng chi? Trời, bộ mày… trên núi mới xuống sao? Chưa gặt/ gặt xong gì bả** chẳng ra đồng. Đi mót chớ đi đâu. Xứ này mót lúa ai qua nổi mẹ mày hả con?

Tôi về. Tháng 4 đầu hạ đổ lửa chang chang. Nhìn ra cánh đồng ngùn ngụt nắng vắng hoe, thấp thoáng một, hai bóng người cô độc lui cui giữa rạ rơm. Mẹ ơi…

Tôi bật khóc.

Y.N

(*): Lúa lép nửa hạt (phương ngữ Phú Yên)

(**): Bà ấy (phương ngữ Nam - Trung Bộ)

Tin cùng chuyên mục