Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Một phiên toà còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ
Thứ tư: 16:24 ngày 03/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 26.4, Toà án nhân dân huyện Bến Cầu đưa vụ án hình sự “Cố ý gây thương tích” ra xét xử đối với bị cáo Nguyễn Văn Hết, sinh năm 1972, ngụ ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận và bị cáo Nguyễn Bá Đạt, sinh năm 2000, ngụ ấp Bến, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu.

Hiện trường vụ án.

Theo hồ sơ vụ án, do nghi ngờ Huỳnh Thị Lẽ “thuê người đánh” nên khoảng 16 giờ 30 phút ngày 13.11.2016, Bùi Văn Giàu, Nguyễn Bá Đạt, Nguyễn Thị Khả Tú đến quầy bán hàng của Lẽ tại Siêu thị GC thuộc ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu để “hỏi sự việc”. Khi đến nơi, Giàu kêu Lẽ ra nói chuyện, sau đó, Tú đã dùng nón bảo hiểm đánh vào đầu, mặt và dùng tay cào mặt Lẽ nhiều cái, Giàu can ngăn nhưng không kịp.

Thấy vậy, chồng Lẽ là Lý Văn Của cùng với Lê Huỳnh Thúc An, Trần Hoàng (cháu của Lẽ) đang có mặt tại quầy hàng can ngăn. Lúc này, Nguyễn Bá Đạt nhặt thanh kim loại tại quầy hàng của Lẽ đánh 2 cái vào trán và tay phải của Hoàng và đánh 1 cái vào lưng của An. Cùng lúc, cha của Tú là Nguyễn Văn Hết dùng một đoạn cây gỗ hình chữ nhật đánh 2 cái trúng vào trán và thắt lưng anh Của gây thương tích.

Tại toà, sau phần khai mạc phiên xử, luật sư Vương Sơn Hà nhận thấy hồ sơ vụ án còn nhiều mâu thuẫn nên đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập ông Bùi Văn Giàu, bà Lương Thị Kim Chi, bà Võ Thị Ngọc Sương, vì trong hồ sơ vụ án cho thấy ông Giàu là người khơi màu để xảy ra vụ án này, bà Lương Thị Kim Chi là người chứng kiến đầu tiên khi vụ án xảy ra, bà Võ Thị Ngọc Sương là người đi khai sinh cho bị cáo Đạt, Tú, nhưng không được hội đồng xét xử chấp nhận.

Trong phần tranh tụng, luật sư Vương Sơn Hà đưa ra các vấn đề cần phải làm rõ để tránh bỏ lọt người, lọt tội, cũng như có cơ sở buộc tội các bị cáo thật khách quan. Cụ thể, luật sư Hà cho rằng, trong vụ án này vai trò của Bùi Văn Giàu hết sức quan trọng, là người dẫn đầu nhóm người đến “hỏi sự việc” rồi xảy ra xô xát, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không làm rõ cũng như không triệu tập Giàu tham gia phiên toà.

Luật sư cũng cho rằng hiện trường vụ án, lời khai của các bị cáo và người có liên quan trong quá trình điều tra và tại phiên toà cho thấy quá trình thực hiện hành vi phạm tội, vợ chồng ông Hết, bà Ánh cùng với 2 người con là Đạt, Tú và người làm công là Giàu thể hiện có sự phân công, tổ chức rạch ròi, có dấu hiệu đồng phạm. Đồng thời, luật sư nghi ngờ về độ tuổi của bị cáo Đạt, Tú vì trong hồ sơ có nhiều mâu thuẫn. Vì vậy, luật sư Hà đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nhưng không được Hội đồng chấp nhận.

Cuối cùng, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Hết 9 tháng tù cho hưởng án treo, phạt bị cáo Nguyễn Bá Đạt 6 tháng tù cho hưởng án treo và 1 năm thử thách. Về trách nhiệm dân sự; buộc các bị cáo bồi thường thiệt hại cho Lý Văn Của và Trần Hoàng 10 triệu đồng.

Vì sao bà Huỳnh Thị Lẽ được xác định tư cách tham gia tố tụng là người có quyền lợi- nghĩa vụ liên quan? Theo tìm hiểu của người viết bài này, trong hồ sơ vụ án, ông Bùi Văn Giàu khai rằng: nghe Tú kể chuyện bị Huỳnh Thị Lẽ hăm “mướn người đánh” nên Giàu cùng với vợ chồng ông Hết, bà Ánh và 2 người con là Đạt, Tú đi qua quầy hàng của bà Lẽ để hỏi chuyện, dẫn đến vụ án xảy ra.

Được biết, nhóm người này đi qua nói chuyện với Lẽ, sau đó Tú, Giàu đánh Lẽ dẫn đến Lẽ bị thương tật 12%. Trong khi đó, Trần Hoàng và Lý Văn Của (chồng của Lẽ) thấy Lẽ  bị đánh nên đã can ngăn và bị Nguyễn Văn Hết, Nguyễn Bá Đạt đánh, gây thương tích chỉ 3% lại được xác định là bị hại?

Vì vậy, sau phiên toà sơ thẩm, những người dự khán nhận thấy vụ án còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ. Bị hại và người có liên quan cho biết sẽ có đơn kháng cáo với mong muốn vụ án sẽ được làm rõ, xử đúng người, đúng tội.

TỐ QUYÊN

Tin cùng chuyên mục