Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Mua bán tiền giả - Tiền mất tật mang
Thứ sáu: 18:35 ngày 19/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thời gian gần đây, trên mạng xã hội như facebook, zalo rộ lên nhiều thông tin quảng cáo, rao bán tiền giả với nhiều mệnh giá khác nhau và hình thức rao bán công khai, đa dạng. Nếu tình trạng này không sớm ngăn chặn, xử lý nghiêm thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

Công khai rao bán tiền giả trên mạng.

Rao bán công khai

Theo một tài khoản facebook có tên “Tuyet Xu” công khai rao bán tiền giả, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Chủ tài khoản này đăng bài quảng cáo với nội dung “Anh em nào đang thiếu nợ cần tiền trả thì nhắn tin vào zalo thông qua số điện thoại 0936...071, cam kết tiền giả giống thật 98%, tỷ lệ đổi 1:12, với đủ mệnh giá và không cần đặt cọc mà nhận hàng rồi thanh toán...”.,

Để tìm hiểu sự việc, chúng tôi gọi vào số điện thoại 0936...071 thì được một giọng nam từ đầu máy bên kia cho biết tiền giả có nguồn gốc từ Trung Quốc, giống thật 98%. Khi chúng tôi muốn gặp trực tiếp để giao dịch thì đối tượng này không đồng ý và yêu cầu chuyển tiền thật qua tài khoản ngân hàng hoặc thẻ cào điện thoại, sau đó hàng sẽ được chuyển tận tay người mua.

Tương tự, trên trang facebook “Tiền giả không cọc uy tín 100%” đăng tải thông tin cho biết tiền giả này là hàng Trung Quốc, chất lượng tiền giả nhìn rất đẹp. Khách hàng có nhu cầu thì liên hệ thông qua zalo. Sau khi giao dịch thành công, người bán sẽ gửi bưu điện hoặc xe khách nếu người mua ở xa.

Không chỉ mua bán tiền giả công khai, không ít đối tượng còn dùng tiền giả để thực hiện giao dịch mua hàng giá trị nhỏ để đổi lấy tiền thật, thậm chí còn kẹp lẫn tiền giả với tiền thật rồi mua hàng có giá trị lớn. Các đối tượng thường nhắm vào những người bán hàng đang bận rộn, mất cảnh giác, người già, các điểm bán tạp hóa, hàng rong nhỏ lẻ ven đường... để thực hiện hành vi lừa đảo. 

Theo anh N.Q.H (ngụ xã Thái Bình, huyện Châu Thành) cho biết, cách đây vài tháng, có một thanh niên đi xe mô tô đến tiệm tạp hóa của nhà anh dùng tiền giả mệnh giá 500.000 đồng, mua 1 card điện thoại, loại 100.000 đồng, mục đích để anh thối lại 400.000 đồng.

Tuy nhiên, khi bị anh H phát hiện tờ tiền 500.000 đồng là giả và yêu cầu đổi lại tờ khác thì thanh niên này lập tức cầm tiền rồi lên xe bỏ đi. “Hiện nay, việc lừa đảo tiêu thụ tiền giả được các đối tượng sử dụng nhiều chiêu trò rất tinh vi. Mọi người cần nâng cao tinh thần cảnh giác để tránh bị “dính bẫy” dẫn đến “tiền mất tật mang””, anh H nói.

Trước đó, TAND Châu Thành tuyên phạt 3 năm tù giam đối với bị cáo Lê Thị Hồng Nhi (sinh năm 2000, ngụ xã Hảo Đước) về tội tàng trữ tiền giả. Theo cáo trạng, vào cuối tháng 3.2020, thấy tài khoản “Song Long Tài Chính” của Nguyễn Văn Tác (ngụ huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định) quảng cáo, rao bán tiền Việt Nam giả nên Nhi đặt mua 6 triệu đồng tiền giả với giá 1 triệu đồng tiền thật. Đến ngày 26.3.2020, Nhi nhận được bưu kiện do Tác gửi, đồng thời hướng dẫn Nhi cách mở bưu kiện đã được nguỵ trang nhằm che giấu hành vi phạm tội.

Nhi mở bưu kiện lấy được 12 tờ tiền Việt Nam, mệnh giá 500.000 đồng, tương ứng 6 triệu đồng với mục đích là mua tiền giả để tiêu xài, nhưng do thấy tiền có màu đậm, hình ảnh không rõ nét, tờ tiền cứng và dày hơn so với tiền thật nên không đưa vào lưu thông mà cất giấu trong nhà.

Trong quá trình nhận uỷ thác điều tra vụ án Nguyễn Văn Tác về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, Cơ quan an ninh điều tra Công an Tây Ninh mời Nhi làm việc thì Nhi tự nguyện giao nộp 12 tờ tiền Việt Nam giả nói trên và thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Cẩn thận để không vi phạm pháp luật

Luật sư Phan Văn Vĩnh, Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh cho biết, tiền giả là những loại tiền làm giống như tiền Việt Nam nhưng không phải do Ngân hàng Nhà nước phát hành. Theo quy định, người mua và bán tiền giả đều bị xử lý hình sự không phụ thuộc vào số lượng nhiều hay ít.

“Sở dĩ vấn nạn mua bán tiền giả bùng phát như hiện nay là do sự hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế, trong khi đó lợi ích từ việc mua bán tiền giả  rất lớn nên họ đã bất chấp để phạm pháp. Hơn nữa, việc lập tài khoản trên mạng xã hội hiện nay khá dễ dàng. Các đối tượng thường dùng tên giả, thanh toán tiền bằng cách gửi mã thẻ cào, chuyển khoản... nên dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng để hoạt động”, luật sư Phan Văn Vĩnh cho hay. 

Theo luật sư Phan Văn Vĩnh, việc mua, bán tiền giả là hai trong số những hành vi vi phạm pháp luật được quy định tại mục 2, Chương XVIII, Bộ luật hình sự năm 2015, (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể, theo Điều 207, Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổi sung 2017), phạt tù từ 3 - 7 năm với người làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả (với bất kỳ mệnh giá nào).

Phạt tù từ 5 - 12 năm với người phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5 triệu đến dưới 50 triệu đồng. Phạt tù từ 10 - 20 năm hoặc tù chung thân với người phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên. 

Cũng theo khoản 4 Điều này, người chuẩn bị phạm tội (như trong trường hợp của Lê Thị Hồng Nhi) thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 3 năm. Bên cạnh hình phạt tù, người phạm tội còn có bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

“Người dân không nên tin vào lời quảng cáo của bọn tội phạm này. Bởi vì, nếu tinh mắt bất cứ ai cũng có thể phát hiện đó là tiền giả, mặt khác hiện nay đã có nhiều máy soi có thể giúp phát hiện tiền giả, kể cả ngoại tệ. Vì vậy khả năng bị phát hiện, bắt giữ và bị pháp luật trừng trị là rất lớn.

Chưa kể, có trường hợp chúng không gửi tiền (làm giả) cho người mua, mà chỉ là mớ giấy lộn. Vì chúng biết rằng, người mua sẽ không thể vạch mặt hay tố cáo chúng. Cho nên mong rằng người dân hãy sáng suốt, đừng vì chút lợi lộc mà chuốc họa vào thân”, luật sư Phan Văn Vĩnh chia sẻ thêm.

THIÊN DI

Tin cùng chuyên mục