Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Vẻ đẹp vốn có của ruộng bậc thang cùng với danh tiếng Danh thắng quốc gia được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận năm 2007 đã đưa ruộng bậc thang Mù Cang Chải có một vị thế, sức hút lớn so với ruộng bậc thang ở nhiều địa phương khác. Đó là một trong những cánh cửa mở đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Những năm gần đây, những tiềm năng du lịch của huyện Mù Cang Chải bắt đầu được khai thác thành những sản phẩm du lịch. Điều đó, khẳng định bước đi đúng đắn, nỗ lực của huyện trong việc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Đến nay, Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã được nhiều người biết đến. Ruộng bậc thang mùa lúa chín và mùa nước đổ, nhất là mùa lúa chín là những thời điểm thu hút đông đảo du khách tìm đến để chiêm ngưỡng, khám phá, thưởng ngoạn.
Chính vẻ đẹp vốn có của ruộng bậc thang cùng với danh tiếng Danh thắng quốc gia được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận năm 2007 đã đưa ruộng bậc thang Mù Cang Chải có một vị thế, sức hút lớn so với ruộng bậc thang ở nhiều địa phương khác.
Du khách nước ngoài tìm hiểu, khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải.
Trong du lịch chinh phục, khám phá, điểm bay dù lượn đèo Khau Phạ được huyện đưa vào khai thác 5 năm nay, trở thành một điểm bay ấn tượng, ưa thích của nhiều phi công. Festival dù lượn "Bay trên mùa vàng” những năm qua đã thu hút nhiều lượt phi công và du khách đến trải nghiệm. Năm 2017, huyện còn tổ chức Festival "Bay trên mùa nước đổ” thu hút trên 100 phi công trong nước và quốc tế tham gia. Đặc biệt, du lịch cộng đồng được huyện chú trọng phát triển. Năm 2013, trên địa bàn huyện mới chỉ có 2 hộ gia đình làm du lịch cộng đồng tại tổ 9 - 10 thị trấn Mù Cang Chải thì đến nay đã có 37 hộ trên toàn huyện, trong đó có 20 hộ ở thị trấn. Số lượng du khách tham quan, trải nghiệm du lịch cộng đồng ở Mù Cang Chải ngày một tăng. Năm 2010, ước đạt 3.500 lượt người, năm 2013 ước đạt 8.000 lượt người, năm 2015 ước đạt 15.000 lượt người, 2016 khoảng 110.000 lượt người và đến 2017 ước đạt 60.000 lượt người…
Để khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển du lịch, những năm qua, huyện đã chủ động xây dựng các đề án về phát triển du lịch và triển khai thực hiện; tập trung quy hoạch và tranh thủ các nguồn lực đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, tăng cường quản lý Nhà nước về du lịch; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch; bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phục vụ du lịch…
Trong đó, xây dựng, quy hoạch về phát triển du lịch, năm 2014, huyện đã xây dựng 1 nhà lắp ghép 5 gian tại xã La Pán Tẩn tổng kinh phí 500 triệu đồng và tuyên truyền, vận động nhân dân bày bán các sản vật sẵn có của địa phương. Năm 2015, huyện tiếp tục xây dựng các điểm dừng chân, điểm dù lượn khu vực đỉnh đèo xã Cao Phạ với tổng kinh phí trên 2,4 tỷ đồng. Năm 2016, xây dựng xong Đề án điều chỉnh quy hoạch thị trấn, quy hoạch bản Thái Kim Nọi, làm đường vành đai tránh xâm lấn ruộng tại khu vực tổ 9-10 thị trấn.
Huyện cũng đang tiến hành khảo sát, xác định các điểm du lịch cộng đồng có tiềm năng của huyện, xác định các thế mạnh đặc trưng của từng bản du lịch cộng đồng; khảo sát xác định những sản phẩm du lịch đặc thù nổi trội của từng xã nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển thu hút khách du lịch tham quan, trải nghiệm; khảo sát các mặt hàng, sản phẩm đặc trưng có khả năng thu hút khách du lịch…
Huyện chủ trương mời gọi các doanh nghiệp vào đầu tư, xây dựng các dịch vụ du lịch, như: Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội với dự án không gian văn hóa - bản sắc đồi thông tổ 8, trung tâm thị trấn Mù Cang Chải; Công ty Phát triển du lịch xanh Thịnh Đạt với 2 dự án: xây dựng khu nghỉ dưỡng resort Mù Cang Chải tại xã Chế Cu Nha và hang động Pú Cang, xã Nậm Khắt; Công ty cổ phần Đầu tư thương mại MCC với dự án tổ hợp kinh tế miền núi tỉnh Yên Bái tại huyện Mù Cang Chải (địa điểm tại xã Nậm Khắt).
Trong xây dựng, hình thành các sản phẩm du lịch, ngoài ruộng bậc thang, Festival dù lượn, du lịch cộng đồng đã và đang được khai thác tốt, Mù Cang Chải còn tập trung khai thác quần thể di tích lịch sử đèo Khau Phạ; khôi phục và tái hiện lễ hội truyền thống của người dân tộc thiểu số như lễ hội múa khèn Mông, đám cưới Mông để phục vụ du lịch và nghiên cứu để kết hợp các lễ hội này với sản phẩm du lịch cộng đồng nhằm khai thác đạt hiệu quả cao.
Hiện, sơn tra Mù Cang Chải đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Huyện đang tiếp tục xây dựng thương hiệu mật ong và cơ sở thêu dệt thổ cẩm tại xã Chế Cu Nha.
Du lịch theo mùa cũng đang từng bước hình thành trên địa bàn với 3 mùa trong năm: mùa hoa cải tháng 3, mùa nước đổ tháng 4 - 5 và mùa lúa chín tháng 9 - 10… Các sự kiện văn hóa, du lịch được huyện tích cực triển khai tạo điểm nhấn thu hút du khách, nhất là tuần văn hóa, du lịch, khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang.
Những điều này đã cho thấy nỗ lực của huyện để xây dựng Mù Cang Chải thành điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn và đa dạng của du khách, thể hiện một quyết tâm đưa du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn của Mù Cang Chải.
Nguồn Báo Yên Bái