Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Bệnh lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve và tiếp xúc trực tiếp giữa gia súc bệnh và gia súc khỏe mạnh hoặc do sử dụng chung máng uống nước, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch…
Nhân viên thú y tiêm thuốc chữa trị bệnh viêm da nổi cục trên bò mắc bệnh.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò bắt đầu xuất hiện trên địa bàn tỉnh từ ngày 7.7.2021, ổ dịch đầu tiên là trường hợp của 3 hộ chăn nuôi tại khu vực làng Thanh niên lập nghiệp thuộc ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành. Tính đến hết ngày 28.8, trên toàn tỉnh có 1.871 con bò của 1.151 hộ chăn nuôi, trên địa bàn 69 xã thuộc 8 huyện, thị xã và thành phố bị mắc bệnh viêm da nổi cục. Trong đó, có 125 con bị chết và tiêu huỷ, tổng trọng lượng là 18.177 kg.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò, ngày 26.8, UBND tỉnh ban hành quyết định công bố dịch trên địa bàn. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và huyện, thị xã, thành phố triển khai công tác chống dịch, tập trung mọi nguồn lực để dập dịch viêm da nổi cục trên địa bàn.
Đặc điểm dịch tể.
Theo Cục Thú y (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), bệnh Viêm da nổi cục (tên tiếng Anh là Lumpy Skin Disease, viết tắt là LSD) là bệnh truyền nhiễm do vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò, không lây nhiễm và không gây bệnh trên người.
Bệnh lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve và tiếp xúc trực tiếp giữa gia súc bệnh và gia súc khỏe mạnh hoặc do sử dụng chung máng uống nước, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch…
Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4 - 14 ngày, với các triệu chứng bệnh như: sốt cao (có thể trên 410 C), sưng hạch bạch huyết bề mặt; viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt, da và niêm mạc nổi những nốt sần có đường kính khoảng 2 - 5 cm, đặc biệt là ở vùng da cổ, đầu, bầu vú, cơ quan sinh dục và vùng đáy chậu trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu phản ứng sốt. Trâu, bò mắc bệnh có các nốt sần lớn có thể bị hoại tử và cuối cùng là xơ hóa và tồn tại trong vài tháng, để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn.
Trường hợp bệnh nặng, các mụn nước, vết hoại tử và vết loét có thể xuất hiện ở màng nhầy của miệng và đường tiêu hóa cũng như trong khí quản và phổi, gây viêm xuất huyết ở màng phổi và nốt trong phổi; xuất huyết ở lá lách, gan, dạ cỏ, ruột. Chân và các bộ phận vùng bụng khác của cơ thể như bao da, ức, bìu và âm hộ có thể bị tiết dịch khiến con vật không muốn di chuyển.
Bệnh thường xảy ra theo mùa, chủ yếu vào những tháng có thời tiết ấm, khi côn trùng phát triển hoạt động mạnh nhất. Trâu, bò mắc bệnh gây thiệt hại về năng suất do sản lượng sữa giảm mạnh, giảm khả năng sinh sản, sảy thai, tổn thương da, giảm tăng trọng, có thể chết, gây tổn thất về kinh tế.
Bệnh viêm da nổi cục ngoài gây tổn thương ở da, thường kèm theo bệnh tích là bệnh viêm phổi kẽ. Bệnh có thể điều trị được và có tỷ lệ khỏi bệnh cao. Tuy nhiên, khi xảy ra thành dịch thì việc điều trị rất tốn kém, năng suất vật nuôi giảm, có thể gây chết vật nuôi nhất là gia súc non.
Nhiều con bò mắc bệnh viêm da nổi cục được chữa lành bệnh.
Giải pháp phòng, chống và điều trị bệnh.
Để chủ động trong công tác phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, người chăn nuôi cần lưu ý một số điểm như sau: khi nhập con giống trâu, bò về nuôi, con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Chuồng trại chăn nuôi phải sạch sẽ, có lưới muỗi che xung quanh chuồng để tránh ruồi, muỗi chích, đốt trâu, bò.
Định kỳ tẩy giun sán cho đàn trâu, bò. Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho đàn trâu, bò, như: vaccine tụ huyết trùng trâu, bò, vaccine lở mồm long móng trâu, bò, đặc biệt là vaccine viêm da nổi cục trâu bò theo khuyến cáo của cơ quan thú y. Thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi (máng ăn, máng uống). Có biện pháp để tiêu diệt các loài vật chủ trung gian truyền bệnh, như: ruồi, muỗi, ve, mòng và các loại côn trùng hút máu khác tại khu vực chuồng nuôi.
Khi trâu, bò mắc bệnh, người chăn nuôi cần chăm sóc, nuôi dưỡng và hộ lý tốt. Sử dụng thuốc kháng viêm, hạ sốt, tăng sức đề kháng. Sử dụng kháng sinh điều trị ngăn ngừa nhiễm trùng kế phát. Xử lý vết loét bằng một số kháng sinh có khả năng hút nước và lưu lại lâu (Rivanol, Oxytetraxiclin ...). Để chống ruồi, nhặng cần phun khử trùng, sát trùng thường xuyên bằng Ete 20%, Formondehyt (1%), Phenol (2% trong 15 phút); phát quang bụi rậm, diệt côn trùng…
Bò chết vì mắc bệnh viêm da nổi cục.
Điều trị hỗ trợ xử lý triệu chứng và bệnh kế phát: Sử dụng kháng sinh kéo dài (các dòng Oxytetraxiclin, Sefua...) ức chế và phòng bội nhiễm 1 - 2 ngày/lần; hạ nhiệt Anagin-C; điều trị tiêu viêm Dexamethazo (gia súc không mang thai), Ketophen, Pretnisolon, Diclophenax…; truyền dịch hỗ trợ: Lactacginge, đường 10%, muối 0,9%, Vitaplex; hàng ngày sử dụng Iodin 3 - 5% phun khử trùng toàn thân gia súc 1 - 2 lần/ngày.
Qua quá trình điều trị thực tế, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh có một số phác đồ điều trị bệnh viêm da nổi cục hiệu quả như sau:
Phác đồ 1: Tiêm một trong các loại kháng sinh sau: Amox 15%, Genta-Amox, Ceptiofur 5%, Lincospec, Penstrep dạng huyễn dịch… kết hợp với thuốc kháng viêm, hạ sốt: Gluco- K-C Namin hoặc Anagin C+ Dexamethasol và các loại thuốc bổ: B complex, Hepatol + B12, Catosal. Đồng thời, sử dụng xịt có kháng sinh Oxytetracycline hoặc Neomycin… để xử lý các vết loét trên da. Lưu ý: không sử dụng Dexamethasol cho gia súc có thai (vì dễ gây sẩy thai), mới sinh (cạn sữa). Cũng không sử dụng các thuốc kháng sinh trộn lẫn với Dexamethasol tránh phản ứng kết tủa.
Phác đồ 2: Tiêm một trong các loại kháng sinh Penstrep, Amox 15%, Genta-Amox,… kết hợp với thuốc kháng viêm: Keprofen, Dexamethasol,.. và thuốc kích thích trao đổi chất: Butasal 100 (tiêm hoặc truyền). Đồng thời, sử dụng Limoxin 25 spray hoặc cồn iod xịt lên vết thương để sát trùng. Đối với trâu bò bỏ ăn có thể truyền dung dịch đường Gluco đẳng trương; dùng thuốc hạ sốt, Para C hòa nước cho trâu bò uống hàng ngày. Trong quá trình điều trị nên cho uống thêm điện giải.
Phác đồ 3: Sử dụng kháng sinh Penstrep, Amox 15%, Genta-Amox kết hợp cho uống dung dịch Sulphat Magie và tiêm Pilocarpin nhằm tránh táo bón gây nghẽn dạ lá sách và giữ nhu động dạ cỏ cần kết hợp thúc bụng cỏ bên trái hõm hông; Đối với trâu, bò không ăn cần truyền dung dịch đường Gluco đẳng trương, nếu sốt dùng thuốc hạ sốt, para C hòa nước cho trâu bò uống hàng ngày.
Phác đồ 4: Tiêm kháng viêm, hạ sốt: Dexamethasol, Anagin C kết hợp kháng sinh: Amoxgen, Kanamycin 10%, Oxytetracylin.LA, Penstrep.
Phác đồ 5: Dùng kháng sinh Penstrep, Genta-Amox và Vitamin C + B1 + B complex để tăng sức đề kháng (lưu ý: Bò đực tiêm liều cao, bò đang mang thai thì giảm liều). Trường hợp gia súc bị sưng chân, phù thủng thì tiêm Dexamethasol; còn bò chửa, mới sinh thì tiêm Cafein, B1 (không nên dùng Dexamethasol – gây sẩy thai, cạn sữa) kết hợp cho uống Vitamin C, B complex, bổ sung thêm thuốc giải độc gan Hepatol và cho uống thêm điện giải trong quá trình điều trị.
Phác đồ 6: Dùng kháng sinh Spectiline, Cephalecin hoặc Amoxilin kết hợp dùng thuốc kháng viêm Dexamethasol và hạ sốt bằng Anagin. Đồng thời, tăng cường sức đề kháng cho trâu, bò bằng VitaminC, B Complex, đường Glucose và cung cấp thức ăn, nước uống đầy đủ cho gia súc mắc bệnh trong quá trình điều trị.
Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại tiêu độc, khử trùng và dùng thuốc để diệt ruồi, muỗi, ve, mòng và các loại côn trùng hút máu khác tại khu vực chuồng nuôi. Định kỳ tiêm phòng các loại vắc xin các bệnh thường gặp như tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm da nổi cục cho trâu, bò...
Minh Dương - Hoàng Thi