Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Dư luận hiện rất quan tâm khi cách nay ít ngày, vấn đề chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2018 được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trong khuôn khổ cho ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi. Một trong những thông tin được quan tâm là chương trình mới sẽ có một hay nhiều bộ sách giáo khoa.
Những cuốn giáo khoa trong bức ảnh này in từ năm 2005, đến nay vẫn sử dụng bình thường.
NGHỊ QUYẾT TỪ 4 NĂM TRƯỚC
Ngày 28.11.2014, Quốc hội khoá XIII thông qua Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (gọi tắt là Nghị quyết 88), trong đó có đoạn: “Sách giáo khoa cụ thể hoá các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.
Thực hiện xã hội hoá biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. Bộ Giáo dục và Ðào tạo ban hành tiêu chí đánh giá sách giáo khoa và phê duyệt sách giáo khoa được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Chính phủ ban hành cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Ðể chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Ðào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa.
Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn. Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Ðào tạo.
Từ năm học 2018-2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông”.
Như vậy, rõ ràng Nghị quyết 88, Quốc hội khoá XIII đã cho phép chương trình giáo dục phổ thông có nhiều bộ sách giáo khoa. Tuy nhiên, những bộ sách giáo khoa này đều phải được Bộ GD-ÐT phê duyệt, không phải muốn viết thế nào thì viết.
Sau khi Nghị quyết 88 có hiệu lực, Bộ GD-ÐT đã khởi động để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhiều nhà xuất bản và các nhóm biên soạn sách giáo khoa đã và đang rốt ráo, tăng tốc để trình sản phẩm của mình (sách giáo khoa) cho Bộ GD-ÐT xem xét, thẩm định và ban hành.
Nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ ý kiến chỉ nên có một bộ sách giáo khoa thì biết làm thế nào? Ðúng ra, theo quy định của Nghị quyết 88, chương trình giáo dục phổ thông mới đã bắt đầu triển khai ngay trong năm học 2018-2019.
Tuy nhiên, để chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, Bộ GD-ÐT đã quyết định lùi triển khai chương trình và sách giáo khoa mới đến năm học 2019-2020. Phát biểu với báo giới sau phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, bất cứ ai cũng phải tuân thủ Nghị quyết 88, vì nghị quyết này tương đương với luật.
Về mặt thẩm quyền, Quốc hội có thể sửa Nghị quyết 88 nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian, trong khi chương trình của nhiều môn học đã viết xong và đang chờ Hội đồng thẩm định thông qua.
NHIỀU BỘ SÁCH ÐỂ PHÁ THẾ ÐỘC QUYỀN
Tham khảo các ý kiến trong ngành, nhiều vị cán bộ quản lý cho biết, họ không hiểu tại sao lại có sự thay đổi như vậy vào phút chót, vì chỉ còn đúng một năm học nữa, sách giáo khoa mới sẽ triển khai đại trà trong toàn quốc.
Riêng một vị cán bộ quản lý ở phòng GD-ÐT, với thái độ thận trọng cần thiết, ông cho rằng vấn đề ở đây có thể là có quá nhiều nhà xuất bản, nhiều nhóm muốn làm sách giáo khoa để cạnh tranh với Nhà xuất bản Giáo dục, phá thế độc quyền, vì thị trường này rất lớn và ổn định.
Theo ý kiến này, nên có nhiều bộ sách giáo khoa, sách nào trình bày hay, giấy tốt, in đẹp, giá cạnh tranh thì khách hàng mua. Riêng nội dung sách thì không lo, vì chương trình chỉ có một. Nói ngắn gọn, có thể cách viết, cách trình bày mỗi bộ sách khác nhau, còn nội dung thì thống nhất.
“Theo tôi, chất lượng giấy in sách giáo khoa hiện nay không cao, màu vàng khè, xấu”- ý kiến này bình luận. Một ý kiến khác nhìn nhận, cho dù có nhiều bộ sách giáo khoa đi chăng nữa, sách do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành vẫn chiếm thế thượng phong, các nhà xuất bản khác khó lòng cạnh tranh được.
Thực ra, trong lịch sử và cả hiện tại, giáo dục phổ thông vẫn có nhiều bộ sách giáo khoa. Nếu chỉ tính từ sau khi thống nhất đất nước, có một giai đoạn khá dài, có hai bộ sách giáo khoa dành cho miền Nam và miền Bắc, mãi đến những năm 90 của thế kỷ XX mới chỉnh lý rồi thống nhất sử dụng chung một bộ sách giáo khoa trong toàn quốc.
Tháng 12.2000, Quốc hội thông qua Nghị quyết 40 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông (chương trình đang sử dụng hiện nay). Chương trình hiện hành, ở cấp tiểu học và trung học cơ sở chỉ có một bộ sách giáo khoa thống nhất.
Riêng trung học phổ thông, thực hiện chủ trương phân ban, cấp học này (bắt đầu từ lớp 10 năm học 2004-2005) có đến ba bộ sách giáo khoa dành cho ba ban, gồm ban khoa học tự nhiên, ban khoa học xã hội và ban cơ bản. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, chương trình phân ban không thành công. Hiện nay, học sinh trung học phổ thông chỉ sử dụng sách giáo khoa dành cho ban cơ bản cộng với một số sách giáo khoa nâng cao theo từng ban để thi vào đại học. Nói ngắn gọn, dù có ba bộ sách giáo khoa của ba ban nhưng học sinh chỉ sử dụng sách của ban cơ bản.
SÁCH GIÁO KHOA KHÔNG PHẢI SỬ DỤNG MỘT LẦN
Liên quan đến sách giáo khoa, có một vấn đề đang gây sự ngộ nhận, hiểu lầm, đó là chuyện sách chỉ sử dụng một lần rồi bán ve chai. Thực ra, không hề có chuyện sách giáo khoa chỉ sử dụng một lần. Cần phân biệt, sách giáo khoa và vở bài tập là hai tài liệu khác nhau. Sách giáo khoa, lớp trước học, năm sau vẫn dùng bình thường, nếu có ý thức giữ gìn.
Lý do, thực hiện chủ trương giảm tải, một số nội dung, bài học trong sách đã được bỏ một phần hoặc toàn phần. Song điều này không hề ảnh hưởng, nội dung nào bỏ, theo phân phối chương trình, giáo viên sẽ không dạy. Hằng năm, nhiều đơn vị trường học, phòng GD-ÐT vẫn vận động học sinh lớp trước để lại sách cho các em học lớp sau có hoàn cảnh khó khăn, không có chuyện chỉ sử dụng một lần.
Sách cũ vẫn dùng bình thường, tại sao mỗi năm Nhà xuất bản Giáo dục vẫn in hàng triệu bản sách giáo khoa mới? Ðơn giản là học sinh thích có bộ sách mới, giống như thích mặc quần áo mới vậy. Còn “sách giáo khoa” mà dư luận “bức xúc” vì chỉ sử dụng một lần thật ra là vở làm bài tập.
Môn học nào có vở bài tập của môn học đó. Trước đây, học sinh làm bài tập vào trong vở (tập) trắng. Sau này, nhà xuất phát mới sản xuất ra vở bài tập in sẵn, có chừa khoảng trống để học sinh điền vào. Chính vở bài tập này đã thay thế cho cuốn vở trắng trước kia. Ðây mới chính là loại vở chỉ dùng một lần và nó không phải sách giáo khoa như nhiều người ngộ nhận.
VIỆT ÐÔNG