Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cứ mỗi độ đông về, tôi lại nhớ da diết cái thuở ấu thơ. Thuở mà anh chị em chúng tôi còn là đám con nít, cùng với lũ trẻ trong xóm vô tư chơi đùa. Mỗi mùa đông về, dưới tiết trời se se lạnh, bọn trẻ chúng tôi bày ra đủ trò vận động để chơi. Nào là trốn tìm, bắn súng, nhà chòi ụ rơm, bắt sáo quan, sáo vòng, đá banh, tập võ, múa lân…
Dưới ánh trăng vằng vặc, nơi làng quê yên bình, tiếng cười của bọn trẻ chúng tôi lại rộn vang cả xóm. Khi những đám lúa chín vàng dưới ruộng gặt xong, những cọng rơm cao đến vai tôi được chủ ruộng bó lại từng bó dựng thành từng khóm.
Chiều, anh tôi và mấy đứa nữa ở trong xóm, đứa ôm, đứa kéo rơm về rồi làm nhà chòi rơm. Mùi rơm mới còn thơm lừng mùi lúa chín, lôi cuốn lũ trẻ chúng tôi mỗi tối về. Tôi cũng ra chòi rơm theo chúng bạn, cùng chiêm ngưỡng “thành quả lao động” của anh và các bạn trong xóm lúc chiều.
Chòi rơm lụp xụp, mái không bằng mà bo tròn như túp lều trại. Muốn vào trong phải ngồi xuống chui vào. Ðộ rộng vừa đủ để năm ba đứa ngồi chung. Ban đầu nghe xót xót tay chân, một lúc sau mới hết. Lúc ở ngoài, gọi nhau í ới, nói cười to đến cả làng cũng nghe thấy nhưng vào chòi thì chẳng ai bảo ai cứ thì thầm nho nhỏ, có lẽ vì ngồi sát bên nhau mà. Không còn nhớ chúng tôi đã nói với nhau những chuyện gì.
Hơi ấm của rơm, của người, và tiếng cười thút thít còn theo mãi đến bây giờ. Hồi đó, rừng còn nhiều, rắn rết cũng nhiều sao chúng tôi không biết sợ nhỉ? Ba mẹ tôi thường nhắc ghế ra ngồi giữa sân, nhìn con trẻ chơi đùa cũng cười vui. Trên gương mặt hiền lành, da sạm màu in hằn dấu vất vả lo toan dường như vơi đi đôi chút những nhọc nhằn.
Ðược ba mẹ cổ vũ chúng tôi càng chơi càng hăng, vui lắm. À, mà hồi đó sao ai cũng khoẻ đến thế nhỉ? Già trẻ không ai sợ sương gió gì cả. Ðám trẻ chúng tôi cũng được ba mẹ cho tha hồ chơi đùa ngoài trời đêm cũng có bệnh hoạn gì đâu. Trẻ con bây giờ lại khác nhiều nhé.
Nghĩ cũng lạ. Chơi trò này, trò kia riết rồi cũng chán, lại túm tụm ngồi quây quần bên ba mẹ đòi kể chuyện đời xưa, chuyện thuở nhỏ của ba mẹ và cái thuở mà ba mẹ mới quen nhau á. Tôi thích nhất nghe chuyện hồi ba mẹ còn ở miền Tây, nơi có sông rạch chằng chịt, phù sa màu mỡ.
Ba mẹ kể: Vào mùa nước lũ, nước lênh láng tràn đồng, cá linh kéo lên thúng thúng, nhiều vô kể, ăn không hết, đem làm mắm- đặc sản miền Tây đấy. Con sông Cái nước lớn, nước ròng lúc nào cũng trong xanh mát lạnh. Ở trước nhà nội có con sông nhỏ, những đêm trăng sáng, ba mẹ và các cô chú rủ nhau xuống ghe đậu ở chiếc cầu nhỏ bắc doi ra mé sông để lấy nước.
Nhóm thanh niên ba mẹ ngồi xước mía ăn. Mía nước miền Tây mềm, ngọt lịm, cắn một cái, xước vỏ chạy từ ngọn đến cả gốc. Thả chân xuống dòng nước mát, trò chuyện với nhau đến tận khuya. Giờ nhắc lại thấy nhớ đến nao lòng.
Tôi là vậy nhưng anh chị tôi lại thích nghe ba mẹ kể chuyện tiếu lâm. Chuyện tiếu lâm người xưa kể thì nhiều lắm. Ba mẹ tôi không có khiếu kể chuyện tiếu lâm như ông Sáu ở cạnh nhà tôi. Thật tiếc là ông không được làm diễn viên hề hay người kể chuyện trên radio.
Thỉnh thoảng, đêm đến, ông Sáu tới nhà tôi chơi, vì nhà tôi có khoảng sân rộng, nhà có đèn bình sáng ra đến sân. Nhà tôi luôn hiếu khách, không trà thì cũng củ mì, khoai lang, cây trái quanh vườn. Nhà tôi không có ruộng đất nhiều như bà con hàng xóm, chỉ mỗi đôi công đất ba mẹ tôi dành để trồng cây trái, rau củ để ăn, nhà ở quê mà. Hôm nào được nghe ông Sáu kể chuyện tiếu lâm là hôm ấy chúng tôi ôm bụng mà lăn bò ra cười.
Ðó là cái tài làm cho trẻ con yêu mến của ông Sáu. Ðến nhà tôi chơi thường còn có chú Tư, chú không có con, cứ xin ba mẹ tôi cho tôi về nhà chú nuôi làm con. Nói thì nói vậy chứ chú biết dù có quý chú đến đâu thì ba mẹ tôi cũng không thể cho con! Thế nên, sau việc đồng áng, dù ngày hay đêm, hễ rảnh ra là chú lại đến nhà tôi chơi. Anh chị em tôi rất quý chú.
Chuyện chú kể mấy anh chị tôi và thằng Út con ông Sáu thích nhất, còn tôi thì sợ lắm. Ðó là chuyện ma. Nghe xong chúng nó cứ bám theo chú đợi chú về thì đi theo. Có đứa mắc vệ sinh… cũng không dám đi, bẽn lẽn làm cho chú Tư và ba mẹ tôi được dịp cười hả hê.
Anh em tôi và chúng bạn ở xóm nghèo theo thời gian lớn lên. Giờ mỗi người tha phương mỗi nơi. Anh chị tôi và mấy đứa em lập gia đình, xa ba mẹ, xa xóm nghèo, còn mỗi tôi và thằng Út con ông Sáu. Vì nó là út mà, có gia đình rồi ở với ông bà Sáu chứ đi đâu.
Còn tôi học đến cấp ba gia đình có biến cố, tôi nghỉ học. Ngày tôi nghỉ học mẹ tôi buồn và khóc. Long đong làm việc này việc kia mãi thời gian, nhìn bạn bè đi học mà tôi thèm thuồng, lại xin ba mẹ đi học tiếp. Tôi học lại. Chắc vì lớn tuổi nên tôi học đàng hoàng. Rồi đến một ngày, tôi trở thành cô giáo trở về dạy học cho các em nhỏ quê tôi.
Ký ức tuổi thơ đẹp đẽ đã trở thành kỷ niệm xa lắm rồi nhưng thỉnh thoảng lại quay về cứ như vừa mới đây thôi.
Xóm nhỏ quê tôi đã đổi thay. Bọn trẻ trong xóm bây giờ suốt ngày cắm cúi học hành. Có đứa may mắn được ba mẹ quan tâm phát triển thể chất, tinh thần bằng cách đăng ký cho học võ, học nhảy múa hiện đại tận thành phố, cách nhà mấy cây số.
Phần lớn đám trẻ nhỏ còn lại rảnh thời gian ra được một tí là tập trung vào màn hình tivi, không thì ôm cái điện thoại của ba mẹ với những trò chơi đầy màu sắc. Mùa đông những năm gần đây tiết trời không còn lạnh, lắm lúc cảm giác về mùa đông cũng không còn.
Nhìn thấy đám trẻ nhỏ trong xóm, lại nhớ kỷ niệm tuổi thơ của mình xưa kia. Tuổi thơ của tôi, của các bạn trang lứa ngày ấy dạt dào cảm xúc, niềm vui. Bạn bè quanh xóm gần gũi, yêu thương. Hạnh phúc đơn sơ dễ tìm và đong đầy ấm áp làm tôi nhớ mãi mỗi khi mùa đông về.
Phạm Thuỷ Tiên