Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Một dự án đáng lo ngại
Thứ tư: 16:13 ngày 11/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sau một thời gian tạm ngừng để hoàn chỉnh các thủ tục, hiện nay dự án này tiếp tục thực hiện và lại tiếp tục vấp phải sự phản ứng quyết liệt hơn của người dân ấp Phước Tân, cũng như nhiều người dân khác sinh sống trên địa bàn xã Phước Ninh.

Dự án di dời và nâng công suất hoạt động lò mì của DNTN Thiên Đức từ ấp Phước Hội, xã Suối Đá về ấp Phước Tân, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, ngay từ lúc “thai nghén” đã không được sự ủng hộ của người dân. Sau một thời gian tạm ngừng để hoàn chỉnh các thủ tục, hiện nay dự án này tiếp tục thực hiện và lại tiếp tục vấp phải sự phản ứng quyết liệt hơn của người dân ấp Phước Tân, cũng như nhiều người dân khác sinh sống trên địa bàn xã Phước Ninh. Vì sao một doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế tại địa phương, lại không được người dân đồng tình ủng hộ?

Điểm cuối của đường ống xả thải nhà máy mì xã Phước Ninh.

QUÁ TRÌNH RA ĐỜI CỦA DỰ ÁN

Để thực hiện dự án di dời này, DNTN Thiên Đức do ông Hà Văn Thắng (SN 1978, địa chỉ thường trú ấp Thạnh Phúc, xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu, hiện đang cư ngụ tại hẻm số 3, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh) làm Giám đốc đã tiến hành hoàn chỉnh hồ sơ trong quá trình thực hiện dự án. Ngày 18.8.2016, UBND tỉnh Tây Ninh có Quyết định số 2187/QĐ-UBND chấp thuận cho DNTN Thiên Đức thực hiện dự án di dời và nâng công suất nhà máy chế biến tinh bột mì từ 50 tấn củ mì/ngày lên 200 tấn/ngày từ ấp Phước Hội (trước là ấp Phước Lợi), xã Suối Đá dời về xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu.

Dự án có tổng vốn đầu tư 70 tỷ đồng với phần vốn góp của DNTN Thiên Đức 30 tỷ đồng, còn lại 40 tỷ đồng là vốn huy động. Thời gian thực hiện dự án là 50 năm, giai đoạn xây dựng dự kiến từ tháng 8.2016 đến tháng 3.2017, giai đoạn hoạt động dự kiến vào tháng 6.2017. Quyết định của UBND tỉnh ghi rõ DNTN Thiên Đức chỉ được phép hoạt động sau khi đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải đạt loại A, được Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xác nhận và thực hiện hoàn chỉnh theo yêu cầu của Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh, vì hệ thống ống xả thải ra môi trường của doanh nghiệp này đặt song song với hệ thống kênh thuỷ lợi thuộc địa bàn xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu và đấu nối vào hệ thống kênh tiêu.

Quyết định UBND tỉnh ban hành ngày 18.8.2016, thế nhưng từ tháng 4, DNTN Thiên Đức đã tiến hành các bước thi công đường ống xử lý nước thải của mình- mặc dù chưa biết có được UBND tỉnh chấp thuận hay không?

Trước đó, Theo văn bản gửi Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh ngày 25.4.2016, ông Hà Văn Thắng cho biết hiện đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải đã qua xử lý từ nhà máy mì tại vị trí cặp kênh TN02-2A tại K0+665, và xin phép đặt ống thoát nước bằng nhựa PVC D32 đi cặp ranh kênh lưu không với chiều dài hơn 5km. Sau đó, ngày 16.5.2016, ông Trần Quang Tĩnh, Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh đã có Văn bản số 228/TLTN-QLN-CT cho phép doanh nghiệp đặt đường ống nhựa PVC D32 thoát nước đã qua xử lý cặp theo các kênh TN0-2A, TN0-2A-1, TN0-2A-1-4 và thoát nước vào kênh tiêu TN0-2A-1-4. Công ty cũng yêu cầu doanh nghiệp này gửi bản vẽ thiết kế để công ty có ý kiến về biện pháp thi công và trước khi xả thải vào kênh tiêu, nước thải phải đạt chuẩn loại A theo quy định. Đến ngày 13.7.2016, UBND huyện Dương Minh Châu mới đồng ý cấp giấy phép hoạt động cho doanh nghiệp Thiên Đức trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi.

Hố sâu do đơn vị thi công đường ống xả thải của nhà máy mì ở xã Phước Ninh bỏ lại, gây nguy hiểm cho người đi đường.

ĐƯỜNG DẪN NƯỚC XẢ THẢI KHÓ HIỂU

Để tìm hiểu về hệ thống ống dẫn nước xả thải của công ty này, ngày 9.1.2017, chúng tôi dùng xe mô tô đi dọc theo chiều dài của đường dẫn nước xả thải. Tại vị trí dự định xây dựng nhà máy chế biến tinh bột khoai mì, chủ đầu tư đã cho lắp đặt một đường ống dẫn nước xả thải âm dưới mặt đất, qua hai phần đất sản xuất nông nghiệp của người dân, rồi dẫn thẳng ra sát bờ kênh TN0-2A.

Lạ là, thay vì lắp đặt ống dẫn nước thải xả trực tiếp xuống kênh TN0-2A cho đỡ tốn chi phí, chủ đầu tư lại đặt đường ống dẫn nước xả thải đi nơi khác. Từ chỗ tiếp giáp với bờ kênh TN0-2A đường ống này được nối vào một hố ga. Hố ga đã được làm nắp đậy bằng bê tông xi măng kiên cố và miệng hố được đậy kín. Từ hố ga này, đường ống dẫn nước xả thải tiếp tục chạy dọc theo bờ kênh.

Cứ cách khoảng vài trăm mét, có một hố ga được đậy nắp. Đường ống chạy dài gần 2km, đến con đường nhựa liên xã Phan- Phước Ninh thì dừng lại. Phía bên kia đường liên xã, ống dẫn nước xả thải của nhà máy mì tiếp tục chạy dọc bờ kênh một đoạn gần 1km thì dừng lại. Tại điểm dừng này có một hố ga và một hố khác chiều ngang khoảng 1 mét, dài hơn 2 mét và sâu khoảng 1 mét.

Một người dân có nhà ở cạnh địa điểm này cho biết: “Mấy tháng trước có xe kobe đến đây móc đất. Sau đó, có một số công nhân đến lắp đặt đường ống nhựa xuống. Tôi chẳng biết họ làm gì, ra hỏi han thì nghe họ nói là đường dẫn nước xả thải của một nhà máy mì nào đó từ phía trên ấp Phước An dẫn xuống phía ấp Láng (xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu).

Ở phía ấp Láng, cũng đang lắp đặt ống dẫn nước xả thải như thế này, nhưng nghe đâu mới làm được một đoạn thì bị bà con phản ứng dữ quá nên công nhân phải dừng lại. Từ đó, đường ống dẫn nước xả thải ở đó bị ngừng thi công đến nay”. Người dân này bày tỏ, việc xây lắp đường ống dẫn nước xả thải dọc theo bờ kênh như thế này không an toàn, vì dọc theo bờ kênh có nhiều hộ dân sinh sống và hàng ngàn ha đất nông nghiệp đang canh tác. Hằng ngày có rất nhiều xe máy cày và các loại xe cộ khác chở hàng hoá nông sản, phân bón đi ngang ống dẫn nước xả thải.

Trong khi đó, ống dẫn nước xả thải bằng ống nhựa, có khả năng bể bất cứ lúc nào, đe doạ đến môi trường. Mặt khác, việc đơn vị thi công đào hố sâu sát bờ kênh như thế này rất nguy hiểm. Hằng ngày, trên bờ kênh có nhiều người dân, học sinh điều khiển phương tiện giao thông qua lại, rất dễ bị lọt xuống hố.

Một trong những hố ga của đường ống xả thải nhà máy mì ở xã Phước Ninh đã lắp đặt xong.

Chúng tôi đi dọc theo bờ kênh TN0-2A được vài trăm mét thì đến một nhánh rẽ của con kênh. Dọc theo bờ kênh nhỏ này chưa thấy lắp đặt ống dẫn nước xả thải, nhưng thỉnh thoảng, cứ vài trăm mét, chủ đầu tư có cắm một cọc bằng cây tầm vông, ngắn, sơn màu đỏ, để đánh dấu nơi sẽ làm đường ống dẫn nước xả thải. Có một số nơi, cọc tầm vông được cắm trong đất đang trồng khoai mì của người dân.

Nhánh rẽ của kênh TN0-2A dẫn nước băng ngang cánh đồng được khoảng 1km thì “đấu nối” vào ba nhánh kênh khác. Người dân địa phương thường gọi nơi đây là “cống bốn miệng”. Tại “cống bốn miệng” có một đường giao thông nông thôn đang được nâng cấp, mở rộng, đơn vị thi công đã tranh thủ lắp đặt ống dẫn nước xả thải băng ngang đường giao thông nông thôn, để sau này khỏi phải đào đường. Từ vị trí này, chúng tôi thấy những cọc tầm vông tiếp tục cắm dọc theo một tuyến kênh khác. Chúng tôi đi dọc theo tuyến kênh mới này được một đoạn khoảng 1km thì đến một nhánh rẽ ngang có ký hiệu là TN0-2A-1-4-2.

Ngay phía sau nhánh rẽ này là một đoạn bờ kênh đang được thi công dang dở. Tại hiện trường, có một đường rãnh dài khoảng 20 mét, kích thước tương tự hố sâu trên bờ kênh TN0-2A kể trên. Đáng chú ý, đường rãnh có khoảng 10 mét  móc đất quá sát bờ kênh, khiến bờ kênh bị sạt lở nghiêm trọng. Có đoạn sạt lở cách mặt kênh chưa tới 0,5 mét. Cũng may là vào thời điểm này, kênh đóng nước, nếu kênh đầy nước, nhiều khả năng sẽ bị vỡ bờ kênh. Từ thực tế cho thấy, việc thi công đường ống dẫn nước xả thải của DNTN Thiên Đức làm ảnh hưởng đến sự an toàn hệ thống kênh của công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng- Phước Hoà.

Một đoạn bờ kênh bị sạt lở vì đường ống xả thải của nhà máy mì ở xã Phước Ninh .

Tiếp sau đoạn kênh bị sạt lở là đường ống dẫn nước xả thải đã lắp đặt hoàn chỉnh. Chúng tôi đi theo đường ống này để xem điểm cuối của nó ở đâu? Sau hơn 1km chạy dọc theo bờ kênh, cuối cùng đường ống dẫn nước xả thải dừng lại trước hai đường dẫn nước. Một đường là miệng cống lòn, dẫn nước qua một dòng kênh khác. Đường dẫn nước còn lại là con mương nhỏ, nối vào bàu Eo.

Hiện tại, bàu Eo chỉ là một vùng đất trũng, thấp hơn các phần đất xung quanh chỉ khoảng vài ba tấc. Thời điểm chúng tôi đến đây thời tiết vẫn còn có mưa, nhưng ở nơi sâu nhất của bàu này chỉ còn vài vũng sình sệt sệt.Nếu không phải ở giữa bàu có một tay dớn cũ, rách của người dân còn bỏ lại thì khó nhận ra đây là bàu Eo. Xung quanh bàu này là vườn cao su và ruộng mì đang lên xanh tốt. Gần đó, một tốp công nhân đang xuống giống mía.

Nếu bàu Eo là địa điểm xả thải của nhà máy chế biến tinh bột khoai mì thì hoàn toàn không khả thi, vì với hiện trạng nêu trên cho thấy, bàu này không chứa được bao nhiêu khối nước. Đó là chưa kể, nếu xả nước thải xuống bàu Eo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những ruộng mì, mía, cao su đang trồng xung quanh, nhưng theo thiết kế phê duyệt thì lượng nước xả thải này sẽ được đấu nối tiếp vào hệ thống nhánh của một kênh tiêu khác.

Đức An – Đại Dương

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục