Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đôn Thuận, Trảng Bàng:
Mua đất, không trông coi quản lý, lâu ngày…bị bao chiếm?
Chủ nhật: 23:05 ngày 02/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Tôi có nhiều lần liên hệ nhưng chính quyền địa phương cho biết đăng ký không được, cũng không nêu rõ lý do. Tôi cứ ngỡ là đất đã vô quy hoạch nên cứ để vậy sử dụng. Mãi đến thời gian sau này, cán bộ địa chính xã mới cho hay là đất đã được cấp giấy chứng nhận QSD cho người khác”.

Ông Minh cho rằng đất của ông đang bị bao chiếm khoảng một nửa diện tích so với “sổ đỏ” được cấp.

Theo đơn trình bày của ông Phạm Văn Minh (ngụ ấp Cầu Xe, xã Hưng Thuận, Trảng Bàng), năm 2008, ông Lê Hữu Phước và vợ là bà Nguyễn Thị Diệu Thanh (ngụ thị trấn Trảng Bàng) mua trúng đấu giá phần đất 13.769m2 của một ngân hàng. Đất thuộc thửa 121, tờ bản đồ số 16, đất có 300m2 thổ cư, còn lại là đất trồng cây lâu năm, vị trí đất tại ấp Bà Nhã, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng. Tháng 9.2009, vợ chồng ông Phước đã sang nhượng lại toàn bộ phần đất trên cho ông Minh.

Trong quá trình thực hiện thủ tục sang nhượng đất, ông Minh đã cẩn thận yêu cầu ông Phước liên hệ chính quyền địa phương xin xác nhận về tình trạng sử dụng đất để tránh gây tranh chấp về sau. Sau đó, ông Phước có đưa cho ông Minh một tờ “đơn xin xác nhận tình trạng đất” đề ngày 13.10.2009, trong đó, Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Thuận đã xác nhận: “Toàn bộ diện tích đất 13.769m2 là tài sản do vợ chồng ông Phước làm chủ sở hữu, đất không bị tranh chấp, khiếu nại, không bị quy hoạch giải toả”. Ông Minh an tâm thực hiện nghĩa vụ tài chính và các thủ tục có liên quan. Ngày 5.3.2010, UBND huyện Trảng Bàng cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Phạm Văn Minh và vợ là bà Nguyễn Thị Thuý.

Ông Minh kể, do bận bịu làm ăn xa ngoài tỉnh, ông ít khi vào thăm đất. Mặt khác, hiện trạng đất của ông lại là cây cỏ mọc hoang rậm rạp, đá đỏ tổ ong lởm chởm, mặt bằng nghiêng về hướng triền suối, vì thế ông đã có phần chủ quan tin rằng sẽ không bị ai lấn chiếm. Không ngờ, cách nay khoảng 1 năm, ông đem máy móc đến phát quang thì vấp phải sự phản ứng của 3 hộ dân: Phạm Thị Cảm, Thái Ngọc Vân và Nguyễn Văn Trên. Tổng diện tích đất bị “bao chiếm” gần 7.000m2.

Trong biên bản hoà giải ngày 1.8.2018 tại UBND xã Đôn Thuận, ông Nguyễn Văn Trên trình bày, khoảng 7.000m2 đất đang tranh chấp là do ông mua của ông Đặng Minh Lợi vào năm 1998 (hợp đồng viết tay). Cũng vào năm 1998, ông Trên bán lại cho bà Thái Ngọc Vân diện tích đất 13m x 80m, bán cho bà Phạm Thị Cảm diện tích đất 19m x 80m.

Hai hộ dân này đã cất nhà ở ổn định từ đó cho đến nay. Phần đất còn lại khoảng 40m x 80m do ông Trên sử dụng. Thời gian gần đây, ông Trên có cho một doanh nghiệp khai thác khoáng sản thuê đất để đào mương thoát nước. Cũng trong biên bản hoà giải, bà Cảm và bà Vân thống nhất ý kiến với ông Trên.

Về phần mình, ông Phạm Văn Minh trình bày, tại thời điểm mua đất, ông Phước có dẫn ông Minh đi xem tứ cận giáp ranh đất, đúng như trong “sổ đỏ” được cấp sau đó. Lúc ấy, trên đất có một căn nhà tường xây chưa tô, trong nhà có người đang ở (sau này ông Minh mới biết là vợ chồng bà Vân). Về việc này, ông Phước khẳng định bán đất giao luôn nhà, những người sống trong nhà chỉ là ở đậu.

Mặc dù ông Phước nói vậy, nhưng ông Minh vẫn thận trọng yêu cầu ông Phước bổ sung đơn xin xác nhận tình trạng sử dụng đất từ phía chính quyền địa phương như đã nêu trên. Do vậy, ông Minh vẫn kiên quyết đề nghị 3 hộ dân phải trả lại đất cho chính chủ. Biên bản hoà giải không thành.

Ông Minh bức xúc: “Tôi đã bỏ ra gần nửa tỷ đồng để mua đất, bây giờ đột nhiên bị chiếm mất khoảng phân nửa diện tích. Việc ông Trên cho rằng bà Cảm đã cất nhà trên đất từ năm 1998 là không đúng. Lúc tôi mua, trên đất chỉ có duy nhất căn nhà của vợ chồng bà Vân. Tôi khẳng định, căn nhà tường hiện trạng của bà Cảm mới được xây cánh nay khoảng 1 năm. Đất do tôi đang đứng tên quyền sử dụng hợp pháp, hơn nữa đã có phát sinh tranh chấp nhưng tại sao bà Cảm vẫn cất được nhà? Còn ông Trên vẫn cố tình cho doanh nghiệp thuê để đào mương thoát nước gây thay đổi hiện trạng nghiêm trọng”.

Ông Nguyễn Văn Trên cho hay, đúng là căn nhà của vợ chồng bà Cảm mới được xây (gần nhà bà Vân) cách nay khoảng 1 năm. Nhưng thực ra trước đó bà Cảm đã cất một căn nhà nhỏ dưới triền suối. Qua thời gian, căn nhà nhỏ xuống cấp nên bà Cảm mới di dời lên tại vị trí như hiện nay. Có thể, lúc mua đất, do cây cối mọc hoang rậm rạp, ông Minh không phát hiện ra căn nhà của bà Cảm dưới bìa suối. Riêng việc cho doanh nghiệp thuê đất đào mương, ông Trên giải thích: “Tôi mua đất có giấy tờ hẳn hoi, mặc dù là giấy viết tay nhưng cả xóm ai cũng biết từ năm 1998 đến nay đất này do tôi quản lý, sử dụng, nên tôi có quyền cho thuê hay sang nhượng”.

Đề cập đến căn nhà nhỏ của bà Cảm dưới triền suối, ông Minh phản bác: “Căn nhà chứ đâu phải cái lều đâu mà trong khi ông Phước dẫn tôi đi xem tứ cận giáp ranh đất lại không phát hiện ra? Căn nhà nhỏ như ông Trên nói hoàn toàn không tồn tại”. Về phía ông Trên, vợ chồng ông có đưa ra một “giấy sang nhượng đất” viết tay đề ngày 12.10.1998. Trên giấy thể hiện, ông Đặng Minh Lợi có sang nhượng một phần đất diện tích khoảng 7.000m2 cho ông Nguyễn Văn Trên với giá 4 triệu đồng. Nguồn gốc đất do cha của ông Lợi tặng cho. Mặt sau của tờ giấy còn có nhiều nhân chứng ký tên.

Tại sao trong suốt một khoảng thời gian dài ông Trên không liên hệ cơ quan chức năng để đăng ký QSDĐ? Về vấn đề này, ông Trên cho biết: “Tôi có nhiều lần liên hệ nhưng chính quyền địa phương cho biết đăng ký không được, cũng không nêu rõ lý do. Tôi cứ ngỡ là đất đã vô quy hoạch nên cứ để vậy sử dụng. Mãi đến thời gian sau này, cán bộ địa chính xã mới cho hay là đất đã được cấp giấy chứng nhận QSD cho người khác”. Trong biên bản hoà giải ngày 1.8.2018, bà Vân và bà Cảm cũng trình bày lý do không làm được “sổ đỏ” tương tự như ông Trên.

Điều thắc mắc là, tại sao cả 3 hộ dân trên đều cho rằng mình sở hữu một phần thửa đất 121 từ năm 1998 nhưng không làm được “sổ đỏ”, trong khi có người làm được vào khoảng thời điểm năm 2005? Sau đó “sổ đỏ” này liên tục được sử dụng qua nhiều lần giao dịch, kể cả ngân hàng cũng thừa nhận về tính hợp pháp của tài sản thế chấp (tức toàn bộ diện tích đất 13.769m2 - PV). Khi mua đất, ông Minh đã phải trả tiền cho ngân hàng thay cho vợ chồng ông Phước để lấy “sổ đỏ” ra, làm thủ tục sang tên.

Ngày 29.5, ông Trần Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Thuận cho biết, vụ việc có tính chất phức tạp, chính quyền địa phương cũng đã tổ chức hoà giải nhưng không thành. UBND xã đã hướng dẫn các đương sự liên hệ cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Được biết, ông Phạm Văn Minh đã nộp đơn khởi kiện tại TAND huyện Trảng Bàng.

MINH QUỐC

Tin cùng chuyên mục