Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nếu quả thực đúng là đất công, chính quyền địa phương phải thu hồi, nếu là đất do dân khai phá và sử dụng liên tục từ năm 1978 đến nay (không dính đến dự án) thì phải cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho dân theo quy định của Luật Đất đai.
Cán bộ địa chính xã Hảo Đước trên khu đất sẽ thu hồi.
Báo Tây Ninh có nhận đơn của ông Trần Văn Sạch (79 tuổi, ngụ ấp Bình Lợi, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành). Theo đơn, ông Sạch cho rằng, cơ quan chức năng cần làm rõ nguồn gốc sử dụng đất trước khi yêu cầu ông giao trả “đất công”…
THÔNG BÁO THEO CHỦ TRƯƠNG CỦA CẤP TRÊN
Ngày 21.11.2017, UBND xã Hảo Đước có Thông báo số 909 gửi đến ông Trần Văn Sạch, yêu cầu ông thu dọn cây lâu năm, trả lại đất công cho UBND xã Hảo Đước.
Thông báo nêu rõ: “Ông Sạch đang trồng cây cao su trên đất công của UBND xã Hảo Đước với diện tích 8.131m2 (tại ấp Bình Lợi), ông Sạch phải tiến hành thu dọn cây cao su và trả lại hiện trạng đất trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày 24.11.2017 đến ngày 9.12.2017.
Quá thời hạn nói trên, nếu ông Trần Văn Sạch không thu dọn cây cao su, UBND xã Hảo Đước sẽ tiến hành giải quyết theo quy định của pháp luật”. Nhận được thông báo trên, ông Sạch viết đơn khiếu nại gửi đi nhiều nơi. “Cần phải xem xét lại thông báo này và các căn cứ có liên quan, vì thửa đất này là do chính tôi khai phá và chính thức sử dụng từ năm 1978 cho đến nay”, ông Sạch quả quyết.
Trong đơn ông Trần Văn Sạch trình bày, năm 1977, gia đình ông có đến vị trí khu đất nói trên khai phá đất rừng được khoảng 1,6 ha. Năm 1978, ông chính thức canh tác nông nghiệp trên phần đất đó cho đến nay. Trong quá trình sử dụng, khoảng năm 1992 có bà Bùi Thị Cúc đến xâm chiếm đất, nhưng chính quyền địa phương buộc bà Cúc phải trả đất lại cho ông Sạch.
Cho đến năm 1995, ông P.M.T (đã qua đời năm 2009), là con trai của bà Cúc lại ngang nhiên đến chiếm 7.000m2 đất, đồng thời âm thầm đi xin đăng ký cấp giấy chứng nhận QSDĐ. “Đất do tôi khai khẩn chỉ còn lại hơn 8.000m2, vậy mà anh P.M.T vẫn cố tình muốn chiếm đoạt hết nên chủ động gửi đơn khiếu nại nhiều nơi theo kiểu khai báo không đúng sự thật về công khai phá, gây tranh chấp kéo dài. Sự việc chưa được giải quyết xong thì không rõ vì lý do gì, chính quyền địa phương lại gửi thông báo cho rằng đây là đất công của UBND xã Hảo Đước?”, ông Sạch thắc mắc.
Qua trao đổi với chính quyền địa phương về trường hợp của ông Sạch, nhất là việc ông có đơn khiếu nại Thông báo số 909 gửi lên huyện. Ngày 14.12.2017, UBND xã Hảo Đước có Công văn số 960 gửi cho Báo Tây Ninh. Theo đó, căn cứ Quyết định số 1491 ngày 9.12.2002 của UBND huyện Châu Thành về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông P.M.T; căn cứ Quyết định số 1490 ngày 15.9.2003 của UBND huyện Châu Thành về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông P.M.T khiếu nại Quyết định số 1491… là hai cơ sở chính để UBND xã Hảo Đước ra Thông báo số 909 gửi đến ông Sạch. Công văn 960 còn lưu ý, sau thời hạn 15 ngày theo nội dung Thông báo 909, nếu ông Trần Văn Sạch vẫn chưa thu dọn cây cao su trên đất công, UBND xã sẽ tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Sạch.
BẤT NHẤT NGUỒN GỐC ĐẤT ?
Năm 2002, ông P.M.T làm đơn gửi đến cơ quan chức năng khiếu nại về việc khu đất trên do gia đình ông khai phá từ năm 1976 với diện tích 26.615m2, nhưng chỉ được cấp giấy chứng nhận QSDĐ có 7.000m2. Ngày 9.12.2002, UBND huyện Châu Thành có Quyết định số 1491 giải quyết đơn khiếu nại của ông P.M.T. Quyết định nêu rõ, năm 1976, ông P.M.T di dân vào vùng kinh tế mới, đến định cư tại xã Hảo Đước.
Từ năm 1976 đến 1996, ông có khai phá đất sản xuất và được Nhà nước cấp giấy chứng nhận QSDĐ diện tích 26.115m2 (giấy CNQSDĐ số 02898). Trong đó, có 7.000m2/11.190m2 thuộc bản đồ số 06 (theo số liệu đo mới của năm 2000 là 15.131m2, thửa số 562, bản đồ số 14). Phần diện tích còn lại chưa được cấp giấy do hiện trạng là đất gò, trũng, hố bom.
Như vậy, diện tích thực tế là 15.131m2, trong đó giao cho ông P.M.T 7.000m2, phần đất 8.131m2 còn lại thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Trong quá trình sử dụng, ông P.M.T đã tự ý lấn chiếm luôn diện tích đất 8.131m2 để trồng cây bạch đàn và nhãn.
UBND xã Hảo Đước yêu cầu đưa phần diện tích 8.131m2 vào quỹ đất công 5% của xã. UBND huyện Châu Thành quyết định, bác đơn của ông P.M.T về việc khiếu nại đòi cấp quyền sử dụng phần đất 8.131m2 nêu trên. Giao diện tích đất này về cho UBND xã Hảo Đước quản lý, sử dụng theo quy định về quỹ đất công (5%).
Lý do, khiếu nại của ông P.M.T trái với điều 1 Luật Đất đai năm 1993; sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đất đai năm 1998 và 2001; khoản 1 Điều 2 Nghị định 04/CP ngày 10.1.1997 của Chính phủ. Ngoài ra, UBND xã Hảo Đước có trách nhiệm trả công khai phá cho ông P.M.T khi thu hồi lại đất.
Sau đó, ông P.M.T đã làm đơn khiếu nại Quyết định số 1491 của UBND huyện Châu Thành. Ngày 15.9.2003, huyện tiếp tục ra Quyết định số 1490 về việc giải quyết đơn của ông P.M.T khiếu nại Quyết định số 1491 của Chủ tịch UBND huyện Châu Thành.
Theo Quyết định 1490, Thanh tra huyện đã có kết quả phúc tra và kiến nghị rõ hơn về nguồn gốc sử dụng đất: “Năm 1980, bà Bùi Thị Cúc vào đây khai phá đất hoang thuộc dạng rừng chồi để sản xuất, đến năm 1988 sang nhượng lại cho con là ông P.M.T tiếp tục sử dụng đất. Việc khai phá và sang nhượng đất của bà Cúc không thông qua chính quyền địa phương, không có đơn được cơ quan thẩm quyền cho phép, cũng như không xác định được tứ cận giáp ranh.
Ngày 4.11.1995, ông P.M.T làm đơn xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ diện tích 26.615m2, trong đó có 7.000m2 sang nhượng lại của bà Cúc vào năm 1988 và đã được cấp giấy. Trong quá trình sản xuất, ông P.M.T đã tự ý lấn chiếm thêm 8.131m2 đất rừng chồi do Nhà nước quản lý, đồng thời xảy ra tranh chấp với hộ ông Trần Văn Sạch, Trần Văn Thu (con ông Sạch) vào năm 2001.
Ông Thu, ông Sạch tự ý vào phần đất 8.131m2 cày trồng mì, sau đó có làm đơn cam kết sẽ trả lại đất khi thu hoạch mì xong”. Từ những cơ sở trên, UBND huyện Châu Thành đã ký Quyết định số 1490 bác đơn của ông P.M.T về việc khiếu nại Quyết định 1491, giữ nguyên kết quả của quyết định bị khiếu nại. Được biết, sau khi ông P.M.T qua đời, vợ ông là bà Trần Thị Thuý đã rút lại đơn khiếu nại Quyết định 1491.
Từ hai Quyết định 1491 và 1490 của UBND huyện Châu Thành, có thể nhận thấy nguồn gốc sử dụng phần đất trên chưa có sự thống nhất. Trong Quyết định 1491, ông P.M.T bắt đầu đến khu đất khai phá từ năm 1976 đến năm 1996 và được Nhà nước cấp giấy chứng nhận QSDĐ diện tích 26.115m2.
Trong khi Quyết định 1490 lại thể hiện, năm 1980, bà Bùi Thị Cúc vào đây khai phá đất hoang thuộc dạng rừng chồi để sản xuất, đến năm 1988 sang nhượng lại cho con là ông P.M.T. Ngày 4.11.1995, ông P.M.T làm đơn xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ diện tích 26.615m2... Như vậy, mốc thời gian nào ông P.M.T đến đây khai phá đất mới là chính xác? Vì sao lúc thì “khai phá từ năm 1976”, lúc được bà Cúc “sang nhượng lại từ năm 1988”?
“XIN ĐỪNG BỎ QUÊN TÔI”
Đó là khẩn cầu của ông Trần Văn Sạch. “Tôi đến đây khai khẩn đất đai có nhiều người chứng kiến, nhất là những người cùng thời phát rừng làm rẫy giáp ranh.
Cụ thể như ông Dương Thành Dân (nguyên Trưởng Công an huyện Châu Thành), cũng đồng thời điểm năm 1977 có dẫn anh em Công an đến đây phát rừng lấy đất tăng gia sản xuất. Lúc đó, gia đình tôi cũng phát rẫy giáp ranh với lực lượng Công an huyện, tôi còn cho phía Công an một vạt đất nhằm làm thẳng ranh thửa để canh tác, việc này ông Dân biết rất rõ”, ông Sạch kể.
Qua trao đổi với ông Dương Thành Dân vào ngày 18.12.2017, ông Dân xác nhận: “Đúng là có chuyện này, ông Sạch là người đầu tiên đến đây khai khẩn đất rừng làm rẫy giáp ranh bên đất của chúng tôi từ năm 1977. Theo tôi biết, ông Sạch dọn được hơn 1 ha đất rừng và canh tác kế bên khu đất của Công an. Tính đến thời điểm năm 1981, ông Sạch vẫn sử dụng thửa đất trên, sau đó, tôi chuyển công tác đi huyện khác nên không biết gì thêm”.
Ngày 26.6.2005, còn có cả chữ ký của ông Dương Thành Dân vào tờ xác nhận với nội dung: “Năm 1993 phía công an có chia lại của ông Sạch một ít đất nhằm làm thẳng ranh diện tích đất canh tác”.
Ngoài ra, trước đó còn có nhiều người nguyên là trưởng ấp cùng ký tên vào tờ xác nhận (được Chủ tịch UBND xã Hảo Đước đóng dấu mộc ngày 1.2.2002) về việc bà Cúc có lấn chiếm đất của ông Sạch, và đã được chính quyền địa phương giải quyết trả lại đất cho ông Sạch vào năm 1992.
Ông Thu- con của ông Sạch đặt vấn đề: “Nếu đất không phải do cha tôi khai phá, tại sao gia đình tôi vẫn sử dụng đất (trừ diện tích 7.000m2 mà ông P.M.T đã lấn chiếm) liên tục trong ngần ấy năm mà chính quyền địa phương không hề có ý kiến? Chỉ khi hé lộ việc ông P.M.T khiếu nại quyết định của huyện vào năm 2002 thì lại phát sinh thông báo thu hồi đất công.
Chúng tôi đã chịu mất thửa đất 7.000m2, chẳng lẽ chỉ còn lại mảnh đất hơn 8 công cũng đành phải chịu mất luôn sao? Cả ấp đều biết từ trước đến nay xã chưa từng canh tác hay sử dụng phần đất, khu đất lại không hề dính đến dự án nào cả”.
Ông Thu còn giải thích thêm: “Tôi ký đơn cam kết trồng mì xong sẽ trả đất là trả cho cha tôi chứ không phải trả cho xã, vì tôi đã mượn đất của cha để canh tác, hơn nữa, tôi cũng không rành gì về đơn từ nên cán bộ bảo ký thì tôi ký, cha tôi không ký vào tờ cam kết này”.
Từ những ghi nhận trên, cho thấy trường hợp của ông Sạch còn khá nhiều khuất tất cần được làm rõ. Nếu quả thực đúng là đất công, chính quyền địa phương phải thu hồi, nếu là đất do dân khai phá và sử dụng liên tục từ năm 1978 đến nay (không dính đến dự án) thì phải cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho dân theo quy định của Luật Đất đai.
Quốc Sơn