Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Một thời tìm ong lấy mật
Thứ ba: 14:05 ngày 13/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hễ thấy tổ ong nào mà ong bu vào có vẻ láng mịn là biết ngay tổ đã có nhiều mật, còn tổ nào có vẻ sần sùi, ong bu lộn xộn thì đó là tổ đang xây và chưa có mật. Những tổ đã hết mật sẽ lòi tàng trắng bên dưới ra.

Ở quê tôi, tháng ba là cái tháng nắng gay gắt nhất trong năm. Tháng này mùa xuân đã bắt đầu cạn ngày dần, chuẩn bị cho mùa hè làm mưa làm gió, nên lượng nắng cứ tha hồ mà trút xuống.

Cái tháng giao mùa chính là thời điểm thích hợp nhất cho bao bầy ong rong ruổi đi tìm hoa tích mật. Ngày xưa, năm nào cũng vậy, cứ sau tiết thanh minh là bọn trẻ chúng tôi lang thang vào rừng tìm tổ ong ruồi lấy mật, chắt chiu từng giọt mật ngọt ngào như chắt chiu từng kỷ niệm của tuổi ấu thơ.

 

Nằm dọc theo xã Tân Thạnh của tôi ngày trước là khu đất rừng được phá ra làm rẫy. Người dân có đào một dải giao thông hào khoảng ba cây số cặp theo chiều dài của xã, lâu ngày cây le mọc lên thành rừng chụp cả không gian phía trên, còn phía dưới y như dãy hầm bí mật.

Ðây là nơi trú ngụ của chồn, thỏ, cúi… và cơ man nào là ong rừng, nhất là loại ong ruồi. Ong ruồi là loại ong nhỏ có hình dáng như con ruồi, khá hiền, thường làm tổ ở các bọng cây hay lùm bụi.

Rừng le ngày trước mọc rất dày, đi bên dưới không hề thấy ánh mặt trời, đất thì luôn luôn ẩm, không khí âm âm u u, rất thích hợp cho ong ruồi xây tổ.

Ngày nào cũng vậy, sáng đi học, trưa về, ăn cơm xong là tôi và thằng bé Lâm- em trai tôi vác đồ nghề đi tìm ong.

Ðồ nghề đi bắt ong ruồi không có gì phức tạp, chỉ cần một cái liềm bén có thể cắt cành cây được, một bó rơm con cúi dùng để hun khói và một cái thau để đựng tàng ong.

Hai anh em tôi băng qua mấy đám rẫy mì, rẫy đậu phộng là đến rừng le giao thông hào. Em tôi có nhiệm vụ cầm bó rơm con cúi và cái thau, còn tôi cầm liềm và tìm chỗ chui xuống rừng hầm. Chúng tôi đi dọc theo hầm, vừa đi vừa quan sát tìm tổ ong.

Tổ ong ruồi thường không lớn, cái to lắm chỉ cỡ cái dĩa bàn, cái nhỏ thì cỡ cái chén ăn cơm. Ong ruồi hiếm khi làm tổ trên cành cây cao, mà chúng thường chọn những nhánh le chắc chắn, nằm ngang ngang để xây tàng làm tổ.

Khi tìm thấy tổ ong phải xem tổ ấy có mật hay chưa mới lấy. Việc này không phải là leo lên vạch tổ ra xem mà phải dựa vào kinh nghiệm. Hễ thấy tổ ong nào mà ong bu vào có vẻ láng mịn là biết ngay tổ đã có nhiều mật, còn tổ nào có vẻ sần sùi, ong bu lộn xộn thì đó là tổ đang xây và chưa có mật. Những tổ đã hết mật sẽ lòi tàng trắng bên dưới ra. Ðại khái là như vậy, người đi lấy mật lâu ngày tất sẽ có nhiều kinh nghiệm.

Cũng có khi phải theo dõi con ong bay trong rừng để biết. Kinh nghiệm mách bảo rằng, hễ con ong nào bay nhanh, bay gấp gáp là nó vừa ra khỏi tổ, đang đi tìm nước hay tìm mật hoa. Loại này không theo dõi được.

Con nào bay chậm chậm, có vẻ nặng nề thì dứt khoát nó đã mang được mật hay nước và đang tìm về tổ. Gặp loại này, nếu chịu khó bám theo tất sẽ tìm ra tổ của nó. Cách lấy tổ mật cũng dễ thôi. Khi phát hiện tổ có mật, phải coi hướng trèo lên là hướng nào và cách cắt nhánh sao cho thật êm, tránh để tổ va vào các nhánh le khác sẽ bị vỡ và chảy mật.

Sau đó đốt con cúi rơm để hun khói, bao giờ cũng phải trèo lên và hun khói hướng trên gió, như vậy khói mới phủ cả tổ, ong tự giạt ra và rơi xuống. Lúc ấy chỉ việc dùng liềm cắt nhánh lấy tổ là xong.

Nói thì nghe dễ vậy, chứ lấy mật ong ruồi cũng lắm khi nguy hiểm. Ðiều cần nhớ thứ nhất là trước khi đi lấy ong, không được ăn các loại mắm cá. Vì ong không ưa mùi mắm, nghe mùi này chúng dễ bị kích động và tấn công người. Thứ hai là chui vô lùm bụi tìm ong ruồi cũng dễ gặp phải rắn rết.

Anh em tôi hết sức cẩn thận vậy mà cũng có khi bị “tổ trác” như chơi. Tôi nhớ có lần tìm được một tổ ong ruồi khá to, em tôi giành trèo lên bắt. Ai ngờ trong tổ ong ruồi đó lẫn lộn khá nhiều ong độc.

Thằng nhỏ vừa trèo lên chưa kịp hun khói là bầy ong liền ùa ra khỏi tổ và những con ong độc lập tức tấn công ngay. Cũng may là thằng em có bịt mặt nên không bị ong chích vào mặt nhưng cũng bị khá nhiều vào đầu.

Hoảng hồn, tôi dẫn em về nhà, tắm rửa sạch sẽ. Chiều ấy nó bắt đầu bị sốt nhưng sợ bị ăn đòn nên hai anh em tôi đều giấu kín chuyện này. Thấy nó bệnh, má tôi mua thuốc cảm cho uống, hai ngày nó vẫn không hết, má tôi tưởng nó bị ông bà khuất mày khuất mặt quở nên làm con gà nòi của ba tôi và mua thêm dĩa trái cây cúng, cầu xin ông bà tha thứ cho nó.

Má tôi nói mai mà thằng nhỏ không khỏi sẽ mượn nợ đưa nó đi bệnh viện. Nghe vậy tôi buột miệng lên tiếng: “Mai là nó hết hà”. Má tôi sinh nghi và điều tra, cuối cùng cũng biết ra sự việc.

Thật tình mà nói, con ong ruồi coi bình thường vậy mà không thể thuần chúng được. Chính vì vậy mà mật ong ruồi cho đến nay vẫn là loại mật tốt và quý.

Ngày xưa, anh em tôi đi lấy mật ong về cũng chưa bao giờ bán cho ai, dù thuở ấy đói kém lắm. Mật lấy về, đựng trong chai nước biển để dành cho bà nội uống lúc bà bị mệt. Cũng có khi bà con hàng xóm đến xin chút ít về làm thuốc hay rơ miệng cho em bé, chúng tôi cũng sẵn sàng giúp ngay.

Tôi nhớ một lần, có một người nọ vô xóm tôi bán mật. Ông ta nói với bà con đây là mật ong ruồi chính cống. Ông ta còn đem theo vài cái tổ ong ruồi làm bằng chứng và cho mọi người nếm mật thử.

Tôi cũng sà vô nếm thử coi sao, ai dè toàn đường là đường. Tôi nói thẳng, đây là đường chứ mật ong ruồi gì. Ông nọ ra vẻ khinh khỉnh: “Mày lấy gì chứng minh mật của tao là đường?”. Tôi nói: cứ lấy cân ra cân là biết ngay chớ gì, một lít mật ong ruồi thiệt bao giờ cũng nặng 1,36kg, còn trên dưới số này thì mật đã bị pha.

Và mật ong để lâu sẽ xuống màu sẫm, không bị đông trong môi trường lạnh, không bị lắng đường. Ông ta lườm tôi một cái rồi lên xe đi mất dạng.

Mới đó mà đã mấy chục năm rồi, xóm tôi ngày nay không còn ai làm cái nghề đi lấy mật ong nữa. Vì rừng xưa le không còn, đoạn giao thông hào cũng đã bị lấp hoàn toàn.

Bọn trẻ con bây giờ khó có thể hình dung cảnh rừng rẫy ngày xưa, huống chi là cảnh đội nắng đi bắt ong ruồi. Lâu lâu mua được vài xị mật ong nuôi pha nước chanh uống mà lòng cứ nao nao nhớ về kỷ niệm của những ngày tháng năm nào.

Ðào Thái Sơn

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục