Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Một thuở giàn thun
Thứ hai: 12:16 ngày 01/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Gần đây, tôi thấy có vài người đi bán dạo các loại giàn thun (ná thun), nạng bằng sắt, hoặc bằng gỗ tốt khá bắt mắt. Một cặp dây thun mạnh, bắn bằng sỏi (hoặc đá xanh nhỏ) đi khá xa. Chẳng may, “viên đạn” bay trúng vào đầu hay mặt người nào đó, hậu quả thật khó lường. Thế nhưng, nhìn những chiếc giàn thun đẹp mắt ấy, tôi lại nhớ thời niên thiếu của mình.

Trò chơi trẻ quê

Hồi đó, chừng chín, mười tuổi là chúng tôi đã biết bắn giàn thun và tự tay mình làm lấy. Chúng tôi rủ nhau tìm những loại cây gỗ cứng, có nhánh chảng hai cân đối (như chữ V) chặt đem về tề gốc, tề ngọn để làm nạng thun.

Ðể nạng thun “bầu” và cầm vừa bàn tay, chúng tôi chuốt bớt lớp vỏ cây bên ngoài, rồi lấy dây kẽm cột siết hai nhánh chữ V lại. Có nạng, chúng tôi đi mua thun bẹ, thun khoanh, rồi xem ai có dây nịt da, hoặc banh da hư xin một miếng về làm “miếng da” (để kẹp sỏi, đá bắn đi).

Ðể cột thun bẹ vào miếng da, chúng tôi khoét lỗ ở hai đầu miếng da và tìm đoạn dây dù ngắn, chắc, xỏ vào lỗ miếng da làm mối nối, rồi lấy thun khoanh mà cột thun bẹ vào da và nạng. Có được chiếc giàn thun vừa ý (với cái nạng vừa tay cầm, độ co dãn của dây thun vừa với tay kéo của mình), chúng tôi thoả sức mà đi săn bắn.

Trước kia, những con đường làng, đường ngõ xóm quê tôi còn thưa vắng nhà cửa. Ðường đất nhỏ hẹp, hai bên đường tre gai và cây rừng mọc um tùm. Ngoài ra còn có nhiều cụm rừng chồi với đủ loại cây và dây leo mọc tự nhiên. Cây cối nhiều, đủ các loại chim tập trung về tha hồ ăn trái và bắt sâu bọ.

Những ngày nghỉ học, những buổi trưa hè, chúng tôi rủ nhau vài ba đứa đi bắn chim. Ðứa nào cũng đầu “đen”, mình “da”, chân đất, trên người chỉ độc có chiếc quần đùi cũ kỹ, trên cổ lủng lẳng giàn thun. Trước khi đi bắn chim, chúng tôi đến một cái gò sỏi (một gò đất cao, có nhiều sỏi đỏ nổi lên mặt) tìm lượm những viên sỏi nhỏ, tròn, độ chừng bằng ngón tay cái.

Ðứa nào mặc quần đùi có túi, thì cho sỏi vào túi, đứa nào mặc quần không có túi, lận sỏi vào lưng quần, xề xệ phía trước bụng dưới để làm đạn bắn chim. Khi nạp đạn sỏi vào quần khá nặng, chúng tôi tìm đến những cây nào có nhiều chim đậu và mê ăn, rình núp mà bắn.

Bắn được vài con chim, đứa nhổ lông, đứa đi tìm nhánh cây khô, đứa chạy đi xin lửa, xin muối hột… và tìm chỗ đất trống, sạch, nổi lửa nướng chim ăn với muối hột ngon lành. Bữa nào bắn không được chim, gặp rắn mối chúng tôi cũng không tha. Bắn rắn mối thì dễ hơn bắn chim, vì nó không biết bay, bắn trật viên này, có thể bắn vài ba viên tiếp theo, trước khi chúng chạy trốn.

Còn chim bắn trật một phát là cả bầy bay lên “cái hù”, coi như trắng tay. Rắn mối nướng trui ăn thơm ngon, gần giống như cá nướng trui (hồi nhỏ tôi có cảm giác như vậy đó). Không chỉ bắn chim, rắn mối… chúng tôi còn bắn những trái mắm chín đỏ trên cây (cây mắm có gai không leo lên được) cao quá tầm tay và hái nhãn lồng, nhãn chài, cò ke… gom lại ăn chung.

Hồi đó, quê tôi có mấy vườn xoài và rất nhiều cây xoài lẻ. Cây nào cũng cao lớn và cho trái rất nhiều. Vào mùa thu hoạch, chủ xoài bán cho lái. Lái mướn người leo hái. Cây lớn, nhiều cành lá, người hái có kỹ cách mấy cũng còn sót lại vài trái xoài lớn và nhiều trái xoài “cu” (xoài nhỏ lái chê).

Thế là bọn nhỏ chúng tôi tập trung đến những cây xoài mà người ta vừa thu hoạch xong “thi nhau” bắn. Xoài lớn đứa nào bắn được thì để dành đem về nhà, còn xoài “cu” gom lại, ngồi chấm muối ớt ăn chung. Vừa ăn, vừa “hít hà”, thật vui vẻ, vô tư.

Hơn mười tuổi, giàn thun càng trở thân thiết. Bởi nó là dụng cụ phục vụ đắc lực cho những người đi săn chuột đồng, trong đó có anh em tôi. Xóm tôi ở, nằm cặp một con rạch lớn (phụ lưu sông Vàm Cỏ Ðông). Ngoài con rạch lớn (rạch chính) còn có nhiều con rạch nhánh đi sâu vào giữa cánh đồng.

Hồi đó, hai bên bờ dòng rạch chính cũng như các con rạch nhánh có nhiều cây cối cao to và nhiều cây bụi, dây leo rậm rạp. Chuột đồng sống ở các bờ rạch này rất nhiều. Ðây là nơi anh em tôi, cũng như một số bà con xóm tôi đi săn chuột để cải thiện bữa ăn hằng ngày và có khi được nhiều, thì đem đi bán.

Muốn đi săn chuột dứt khoát phải có chó săn. Còn dụng cụ đi săn chuột phải có là cây chĩa và giàn thun. Bị chó rượt đuổi, chuột đồng có hai con đường trốn chạy. Một là leo lên cây, hai là lội (hoặc lặn) ra rạch. Những con nào leo lên cây hoặc lội ra rạch trong tầm chĩa thì anh em tôi dùng chĩa, còn quá tầm chĩa thì bắn giàn thun.

Nhiều con chuột đực lớn, vừa nghe chó vào bụi là lo chạy tuốt lên ngọn cây cao tránh né. Ở chót vót trên cao, chúng tưởng yên thân, nên ngồi “vuốt râu” tỉnh bơ. Nhưng chúng làm sao tránh khỏi đạn sỏi từ giàn thun của anh em tôi nã lên. Trong lúc đi săn chuột, anh em tôi còn rình bắn các loại chim cò trên các ngọn cây cao. Kể cả rắn hổ ngựa, hổ mây nằm vắt vẻo trên các thân cây.

Ðường làng, ngõ xóm quê tôi giờ rộng rãi, cao ráo sạch đẹp. Hai bên đường nhà cửa đông vui. Rừng chồi thì không còn nữa. Chim chóc thưa vắng và cần được bảo vệ. Trẻ em thì hầu hết “học ngày, học đêm”.

Rời sách vở ra thì dán mắt vào truyền hình, điện thoại thông minh và nhiều trò chơi khác… các cháu không có nhiều thời gian để lang thang như hồi chúng tôi còn nhỏ. Nhà cửa đông đúc, nếu có giàn thun trong tay cũng chẳng biết bắn vào đâu. Bởi mỗi khi giương lên và thả ra thì viên đạn sỏi khó tránh khỏi rơi trên một mái nhà nào đó.

Nhắc chuyện cũ để nhớ, hãy để chiếc giàn thun đi vào quá khứ. Theo tôi, các bậc phụ huynh- nhất là ở khu vực nhà cửa đông đúc, không nên mua và cũng đừng làm giàn thun cho con em mình sử dụng.

T.L

Tin cùng chuyên mục