Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
LỘC HƯNG, TRẢNG BÀNG:
Một vùng nông thôn rộng lớn sẽ thành phường
Thứ sáu: 10:44 ngày 23/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tuy không liền kề với thị trấn như các xã An Hoà, An Tịnh, Gia Lộc, cũng không có đường xuyên Á đi qua như xã Gia Bình, nhưng xã Lộc Hưng lại thuộc vùng quy hoạch thành phường khi huyện Trảng Bàng thành lập thị xã.

Khu vực ngã ba chợ Lộc Hưng.

Lộc Hưng được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới từ năm 2016 và giữ vững cho đến nay. Những năm gần đây, kinh tế, văn hoá, xã hội của Lộc Hưng phát triển khá nhanh, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao. Tốc độ đô thị hoá của vùng nông thôn rộng lớn này rất nhanh, nhất là trên các trục lộ chính của xã. 

Hiện xã có diện tích tự nhiên 45,15km2, chia ra 12 ấp, với tổng dân số hơn 19.000 người. Là địa phương giàu truyền thống cách mạng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, xã Lộc Hưng là căn cứ cách mạng của Huyện uỷ Trảng Bàng. Đây còn là nơi đóng quân của lực lượng vũ trang cấp trên. Nằm trên tỉnh lộ 6 (nay là ĐT 787B) nối liền thị trấn Trảng Bàng với các xã Gia Lộc, Hưng Thuận, Đôn Thuận, xã Lộc Hưng có vị trí chiến lược quan trọng, là bản lề tiếp giáp với Chi khu quân sự Trảng Bàng (của nguỵ quyền Sài Gòn) và vùng Căn cứ Bời Lời (của lực lượng cách mạng). Với vị trí chiến lược quan trọng này, quân dân Lộc Hưng đã kiên cường chiến đấu, bảo vệ quê hương và tích cực bảo vệ Căn cứ Bời Lời. 

Trong thời bình, Lộc Hưng cũng là địa bàn bản lề về kinh tế - xã hội giữa đô thị Trảng Bàng và các xã cánh Đông rộng lớn của huyện. Ngoài tỉnh lộ 787B, địa bàn xã Lộc Hưng còn có hương lộ 2 đi ngang qua. Hương lộ 2, nối từ địa bàn huyện Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh) ngang qua nhiều ấp của xã và tiếp giáp với tỉnh lộ 782, thuộc địa bàn xã Phước Đông (Gò Dầu). Ngoài ra, địa phương này còn có nhiều con đường liên xã, liên ấp quan trọng.

Từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hệ thống giao thông nông thôn ở đây được nâng cấp và mở rộng nên lưu thông rất thuận tiện. Ngoài ra, trong những năm qua, trên  địa bàn xã đã “cứng hoá” 228 con đường, với tổng chiều dài hơn 155km, và tổng số tiền huy động từ người dân và các doanh nghiệp trên 10 tỷ đồng. Tính chung, đến nay, xã đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 242 tuyến đường, với tổng chiều dài gần 190km.   

Lộc Hưng là xã nông nghiệp, phần lớn người dân sống bằng nghề nông, với các cây trồng chủ lực là lúa, bắp, đậu phộng, hoa màu… Ngoài ra, một bộ phận người dân ở đây trồng cao su, lập vườn cây ăn trái, chăn nuôi gia cầm, bò vàng… Để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, lãnh đạo xã khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách hợp lý, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ tăng năng suất và chất lượng nông sản phẩm mà người nông dân có lợi nhuận cao trong sản xuất nông nghiệp. 

Cùng với phát triển nông nghiệp, những năm gần đây các loại hình thương mại - dịch vụ trên địa bàn xã cũng nhanh chóng phát triển. Nhiều cửa hàng, cơ sở sản xuất kinh doanh được người dân địa phương và một số người từ nơi khác đến đầu tư xây dựng.

Tuy không có khu công nghiệp, nhưng địa bàn xã nằm giữa các khu công nghiệp lớn (khu công nghiệp Trảng Bàng và khu công nghiệp Phước Đông - Bời Lời) nên lao động trẻ trong xã có nhiều điều kiện thuận lợi trong tìm việc làm. Từ đó, hầu hết người lao động địa phương có việc làm ổn định, thu nhập bình quân đầu người hằng năm đều được nâng lên.

Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của xã 39 triệu đồng/người/năm, nâng lên trên 59 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo trong xã giảm xuống đáng kể. Hiện xã chỉ còn 0,5% hộ nghèo. Trên địa bàn không còn nhà tạm bợ, 99,78% nhà ở đạt tiêu chuẩn “3 cứng” (mái cứng, khung-tường cứng, nền cứng, niên hạn sử dụng từ 20 năm). 100% hộ dân trong xã đều sử dụng điện lưới quốc gia. 

Để góp phần bảo đảm an ninh trật tự, giảm tai nạn giao thông và tạo cảnh quang sáng đẹp về đêm, lãnh đạo xã tuyên truyền vận động người dân thực hiện nhiều công trình “thắp sáng đường quê”. Nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán ngày càng tăng của người dân trong xã và khu vực lân cận, chợ xã được cải tạo, nâng cấp. 

Đời sống vật chất ngày càng nâng cao, người dân ngày càng chú trọng đến đời sống văn hoá, tinh thần. Đến nay, tất cả các ấp của xã đều có đường truyền internet. Ý thức về bảo vệ chăm sóc sức khoẻ của người dân ngày càng nâng cao, có trên 89% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Hiện có 99,7% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh.

Theo lãnh đạo xã Lộc Hưng, để giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu, xã phấn đấu đến năm 2020 đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ đường kiên cố hoá đạt trên 60%, thu nhập bình quân đầu người 60 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90% trở lên, trên 90% gia đình đạt chuẩn gia đình văn hoá...

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng xã nông thôn mới, đồng thời thành lập phường (khi huyện Trảng Bàng thành lập thị xã), lãnh đạo xã Lộc Hưng thực hiện đồng bộ giữa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu về kinh tế xã hội với phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần dân cư nông thôn. Xã ưu tiên đầu tư các lĩnh vực giao thông, thuỷ lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hoá, công trình cấp nước sinh hoạt.

Trong đó có mục tiêu hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn xã; hoàn chỉnh các công trình thuỷ lợi theo hướng hiện đại; cải tạo nâng cấp mở rộng hệ thống lưới điện nông thôn; xây dựng hoàn chỉnh các công trình bảo đảm đạt chuẩn về cơ sở vật chất giáo dục mầm non, phổ thông; hoàn thiện hệ thống và nâng cao chất lượng hoạt động Trung tâm Văn hoá - Thể thao - Học tập cộng đồng xã và các nhà văn hoá ấp. Lãnh đạo xã tiếp tục quan tâm hoàn thiện hệ thống chợ nông thôn, cơ sở hạ tầng thương mại, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển các loại hình thương mại dịch vụ. 

Với những lợi thế trên, dù không liền kề với thị trấn Trảng Bàng, nhưng xã Lộc Hưng vẫn bảo đảm các tiêu chuẩn của đơn vị hành chính phường, khi huyện Trảng Bàng thành lập thị xã. Khi lập phường, Lộc Hưng vẫn giữ nguyên diện tích tự nhiên và dân số của xã như hiện nay.

N.H

Tin cùng chuyên mục