Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Một nghệ sĩ tài hoa, mơ mộng, đầy khát vọng. Một chiến sĩ dũng cảm, kiên định, không lùi bước, không quay đầu.
Sách do NXB hội Nhà văn ấn hành - Ảnh: Tự Trung
Xin hãy loại ra khỏi thị trường báo chí các biểu hiện thiếu lành mạnh trong phong cách làm báo, cái phong cách sẽ biến đội ngũ cầm bút thành bồi bút, biến các cơ quan báo thành một thứ phát ngôn của đồng tiền.
Nhà báo Lý Tiến Dũng
Một người nghiên cứu khoa học thông kim bác cổ. Và ba con người ấy hòa lại thành một nhà báo dấn thân, gai góc khi làm phóng sự điều tra, đầy yêu thương khi viết về con người, tràn tự hào khi viết về đất nước, lịch sử, và đầy khí phách trong làm nghề, trong cả cuộc đời.
Ấy là những gì mà cuốn sách Lý Tiến Dũng - Hành trình một cuộc đời nhắc nhớ về nhà báo Lý Tiến Dũng.
674 trang sách. Có nhật ký về tuổi thơ, gia đình, những khát vọng đẹp đẽ, thành thật và ngây thơ khi trưởng thành trong thời Sài Gòn chuyển mình thành TP.HCM. Có những bài báo rực lửa một thời Phụ Nữ, Đại Đoàn Kết.
Có lời bình như những công trình nghiên cứu lịch sử thấm đẫm mồ hôi tri thức, tình yêu đất nước, lòng tự hào dân tộc của những bộ phim tài liệu sử thi: Khát vọng bất diệt - về lịch sử 113 năm nhà tù Côn Đảo; Nơi huyền thoại bắt đầu - về cuộc chiến tranh 30 năm chống ngoại xâm, thống nhất đất nước; Bọt biển và sóng ngầm - lịch sử chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.
Có những lá thư cha gửi con, con gửi cha mà kỳ vọng gia đình luôn hòa vào với tương lai của xã hội, dân tộc. Có hàng trăm lời yêu thương của bạn bè, đồng nghiệp khi mà anh đột ngột đi xa.
Ngần đó đã đủ làm nên một cuốn sách đáng đọc thật sự, không chỉ với những người đã từng bị bút lực và khí phách của nhà báo Lý Tiến Dũng hấp dẫn những năm trước.
Nhưng còn hấp dẫn hơn nữa khi nhận ra những dấu ấn khó lẫn của giáo sư Lý Chánh Trung trong cách nhìn nhận vấn đề, khẳng định nhân cách, trên những câu chữ lúc mềm như lụa, lúc sắc như dao, lúc nặng như đá của con trai ông.
Đây là đoạn kết loạt bài điều tra “Bóng tối trên biển sáng” (báo Phụ Nữ - 1992) về những con tàu ọp ẹp giá triệu đô: “Ánh dương vẫn soi sáng mỗi ngày trên dãy hành lang dài hơn 3.000 cây số của đất nước đứng trước biển.
Nắng vẫn lung linh muôn màu, tuôn chảy trên biển xanh, nơi ôm giữ bao tiềm năng của đất nước. Biển thì sáng. Nhưng bóng tối từ đội quân ngầm trên biển ấy đang và sẽ còn lan rộng nếu như chúng chưa bị chính những người đi biển vạch mặt chỉ tên.
Sự vỗ béo đội quân nguy hiểm này đồng thời cũng sẽ là dấu hiệu của sự ọp ẹp không tránh khỏi của ngành hàng hải Việt Nam”.
Tưởng như đang đọc những câu chữ của chuyên mục Bọt biển và sóng ngầm trên các báo Sài Gòn 20 năm trước, và chỉ 10 năm sau, tiên đoán của anh đã được diễn biến thời sự chứng thực.
“Báo chí tự nó không bao giờ là một sức mạnh. Sức mạnh báo chí là sức mạnh của nhân dân, khi báo chí dám nói sự thật của đất nước và ý nguyện nhân dân” - GS Lý Chánh Trung viết vậy, và Lý Tiến Dũng không chỉ điều tra tiêu cực ở các vụ án lớn, anh còn điều tra ngay cả trong làng báo của mình.
Không ngần ngại, không khoan nhượng, anh vạch ra tờ báo “lậu” chuyên dùng để chạy quảng cáo, tờ báo bán mình để thành “kênh thông tin” của doanh nghiệp, băng nhóm xã hội, nhà báo phản diện cam tâm bẻ bút, nhà báo ham mê tô vẽ cái tôi riêng mình mà quên đi chức phận.
Lý Tiến Dũng viết: “Xin hãy loại ra khỏi thị trường báo chí các biểu hiện thiếu lành mạnh trong phong cách làm báo, cái phong cách sẽ biến đội ngũ cầm bút thành bồi bút, biến các cơ quan báo thành một thứ phát ngôn của đồng tiền”.
Mang theo lời dặn của cha: “thương cái tốt và ghét cái xấu, thương chân thành và ghét dứt khoát”, Lý Tiến Dũng đã sống và viết như vậy.
Dồn hết tình yêu thương để thực hiện cuốn sách về hành trình 58 năm sôi nổi của đời anh khi nỗi đau mất mát chưa nguôi, chọn dịp 21-6 để ra mắt, nhà báo Nông Thanh Vân - người bạn đời của anh - hẳn không phải chỉ có ý lưu lại những kỷ niệm.
Không có điều gì bị lãng quên, và mọi điều đều có ý nghĩa của nó trong cuộc đời vẫn tiếp diễn.
Nguồn TTO