Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Một số giải pháp trong công tác vận động quần chúng tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc
Thứ sáu: 08:27 ngày 03/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Công tác VĐQC tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc của BĐBP là một biện pháp vận động chính trị đóng vai trò rất cơ bản là nền tảng, mang tính chiến lược quan trọng trong các biện pháp công tác biên phòng.

Đồn BPCKQT Xa Mát phối hợp cùng tuổi trẻ địa phương tổ chức tuần tra bảo vệ hệ thống đường biên cột mốc

Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Tây Ninh được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ tuyến biên giới dài 233,789km, gồm 109 cột mốc (từ cột mốc 79 đến cột mốc 180), qua 5 huyện, thị xã; 20 xã biên giới; tiếp giáp với 3 tỉnh: Tbong Khmum, Prey Veng, Svay Rieng của Vương quốc Campuchia.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong những năm qua, BĐBP tỉnh luôn nhận được sự đồng thuận giúp đỡ của cấp uỷ, chính quyền các cấp, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh và sự đồng thuận giúp đỡ của quần chúng nhân dân; có được sự giúp đỡ đó là do cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh đã làm tốt công tác vận động quần chúng (VĐQC).

Đường biên giới dài, hai bên cơ bản đã hoàn thành việc xây dựng đường tuần tra, đường vành đai, đường xương cá ra cột mốc. Thực tế, một bộ phận nhỏ người dân khu vực biên giới nhận thức về trách nhiệm bảo vệ biên giới còn hạn chế, còn có tư tưởng cho rằng, bảo vệ BGQG là nhiệm vụ của BĐBP. Do đó, ít tham gia các hoạt động hướng về biên giới, trách nhiệm chưa cao, thiếu lòng nhiệt tình khi tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc.

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá trên biên giới, ra sức tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách dân tộc, tôn giáo, chúng kích động, lôi kéo gây phức tạp về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Để nâng cao hiệu quả công tác VĐQC tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc trong giai đoạn hiện nay cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

1. Nâng cao nhận thức trách nhiệm của các tổ chức, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng và nhân dân đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới

Xây dựng nền “Biên phòng toàn dân”, “Thế trận an ninh nhân dân” để bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc và ngăn chặn, làm thất bại mọi hoạt động phá hoại biên giới của các thế lực thù địch là nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu và thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang là nòng cốt, BĐBP là chuyên trách.

Nội dung của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới rất phức tạp và nặng nề, đặt ra những yêu cầu rất cao, đòi hỏi phải huy động sức mạnh tổng hợp của toàn đảng bộ, nhân dân, các cấp, các ngành và lực lượng vũ trang nói chung, BĐBP nói riêng vào xây dựng, quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc là nhiệm vụ trọng yếu trong giai đoạn hiện nay.

Vì vậy, phải giáo dục nâng cao nhận thức và nêu cao tinh thần trách nhiệm, tạo được sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động thực tiễn của BĐBP và nhân dân vùng biên giới đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc.

Đối với cán bộ, chiến sĩ BĐBP phải được giáo dục, trang bị toàn diện về kiến thức quốc gia, quốc giới, chính sách dân tộc, tôn giáo, văn hoá của Đảng và Nhà nước ta, về âm mưu thủ đoạn, phương thức hoạt động của địch, về phương châm, nguyên tắc, tư tưởng chỉ đạo quản lý, bảo vệ biên giới của Đảng và Nhà nước ta, về các hình thức, phương pháp và thái độ, tác phong công tác VĐQC tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới nâng lên trình độ mới.

2. Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp vận động quần chúng tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới

Trong tình hình mới, trước âm mưu “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, công tác VĐQC có vai trò, vị trí chiến lược hết sức quan trọng nhằm giữ vững lòng dân, củng cố mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây cũng là mặt trận đấu tranh phức tạp và cam go.

Công tác VĐQC còn là một biện pháp nghiệp vụ cơ bản, làm cơ sở để tiến hành các biện pháp công tác biên phòng khác trong quản lý, bảo vệ biên giới của BĐBP. Vì vậy, cần đổi mới cả về nội dung, hình thức VĐQC tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, có như vậy mới đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn đặt ra.

3. Đẩy mạnh các hoạt động tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trên địa bàn biên giới

Đây vừa là mục tiêu, nội dung, phương pháp, vừa là điều kiện kinh tế - xã hội cho công tác VĐQC của BĐBP tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc. Để công tác VĐQC tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc của BĐBP đạt chất lượng, hiệu quả cao cần đẩy mạnh các hoạt động tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trên địa bàn biên giới; tạo tiềm lực vật chất, tinh thần đủ mạnh bảo đảm công tác quản lý, bảo vệ đường biên cột mốc.

4. Kết hợp chặt chẽ, đồng bộ công tác vận động quần chúng với các biện pháp công tác biên phòng trong quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới

Trong bảo vệ biên giới nói chung, công tác VĐQC tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc nói riêng, phải tiến hành đồng bộ, toàn diện và phải kết hợp chặt chẽ các biện pháp công tác biên phòng. Để thực hiện được điều đó, phải lấy biện pháp VĐQC là cơ bản, làm cơ sở để tiến hành các biện pháp khác như: pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ và biện pháp vũ trang.

Ngoài ra, để làm tốt công tác VĐQC trong quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc cần phải xây dựng và phát huy vai trò của các tổ chức, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ chuyên trách công tác vận động quần chúng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các cấp, các ngành ở địa phương trong quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới.

Công tác VĐQC tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc của BĐBP là một biện pháp vận động chính trị đóng vai trò rất cơ bản là nền tảng, mang tính chiến lược quan trọng trong các biện pháp công tác biên phòng. Biện pháp công tác này đã được BĐBP tỉnh ứng dụng vào thực tiễn xây dựng, hoạt động, chiến đấu ngay từ những ngày đầu thành lập. Trải qua 48 năm chiến đấu và trưởng thành, biện pháp VĐQC luôn phát huy hiệu quả trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền ANBG quốc gia của BĐBP tỉnh.

Ngày nay, để phát huy và đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc đạt chất lượng, hiệu quả cao, BĐBP tỉnh cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo, đồng bộ, chặt chẽ các biện pháp nghiệp vụ và phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng, các ngành, các cấp vào nhiệm vụ VĐQC tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc. Những giải pháp nêu trên đều có vị trí, vai trò không ngang bằng nhau, nhưng giữa chúng có mối quan hệ biện chứng, hỗ trợ, bổ sung cho nhau và đều hướng vào tiến hành công tác VĐQC tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc của BĐBP tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

Phạm Đình Triệu

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục