PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
MTTQ Việt Nam tỉnh: Tạo sinh lực mới cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Thứ hai: 09:48 ngày 18/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Mục đích phấn đấu của Mặt trận Dân tộc thống nhất là xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh", các cấp MTTQ trong tỉnh đã và đang không ngừng được củng cố, mở rộng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Lãnh đạo Tỉnh uỷ, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh chụp ảnh cùng các tôn giáo, dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Đại hội lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc” xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”.

Từ tinh thần “lấy dân làm gốc” đó, những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh vượt mọi khó khăn, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội tích cực vận động Nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, phòng chống tham nhũng, tiêu cực… góp phần quan trọng tạo nên sự đồng thuận xã hội, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tỉnh.

Lãnh đạo xã Tân Hà (huyện Tân Châu) tặng quà cho lãnh đạo xã Ruông và T’Ria (huyện Mê Mốt, tỉnh Tboung Khmum, Campuchia) tại hội nghị trao đổi thông tin giữa các xã.

Thông qua phương thức tập hợp Nhân dân và hiệp thương với các tổ chức thành viên, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào “Vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và giảm nghèo bền vững. Với sự tập hợp, vận động của MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội, đặc biệt là các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã chung tay với chính quyền địa phương trong nhiều hoạt động an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Là tôn giáo có nhiều tín đồ trong tỉnh, Hội thánh Cao Đài Toà Thánh Tây Ninh luôn vận động đồng đạo thực hiện theo tinh thần từ bi, bác ái vì cộng đồng. Các Họ đạo trong tỉnh tích cực phối hợp với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương thực hiện “giúp khó trợ nghèo” bằng những hoạt động thiết thực như: xây tặng nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, tặng quà cho người nghèo, khám chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ mai táng miễn phí, tặng học bổng cho học sinh.... tổng số tiền ước tính đóng góp cho tỉnh nhà khoảng hơn 30 tỷ đồng/năm.

Lãnh đạo Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh thăm Ban Đại diện Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo.

Các họ đạo, cá nhân đạo Cao Đài còn đóng góp tích cực trồng hoa để tạo cảnh đẹp và môi trường thoáng mát cho gần 100 km đường giao thông nông thôn; hơn 4.000 lượt tín đồ tham gia cùng các đợt ra quân làm công tác dân vận của địa phương, phát hoang dọn dẹp gần 200 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 275 km; đóng góp nâng cấp hạ tầng giao thông và điện ở nông thôn với tổng số kinh phí 4,7 tỷ đồng. Tất cả các cơ sở của tôn giáo Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh đều đăng ký tham gia xây dựng “Cơ sở tín ngưỡng tôn giáo văn minh” và được nhà nước công nhận 100% đạt chuẩn.

Ông Võ Đức Trong- Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng quà cho các hoàn cảnh khó khăn xã Tân Phong, huyện Tân Biên.

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cũng luôn hưởng ứng các phong trào, sự kiện do MTTQ khởi xướng, đặc biệt là trong công tác an sinh xã hội. Hoà thượng Thích Huệ Tâm- Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh cho biết: Thực hiện phương châm “Phụng sự chúng sinh là thiết thực cúng dường Chư Phật”, trong 5 năm gần đầy, tăng, ni, phật tử đã đóng góp tịnh tài tịnh vật, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các tuyến đầu chống dịch, các bếp ăn tình thương, hỗ trợ khu cách ly và ủng hộ quỹ mua vaccine phòng chống dịch bệnh… tổng cộng hơn 180 tỷ đồng.

Công tác giám sát, phản biện xã hội cũng là nhiệm vụ trọng tâm được Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh triển khai đồng bộ, thực hiện hiệu quả với sự tham gia tích cực từ nhiều sở, ngành, đơn vị, đội ngũ trí thức. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 24.000 người có trình độ từ cao đẳng trở lên (trong đó có 11 tiến sĩ, 1.411 thạc sĩ). Với chức năng tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp Hội) đã phối hợp chặt chẽ cùng Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh thực hiện nhiều nội dung, góp phần nâng cao chất lượng phản biện xã hội của Mặt trận trong điều kiện mới.

Các thành viên của Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh thăm Hội thánh Cao Đài Toà Thánh Tây Ninh.

“Để thực hiện nhiệm vụ tư vấn phản biện và giám định xã hội (PB & GĐXH), cơ quan Liên hiệp Hội đã tập hợp đội ngũ trí thức, chuyên gia trong và ngoài tỉnh tổ chức khảo sát thực tế và tổ chức diễn đàn khoa học dưới hình thức Hội thảo khoa học và tọa đàm. Từ đó phát huy được năng lực chuyên môn và kinh nghiệm của đội ngũ trí thức, chuyên gia giúp các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương có thêm cơ sở khoa học xem xét những vấn đề quan trọng của địa phương. Hoạt động TVPB&GĐXH Liên hiệp Hội ngày càng tăng về số lượng và nâng cao chất lượng hằng năm; những kiến nghị của Liên hiệp Hội trong TVPB & GĐXH được lãnh đạo tỉnh và các sở ngành ngày càng tin tưởng, ghi nhận, đánh giá cao”, bà Dương Thị Thu Hiền- Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh chia sẻ.

Chính sách ngoại giao của Nhà nước, công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận cũng đã khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa, cội nguồn dân tộc. MTTQ các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên, đặc biệt là Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trong đoàn viên, hội viên và Nhân dân về biên giới trên đất liền Việt Nam- Trung Quốc, Việt Nam – Lào và Việt Nam – Campuchia cũng như tuyên truyền về biển đảo.

Là huyện biên giới, Tân Châu có hơn 47 km đường biên giáp huyện Mê Mốt (tỉnh Tboung Khmum, Vương quốc Campuchia) đi qua 4 xã Tân Hà, Tân Đông, Suối Ngô và Tân Hòa. Theo ông Lê Hữu Phúc- Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện, những năm qua, MTTQ các cấp trong huyện đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia; tuyên truyền về đường lối đối ngoại của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác đối ngoại cũng như hoạt động đối ngoại Nhân dân của MTTQ.

 

“Định kỳ hàng năm, UBND huyện phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị gặp mặt, trao đổi thông tin giữa 2 huyện Tân Châu và huyện Mê Mốt. Định kỳ 6 tháng và 1 năm, các xã giáp biên giới tổ chức hội nghị tọa đàm, trao đổi thông tin tình hình có liên quan đến biên giới giữa các xã giáp biên. Tại các hội nghị gặp mặt, đại diện lãnh đạo chính quyền các địa phương thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, dự kiến công tác phối hợp trong thời gian tới cũng như thống nhất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp. Qua các hoạt động tuyên truyền, hội nghị đã từng bước nâng cao nhận thức của người dân về công tác đối ngoại, góp phần giữ gìn mối quan hệ truyền thống tốt đẹp; đảm bảo an ninh chính trị, trật tư, an toàn xã hội khu vực biên giới”, ông Lê Hữu Phúc cho biết.

Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh giám sát hoạt động cơ sở tín ngưỡng tại đình Hiệp Ninh.

Qua từng giai đoạn, vị thế, vai trò của MTTQ Việt Nam tỉnh ngày càng được khẳng định và nâng cao, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước, góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền xây dựng tỉnh Tây Ninh phát triển nhanh và bền vững vào năm 2030 theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra. 

Ngọc Diêu

Tin cùng chuyên mục