Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Một trường hợp tử vong nghi do nhiễm virus dại sau khi bị chó cắn
Thứ hai: 22:18 ngày 27/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Tây Ninh vừa ghi nhận 1 trường hợp bệnh nhân tử vong nghi do nhiễm virus dại sau khi bị chó cắn.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật giám sát ca tử vong do nhiễm virus dại tại xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu

Bệnh nhân tên N.V.N, là nam, sinh năm 1976, ngụ tại ấp Trường Long, xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu. Theo thông tin điều tra dịch tễ của Trung tâm Y tế huyện Gò Dầu, khoảng 2 tháng trước, bệnh nhân đi làm ruộng thấy con chó bơi qua sông Vàm Cỏ, thấy chó bị nước cuốn nên bệnh nhân vớt lên, sau đó chó tỉnh lại và cắn vào tay bệnh nhân, tình trạng vết cắn cạn, chảy máu ít, không đau.

Sau khi bị chó cắn, ông N có không thực hiện rửa vết thương, cũng vì bận đi làm và chủ quan nên không đến cơ sở y tế khám và điều trị, cũng như không tiêm vaccine dại/huyết thanh kháng dại.

Ngày 17.3.2013, bệnh nhân có triệu chứng sốt, mệt mỏi, đến ngày 19.3, ông được người thân đưa nhập viện tại Bệnh viện Nhiệt Đới thành phố Hồ Chí Minh, tại đây bệnh nhân có các biểu hiện sợ nước, sợ gió, hốt hoảng và được chẩn đoán là nghi dại.

Đến chiều ngày 19.3 người nhà xin cho bệnh nhân về nhà, sáng 20.3.2023, bệnh nhân tử vong.

Điều tra dịch tễ cho thấy, con chó nói trên là chó thả rông, hiện không xác định được là chó của ai. Sau khi cắn ông N, con chó đi đâu không rõ nên không theo dõi được.

Trung tâm Y tế huyện Gò Dầu tiến hành phun hoá chất khử trùng tại nhà bệnh nhân và nhà cha mẹ của bệnh nhân khi bệnh nhân từ Bệnh viện Nhiệt Đới chuyển về, đồng thời tiến hành điều tra, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân.

Ngành Y tế khuyến cáo, để phòng bệnh dại, người dân có nuôi chó, mèo phải tiêm vaccine ngừa dại cho vật nuôi; rọ mõm và không thả rong chó, mèo để đề phòng bị chó, mèo cắn. Khi bị chó, mèo cắn phải đến cơ sở y tế để được khám, điều trị và tiêm vaccine ngừa dại; đồng thời theo dõi và tiến hành cách ly tất cả các con vật mắc bệnh, nghi nhiễm bệnh dại.

Theo Cục Thú y Bộ Nông nghiệp, phát triển nông thôn, bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao nhất ở Việt Nam, tỷ lệ chết 100% khi phát bệnh. Tiêm chủng là cách duy nhất phòng bệnh dại.

Đình Tiến

Tin cùng chuyên mục