Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Một góc nhìn rất khác về Hoàng Nhuận Cầm
Thứ năm: 15:42 ngày 22/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
"Cái tài của Cầm không chỉ ở sự lãng đãng mơ màng. Đó là sự tinh tế và sâu sắc trong quan sát thực tế, quan sát chân dung người, mà nổi lên trên tất cả là tình yêu người không bao giờ vơi cạn"...

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã là người bạn đồng môn, người đồng nghiệp gắn bó với nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm nhiều năm nay. Nghe tin ông ra đi một ngày cuối tháng Tư, bà xúc động khi nhớ lại những kỷ niệm cũ...

"Có một liên hệ không hẳn là quá thân thiết, nhưng cũng khó phai nhoà giữa tôi và anh Hoàng Nhuận Cầm. Chúng tôi cùng từng là sinh viên khoa Ngữ Văn trường ĐH Tổng hợp cũ (nay là trường ĐH Khoa học XHNV thuộc ĐH Quốc gia). Chỉ trước sau một khoá.

Khi tôi vào trường (năm 1977), anh Cầm đã nổi tiếng với giải thưởng thơ từ trước đó khá lâu và từ chiến trường về học khoá 21. Trong lịch sử khoa Ngữ Văn, có lẽ K21 – 22 là hai khóa đông sinh viên nhất bởi rất nhiều lính từ chiến trường về như Cầm. Nhưng khác các bạn đồng ngũ đồng học, Cầm dường như vẫn để cả tâm trí ở đâu đó. Những đêm sinh hoạt CLB thơ sinh viên, mỗi khi Cầm đọc thơ thì con trai khoa văn như lên đồng, còn con gái khoa văn như bị bỏ bùa đồng loạt. Sức hút của thơ Cầm và giọng đọc của anh còn “tác oai tác quái” khắp các trường đại học sau này.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã.

Năm 1979, Hoàng Nhuận Cầm một lần nữa rời giảng dường đi lên biên giới, lần này là cùng các sinh viên khoa văn đi động viên chiến sĩ bảo vệ biên cương tổ quốc. Tôi nghe các bạn cùng đi về kể lại, thơ Cầm và giọng đọc của Cầm trên chiến hào như những vầng lửa đốt cháy tâm can những người lính đã kiệt sức vì chiến trận. Có lẽ bởi Cầm trở lại với tinh thần lính chiến, truyền lửa cho họ…

Sau khi ra trường, chúng tôi ngẫu nhiên cùng về làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam (số 4 Thuỵ Khuê). Ở đó, Cầm đã làm những kịch bản “sấm sét” như "Đêm hội Long Trì", "Hà nội mùa đông năm 46", rồi sau cùng là "Mùi cỏ cháy". Nhớ khi cùng đi trại viết năm 1987 ở Đại Lải, Hoàng Nhuận Cầm được nhà biên kịch Lê Phương dẫn dắt viết kịch bản "Đêm hội Long Trì" (chuyển thể từ vở kịch cùng tên của Nguyễn Huy Tưởng). Gần hết nửa thời gian, Cầm bị câu chuyện trong nguyên tác ám ảnh, không viết được. Anh xoay ra vẽ bìa như kiểu trẻ con vẽ bích báo. Rồi tự nhốt mình trong phòng của nhà sáng tác Đại Lải, mặt mũi rầu rĩ, bỏ cả ăn cả ngủ.

Biết có thúc cũng chẳng được, trưởng nhóm sáng tác là nhà văn nhà biên kịch Lê Phương cho anh về Hà nội nghỉ ít hôm, để lấy lại tinh thần. Khi Cầm trở lại, nhà văn Lê Phương đưa cho Cầm một phác thảo mang tính gợi ý. Cầm như chợt vỡ lẽ, và đã viết kịch bản này chỉ trong một tuần. Sau này, kịch bản được biên tập chỉnh sửa lần nữa để rồi khán giả xem chỉ thấy một "Đêm hội Long Trì" phim mà tạm quên đi cái kịch bản sân khấu vốn là điểm tựa ban đầu của nó. Kể chuyện này để thấy, cả trong thi hứng lẫn trong việc viết kịch bản, Hoàng Nhuận Cầm bị cảm xúc thao túng đôi khi đến mất kiểm soát. Nhưng đó mới chính là Cầm mà chúng tôi biết. Anh là một thi sĩ, một nghệ sĩ đích thực, với từng tế bào được sinh ra bởi thi hứng của một người cha tài hoa (Nhạc sĩ Hoàng Giác).

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã đánh giá: "Về mặt thơ ca, Hoàng Nhuận Cầm là nhà thơ của một thế hệ ra trận lãng mạn và thổn thức. Nhưng anh cũng đồng thời là nhà thơ của mọi thế hệ sinh viên. Tôi biết cho đến hôm nay vẫn có rất nhiều bài thơ của anh được chép trong sổ tay sinh viên. Anh có đến ba người vợ, đều là những nữ sinh viên mê thơ anh. Người sau trẻ hơn người trước, mê đắm hơn người trước…

Nhưng rồi cả ba người đều lần lượt bỏ trốn khỏi anh, chính bởi cái bản chất thi sĩ không chịu vương vấn chút bụi trần nào của anh. Phụ nữ không chỉ cần yêu. Họ cần cơm ăn áo mặc và khi có con thì những nhu cầu thực tế ấy càng câu thúc hơn. Nhưng Cầm không thể là người đàn ông hoàn hảo kiểu ấy. Anh chỉ là Một Nhà Thơ. Thế thôi. Nói vậy để thấy ngọn lửa thơ của Hoàng Nhuận Cầm thôi miên ít nhất một thế hệ với vẻ đẹp sôi nổi và phóng dật, hào sảng mà riêng tư. Nhưng không chỉ có vậy.

Thơ của anh sẽ còn được nhiều thế hệ người Việt trẻ nhớ đến, coi là cẩm nang yêu của chính mình. Và vì thế nó xứng đáng được ghi nhận như một bộ phận quan trọng làm nên diện mạo của văn học Việt Nam hiện đại. Không nhiều lắm những bộ phim có tên Hoàng Nhuận Cầm ở dòng tên Biên kịch. Nhưng phim nào có tên anh, đều là những phim nặng ký, và có sức sống dài lâu trong khán giả.

Tôi thuộc thế hệ những người trưởng thành sau 1975. Khi tôi 18 tuổi, thơ của Hoàng Nhuận Cầm được chép vụng trong sổ, và đem đọc thầm mỗi đêm như kinh thánh. Mặc dù tôi đã nhanh chóng thoát khỏi cái lãng mạn kiểu ấy bởi những trách nhiệm đời thực đè nặng trên vai, nhưng bất kỳ khi nào chợt nhớ lại tuổi trẻ của mình, tôi lại bị xốn xang vì những câu thơ ấy. Có lẽ cũng như tôi, rất nhiều bạn cùng lứa sẽ cất phần tuổi trẻ của mình vào đáy rương cùng với thơ Cầm. “Cầm” là cách chúng tôi gọi người bạn đồng nghiệp, và là thần tượng thơ của mình.

Có một chút thú vị khi nghĩ về Cầm, đó là bằng cách rất hồn nhiên, Cầm vẽ chân dung chúng tôi thường chỉ bằng 4 câu thơ ngắn gọn, nhưng súc tích, hài hước, và dễ nhớ. Ví dụ về đàn anh của Cầm, Cầm viết thế này:

"Đố ai định nghĩa được Lê Phương

Tiếu ngạo giang hồ chẳng tính chương

Mồm miệng chân tay đều xuất chưởng

Phòng văn bỗng chốc hoá sa trường"

Ai từng biết nhà văn nhà biên kịch Lê Phương thì đều thấy đó là chân dung chính xác của ông ấy, cả ở đời thực lẫn trong văn nghiệp. Cái tài của Cầm không chỉ ở sự lãng đãng mơ màng. Đó là sự tinh tế và sâu sắc trong quan sát thực tế, quan sát chân dung người, mà nổi lên trên tất cả là tình yêu người không bao giờ vơi cạn"./.

Nguồn VOV.VN

Tin cùng chuyên mục