Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ôi chà, Bến Sỏi đẹp gì đâu để khi qua ta buộc phải ghìm cho xe chạy chậm, để còn thoả mắt ngắm nhìn!
May sao! Trong chuyến đi lên cửa khẩu Phước Tân, vào ngày cuối tháng 6.2024, thì lúc qua cầu Bến Sỏi mặt sông đã trở lại thoáng đãng, xanh trong. Mặt nước sông mênh mông phẳng như tấm gương trong soi bóng mây trời. Một chiếc vỏ lãi vừa rời bến xóm Ruộng khuấy động sự yên tĩnh của dòng sông. Nhưng cũng chỉ vẽ lên hai vệt trắng do máy Kohler cuộn sóng đẩy vỏ lãi lao về phía trước…
Rồi tất cả trở lại là tấm gương mênh mông im vắng. Ngó lại quán cà phê không tên ở dưới chân cầu. Còn sớm nhưng đã thấy vài chiếc xe máy ghé quán. Vài người ngồi bên chiếc bàn sát mé sông. Bao trùm lên quán, lên những mái ngói nâu là cả một vòm xanh của những cây me, bụi trúc đứng bên bờ nước. Ôi chà, Bến Sỏi đẹp gì đâu để khi qua ta buộc phải ghìm cho xe chạy chậm, để còn thoả mắt ngắm nhìn!
Sông Vàm qua Bến Sỏi.
Ấy là ta đã vừa đi qua một cảnh tượng, một không gian của làng quê với biết bao ấn tượng. Đấy là cánh đồng xanh trải rộng hai bên ĐT 781. Đang là mùa trổ đòng của vụ lúa Xuân Hè. Vậy nên vừa đi vừa căng ngực hít thở cái mùi hương đồng náo nức, nồng nàn. Cái mùi hương của hoa lúa đang kết đòng ngậm sữa dường như thơm hơn hết thảy các loài hoa khác.
Lại vời vợi trong mắt ta những mảng màu miên man xanh ngọc, có chỗ lại ửng vàng hoặc nõn xanh màu lá chuối non. Đấy là cánh đồng của xóm Ruộng, xã Trí Bình nằm ở bên phía tả ngạn của sông Vàm Cỏ Đông qua Bến Sỏi. Nhìn cánh đồng ấy, ai cũng có thể đoán, năm nay vụ Hè Thu trúng lớn.
Ấy thế mà khi đến giữa cầu Bến Sỏi, ta vẫn phải sững sờ nhìn ngắm một dòng sông uốn lượn quanh co nhưng rất mực dịu dàng. Lại nhớ dịp đầu năm kéo dài cho đến tháng 5, vẫn có nhiều bản tin truyền hình đưa về nạn lục bình giăng kín mặt sông qua Bến Sỏi. Cũng dễ hiểu thôi! Bởi dòng sông trước khi tới đây đã phải uốn lượn mấy vòng cung, lõm về phía Trí Bình. Nước chảy xuôi qua đây chậm lại, để cho lục bình vô tư phát triển tràn lan ngay dưới chân cầu. Ôi chà, Bến Sỏi- một vùng sông!
Đọc sách Ba mươi năm quân dân Ninh Điền làm nên sự nghiệp anh hùng (1985) mới biết Bến Sỏi xưa (phần hữu ngạn sông) là thuộc xã Ninh Điền. Sách Từ điển Địa danh hành chính Nam bộ (2008) cho biết Ninh Điền là: “Thôn thuộc tổng Hàm Ninh Thượng huyện Tân Ninh, phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định, triều Thiệu Trị, Tự Đức. Đầu Pháp thuộc vẫn tổng cũ, đặt thuộc hạt thanh tra Tây Ninh. Ngày 24.12.1873 đổi thuộc tổng Giai Hoá cùng hạt…”.
Vậy ra, cho dù Bến Sỏi nay đã thuộc xã Thành Long mới thành lập sau năm 1975, nhưng miền đất, miền sông này đã được khai sinh từ thời “cựu trào”- triều Nguyễn. Cụ thể hơn là thời vua Thiệu Trị (1841-1848). Khoảng 180 năm đã trôi qua, nước sông Vàm Cỏ Đông vẫn dào dạt chảy qua Bến Sỏi. Có phải cái tên này đã có từ hồi ấy?
Chưa ai trả lời được câu hỏi trên. Chỉ biết ngày xưa từng có một bến sông mang tên Sỏi. Sách đã dẫn về Ninh Điền có một câu: “Bến Sỏi, một bến đò nổi lên sỏi đá rất nhiều”. Cái bến đò ấy chắc là nằm trên một con đường xe bò cho dân đi qua, lên rừng khai thác gỗ và các loại lâm sản.
Trên cơ sở con đường ấy, mà 120 năm trước, nhà cầm quyền Pháp đã cho xây dựng nên tuyến đường Thuộc địa số 1- con đường quốc lộ đầu tiên trên đất Tây Ninh (và có lẽ cả Nam kỳ). Đường này, theo Nguyễn Đình Tư trong sách “Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam kỳ” (2016), đã có từ năm 1880 trên cơ sở “con đường sứ” thời nhà Nguyễn.
Những năm đầu mới mở được từ Sài Gòn lên Tây Ninh dài 99 km. Đến năm 1904 mới làm thêm đoạn từ TP. Tây Ninh lên cửa khẩu Phước Tân dài 22 km. Đến năm 1929, mới có Nghị định xếp loại đường liên tỉnh trong toàn xứ Nam kỳ; trong đó con đường qua Bến Sỏi thuộc về đường liên tỉnh số 13, chính là ĐT 781 ngày nay.
Vùng sông qua Bến Sỏi cũng có một vài bến sông đã trở thành tên ấp, tên làng. Bến Sỏi thì trở thành ấp Bến Sỏi Bắc và Bến Sỏi Nam. Tiếp nối với Bến Sỏi Nam ở phía hạ nguồn là ấp Bến Cừ, thuộc xã Ninh Điền. Nơi ấy, người dân lập bến buôn bán cây cừ tràm, mà thành tên gọi. Ngày nay, vùng sông này còn có thêm nhiều nghề, nhiều sản phẩm đặc trưng khác. Như nghề uốn cây tầm vông, nghề trồng cây kiểng ghép mai chiếu thuỷ nổi tiếng trong cả nước..
Nhưng, nghề gì thì nghề, vùng đất này vẫn luôn có màu chủ đạo đổi thay theo mùa vụ những cánh đồng. Ngoại trừ các xóm dân cư trên các gò cao, thì không gian luôn mở ra trước mắt, xa tắp đến chân trời màu xanh của lúa non, hay màu vàng rực trong mùa gặt. Có phải do vậy không, mà vùng sông qua Bến Sỏi, trong phạm vi 4 cây số, ở cả hai phía thượng-hạ lưu có tới 3 miếu thờ Bà Chúa xứ Nguyên Nhung. Là bởi Bà vốn được nông dân Nam bộ coi là bà chúa của ruộng đồng.
Một cổ miếu ở ngay bên xóm Ruộng, xã Trí Bình chỉ cách ĐT781 hơn trăm mét. Một ngôi ở Bến Sỏi Bắc. Một ngôi ở ấp Bến Cừ. Ngoại trừ ngôi ở Bến Cừ mới xây sau năm 1975, hai ngôi kia đều đã có trên 120 năm tuổi tác. Ngôi nào cũng được xây trên một bến sông đẹp nhất. Ngôi nào cũng có tượng Bà áo mão lụa là, trang kim rực rỡ ngự trên bệ thờ trong gian thờ chính.
Ngôi nào cũng có thêm đài tượng Quán Thế Âm bồ tát trang nghiêm hướng mặt ra sông. Sau những chìm nổi, thăng trầm thì tất cả các ngôi miếu đều đã được tôn tạo trùng tu lớn đẹp, khang trang. Lại nhớ những ngày cúng miếu rằm tháng 3 (âl) ở cổ miếu Bà Xóm Ruộng.
Các bà, các cô trong các nhóm bóng rỗi, múa mâm vàng đã đến miếu từ các ngày 13, 14. Để cắt dán khéo léo tạo hình nhiều chiếc mâm bạc, mâm vàng dùng trong lễ cúng. Để tới ngày 15, trong tiếng nhạc ngũ âm trầm bổng, từng chiếc mâm vàng được bổng bay điệu nghệ giữa một không gian đượm màu huyền thoại xa xưa.
Ông từ ở miếu này kể rằng, những năm xưa, khi con đường liên tỉnh 13 còn gập ghềnh đá cuội, ổ gà thì vùng sông này còn vui nữa. Từ đây qua miếu Bắc Bến Sỏi không xa nên ngày cúng, ghe thuyền còn chạy qua chạy lại giữa hai ngôi miếu. Lúc xem múa mâm bên này, khi lại xem bóng rỗi bên kia…
Ngày nay, cảnh tượng ấy đã không còn nữa. ĐT781 đã bê tông nhựa lớn đẹp gấp bao lần. Lại chạy giữa cánh đồng miên man hương lúa. Lại được bon bon xe qua cầu mà ngắm nhìn cảnh sắc một vùng sông. Chính là vùng sông qua Bến Sỏi với rất nhiều ký ức đẹp đẽ và vẻ vang của miền quê sông nước huyện Châu Thành.
Trần Vũ