Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Một nhà hiền triết hiện đại mang lại viễn cảnh và hy vọng mới
Thứ hai: 21:55 ngày 13/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đánh giá về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tiến sĩ M.Ahmed - Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã nói: “Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân loại bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại mang lại viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”.

Tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một nhà tư tưởng. Với công trình “Minh triết Hồ Chí Minh” (Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1999), tác giả Vũ Ngọc Khánh đã khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là một “nhà minh triết” (nhà triết học sáng suốt). Còn GS.TS Nguyễn Hùng Hậu - Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thì cho rằng: “Hồ Chí Minh không chỉ là nhà tư tưởng lớn, nhà cách mạng kiệt xuất, nhà văn hóa thế giới, nhà nhân văn sâu sắc, nhà yêu nước chân chính, mà còn là nhà triết học, nhà hiền triết, minh triết với đúng nghĩa của những danh từ, thuật ngữ này” .

Năm 1911, Nguyễn Tất Thành với tên Văn Ba làm phụ bếp trên một con tàu, quyết ra nước ngoài học hỏi tinh hoa để về giúp đất nước trên con đường cách mạng giải phóng dân tộc. Trong ảnh là Văn Ba làm công việc phụ bếp (ảnh phải) và Nguyễn Ái Quốc đến Pháp năm 1920 (trái)

Những nhận định nói trên rất xác đáng về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng triết lý rất nhiều. Chẳng hạn, về chính trị là các triết lý về “chủ nghĩa xã hội”, “chủ nghĩa tư bản”. Người viết: “Chủ nghĩa xã hội ấy là lấy máy xe lửa, ngân hàng… làm của chung. Ai làm nhiều thì ăn nhiều, ai làm ít thì ăn ít, ai không làm thì không ăn, tất nhiên là trừ những người già cả, đau yếu và trẻ em”.

Còn “Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa”. Đối với bản chất nền chính trị thế giới, Người nhận định: “Vậy là, dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: Giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một tình hữu ái là có thật mà thôi: Tình hữu ái vô sản”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày ngắn gọn, khúc chiết về sự phát triển của các hình thái xã hội với tính cách là một trong những vấn đề quan trọng nhất của chủ nghĩa duy vật lịch sử: “Lịch sử của xã hội do người lao động tạo ra. Sự phát triển của lịch sử là quy luật không ai ngăn trở được. Chế độ cộng sản nguyên thủy biến đổi thành chế độ nô lệ. Chế độ nô lệ biến đổi thành chế độ phong kiến. Chế độ phong kiến biến đổi thành chế độ tư bản chủ nghĩa. Chế độ tư bản chủ nghĩa nhất định sẽ biến đổi thành chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Đại biểu Đảng Xã hội Pháp lần thứ 18, ủng hộ luận cương của Lenin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp (1920). Ảnh: TTXVN

Về văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một định nghĩa xác đáng về khái niệm “văn hóa”. Trong mục đọc sách ở cuối tập “Nhật ký trong tù”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên định nghĩa về “văn hóa” như sau: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.

Năm 1931, Người có tên là Tống Văn Sơ bị chính quyền Anh bắt ở Hong Kong, bị buộc tội là "một phần tử cộng sản nguy hiểm". Trong ảnh là nhà ngục Victoria, nơi giam Nguyễn Ái Quốc từ 1931-1933 (ảnh phải). Sau khi được thả, Người quay lại Nga, rồi sang Trung Quốc, về Việt Nam. Năm 1942, Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt tại Trung Quốc. Thời gian này, Hồ Chí Minh viết Nhật ký trong tù (ảnh trái).

Về giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, “Dốt nát cũng là kẻ địch. Địch dốt nát giúp cho địch ngoại xâm”. Chính vì vậy, ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, Người đã phát động diệt giặc dốt trên cả nước với phong trào Bình dân học vụ. Từ đây, với hơn 90% dân số không biết chữ trước Cách mạng tháng Tám, dân tộc Việt Nam đã ngày càng phát triển về học vấn và kiến thức!

Bác Hồ trong dịp đến thăm hỏi thầy và trò một lớp bình dân học vụ. Ảnh tư liệu

Về đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Trên quả đất, có hàng muôn triệu người. Song số người ấy có thể chia làm hai hạng: Người thiện và người ác. Làm việc chính, là người thiện. Làm việc tà, là người ác. Siêng năng (cần), tằn tiện (kiệm), trong sạch (liêm), chính là thiện. Lười biếng, xa xỉ, tham lam, là tà, là ác”.

Từ rất sớm, khi còn trong nước, thấy được con đường cứu nước không triệt để của Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, Người nhận thức một điều sâu sắc, đó là: “Trong cuộc đấu tranh giành độc lập thì phải dựa vào sức mình để giải phóng mình, đừng bao giờ hy vọng trông chờ vào sự “ban ơn” của chính quyền tư sản. Và muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng bản thân mình” .

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc (người đầu tiên bên trái hàng ngồi) chụp ảnh với một số đại biểu tham dự Đại hội lần thứ V Quốc tế cộng sản của tại Matxcơva, năm 6/1924. Ảnh tư liệu

Vào tháng 6/1924, tại Đại hội V Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh: “Cách mạng thuộc địa không những không phụ thuộc vào cách mạng vô sản chính quốc mà có thể giành thắng lợi trước” và “trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”.

Đây chính là một triết lý đi trước thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin! Trên thực tế, sau khi đã hoàn toàn “tin theo Lênin và Cách mạng tháng Mười”, Người đã biến khẩu hiệu của Lênin “Tất cả vô sản và nhân dân các thuộc địa đoàn kết lại!” thành hiện thực với “Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa”, “Hội những người bị áp bức ở Á Đông”.

Sau này, trong cương vị là thành viên Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, Ủy viên Ban Chấp hành của Quốc tế Nông dân, Người đã tạo được lòng tin yêu đối với các đồng chí và nhân loại tiến bộ. Người đã thống nhất được các tổ chức cộng sản và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến khi về nước hoạt động (1941), cùng với Đảng, Người đã lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng tháng Tám.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 02-9-1945. Ảnh tư liệu

Sau đó, trong bản “Tuyên ngôn Độc lập” (2/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “suy rộng ra”: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Về triết lý nói trên, Giáo sư Nhật Bản Singo Sibata đã đánh giá: “Cống hiến nổi tiếng của cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ đã phát triển quyền con người thành quyền dân tộc”. Như vậy, ngoài dân tộc Việt Nam, “Tuyên ngôn Độc lập” còn có giá trị cổ vũ cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc trên thế giới. Thực tế chứng minh rằng, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, một phong trào giải phóng dân tộc đã bùng lên mạnh mẽ, đập tan hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân.

Bác Hồ làm việc trong hang đá ở Việt Bắc năm 1951. Ảnh tư liệu

9 năm sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị tổng chỉ huy cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam đã cùng quân dân cả nước phá tan biểu tượng của chủ nghĩa thực dân cũ (thực dân Pháp) bằng thắng lợi Điện Biên Phủ. Đến khi Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam gây hấn thì Người vẫn quyết tâm đánh và quyết tâm thắng Mỹ, góp phần rất lớn cùng nhân loại trong công cuộc phá tan chủ nghĩa thực dân kiểu mới.

Bên cạnh đó, Người còn nỗ lực xây đắp tình hữu nghị cách mạng giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân thế giới với tinh thần “muốn là bạn với mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. Tấm gương đi đầu của Người trong vấn đề giải phóng dân tộc và quan hệ quốc tế đã có tác động định hướng và cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh giành hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của các dân tộc và nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới.

Bài: Nguyễn Văn Toàn

Ảnh: Tư Liệu

Thiết Kế: Huy Tùng

Nguồn BHT

Tin cùng chuyên mục