Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Khà khà! Như vậy là từ nay sẽ không còn phải nghe, phải tức anh ách vì những chuyện dậy sóng vô duyên trên truyền thông xã hội, hay cả báo chí chính thống nữa rồi ông ơi.
- Ông nói sao, chuyện gì mà kêu bằng chuyện dậy sóng vô duyên?
- Thì… như chuyện hồi nẳm đó, tự dưng cái rồi một bài hát truyền thống cách mạng nổi tiếng của một ông nhạc sĩ, đại tá quân đội ta, vốn đã nằm lòng biết bao thế hệ thanh niên sẵn sàng dâng hiến tuổi xuân cho Tổ quốc, lại bị một ông quan chức cấp sở của một tỉnh nọ cấm hát ngang xương!? Trời đất á, một bài hát vừa lay động lòng người bởi sự hy sinh vô bờ bến của mẹ già “bốn mùa tóc bạc nỗi thương con”, vừa khí khái, hào hùng, bi tráng như là “ngọn núi nơi anh ngã xuống, rực cháy lên màu hoa đỏ phía trời xa”… Vậy mà nỡ lòng nào vị quan chức ấy cấm tiệt, không cho hát đành đoạn luôn.
- Thôi đi ông ơi, chuyện đó xảy ra đã mấy năm rồi, cũ xì cũ xịch rồi, quan chức ấy đã phải “phân bua mọi nhẽ” và chân thành xin lỗi gia đình cố nhạc sĩ; đến cả cấp trên của ông quan sở ấy cũng đã phải có lời “rao nam, rao ai”, xin lỗi rối rít “mong dư luận thông cảm khi để sự việc đáng tiếc trên xảy ra”… Giờ ông còn nhắc lại, còn chì chiết, đay nghiến làm chi nữa.
- Mà đâu phải đã hết cho cam, còn biết bao nhiêu chuyện “cười ra nước mắt” chung quanh cái việc quy định bài hát này được hát, bài hát nọ thì không… Chẳng hạn như chuyện có lần, chính báo mấy ông đăng đó! Ai mà chẳng biết bài hát “Trên bốn vùng chiến thuật” là bài hát “đầu têu” của cái “nạn dịch” ca ngợi những kẻ cầm súng đánh thuê cho ngoại quốc, bắn giết đồng bào mình. Thế mà nó lại “được” đổi lời hát, đặt tựa khác, rồi lại có lắm ca sĩ sao này, sao nọ mặc sức mà ca hát thoải mái, chẳng thấy ai cấm đoán!?
- Không thể kể lể hết những chuyện đại loại như vậy đâu ông ơi. Đất nước mình đổi mới mấy chục năm rồi, tuy nhiên, quá trình đổi mới đâu phải đơn giản, dễ dàng, cả một cuộc đấu tranh giằng co, không kém phức tạp, làm sao cho khỏi còn rơi rớt đâu đó chuyện này, chuyện kia. Ờ, mà sao hôm nay ông lại nổi hứng nhắc lại chuyện buồn cũ với nét mặt có vẻ… hân hoan, thơ thới vậy?
- À, thì tại vì tôi vui, tôi rất phấn khởi, khi tôi được biết Chính phủ ta vừa ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, trong đó có quy định bỏ cấp phép phổ biến ca khúc miền Nam trước 1975.
- À, ông muốn nói đến Nghị định 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ đó hả! Đúng rồi, nghị định rất hợp lòng dân ấy sẽ có hiệu lực từ ngày 1.2.2021, tức là ngay trước thềm Tết Tân Sửu này.
- Biết rồi, nhưng…thú thiệt tôi vẫn còn cảm thấy rất băn khoăn.
-Sao lại vừa vui sướng, vừa băn khoăn?
- Tôi lo là lo… không biết làm như vậy rồi rủi như có người muốn biểu diễn, phổ biến những bài hát, bản nhạc, băng hình có nội dung chống lại chế độ ta, kể cả những bài hát phản động hiện hành từ nước ngoài tuồn về thì sao hả ông?
- Ông không phải lo, Nhà nước ta bỏ việc cấp phép biểu diễn âm nhạc, nhất là nhạc Sài Gòn trước 1975, nhưng không có nghĩa là buông bỏ cả việc quản lý tổ chức biểu diễn nghệ thuật…
- Như vậy là sao, bỏ mà không buông, sao lạ vậy?
- Có gì lạ đâu! Theo Nghị định 144 thì từ nay sẽ không còn tình trạng cho phép bài này, cấm hát bài kia, nhưng vẫn có việc quản lý bằng cách quy định những điều người tổ chức biểu diễn phải thực hiện cho đúng.
Đó là 4 nội dung tại Điều 3 “Quy định cấm trong hoạt động biểu diễn”: Một là, “Chống nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; hai là, “Xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; phân biệt chủng tộc; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân”; ba là, “Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại” và bốn là, “Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khoẻ cộng đồng và tâm lý xã hội”. Quy định như vậy ông có thấy là đúng đắn, là phù hợp với đời sống xã hội, nguyện vọng người dân hay không?
- Đúng quá, phù hợp quá đi chớ! Có ai muốn những việc gây xáo trộn, bất ổn, mất đoàn kết, mất an ninh trật tự, an toàn xã hội xảy ra từ việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật như vậy đâu? Mà giả như có kẻ nào liều lĩnh tổ chức như vậy, nhất định dân ta cũng sẽ tẩy chay, vạch mặt, lên án chúng chứ chẳng thèm coi đâu.
BÀN DÂN