Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Mùa hè – “nỗi sợ” của phụ huynh
Thứ năm: 15:48 ngày 30/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trái với tâm lý vui mừng của trẻ khi được nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm học dài vất vả, các bậc phụ huynh lại lo lắng với việc trông nom, quản lý con trong dịp hè. Nhất là với các phụ huynh có con ở độ tuổi mầm non và tiểu học, độ tuổi cần được quan tâm, chăm sóc sát sao của người lớn.

Nghỉ hè- trẻ ở nhà một mình

Nhiều phụ huynh cho biết, trước kỳ nghỉ hè, ba mẹ đã loay hoay tìm chỗ gửi con trong dịp hè, không nhà nội thì cũng nhà ngoại, không học thêm thì cũng học năng khiếu, kỹ năng. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng có đủ điều kiện tài chính hoặc thời gian để gửi con, đưa đón con đi học mỗi ngày nên đành liều để trẻ ở nhà để trẻ tự chơi, sinh hoạt.

Lớp tập huấn “Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em” do Trung tâm HTSH TTN Tây Ninh phối hợp tổ chức trong tháng 4 vừa qua.

Chị Lê Thị Tú Trinh (ngụ phường Ninh Sơn) cho biết: “Mỗi dịp hè đến tôi đều rất lo sợ vì nghĩ đến việc phải để con ở nhà một mình cả ngày. Tuy nhiên, do công việc nên hai vợ chồng đành phải làm vậy. Tôi gọi việc này là sự liều lĩnh của các bậc làm cha mẹ”. Chị Trinh có 2 con gái, con thứ nhất năm nay 11 tuổi, con thứ hai gần 3 tuổi đang được gửi tại một nhà trẻ tư nhân. Cũng như các mùa hè trước, mùa hè năm nay con gái lớn của chị vẫn phải ở nhà một mình.

Buổi sáng, hai vợ chồng chị đi làm đến trưa mới về nhà lo cơm nước rồi lại tiếp tục đi làm chiều. Con của chị là người hiểu chuyện, lại quen ở nhà một mình nên cũng không có gì quá khó khăn. Nhà ngoại gần kế bên nên thỉnh thoảng bé sang ngoại chơi rồi về nhà đóng cửa ở nhà một mình. Thế nhưng, là một người mẹ, chị luôn lo lắng không yên trong lòng.

Khi để con ở nhà một mình, chị Trinh luôn căn dặn con hằng ngày phải tránh xa các thiết bị điện, ga; không gặp, nói chuyện hoặc để người lạ vào nhà; không sử dụng dao, kéo, đồ sắt bén; khi có việc gì thì sang nhà ngoại nhờ Cậu 5 điện thoại cho mẹ… Vậy mà thỉnh thoảng bé vẫn dùng bếp ga nấu mì ăn. Một điều chị không an tâm nữa chính là việc con xem ti vi quá nhiều trong dịp hè, gần như cả ngày khi ba mẹ đi vắng. Chị cũng đành chấp nhận vì đây là công cụ giải trí thiết yếu cho con khi phải ở nhà một mình.

Một trường hợp khác, chị Nguyễn Thị Hồng Loan (ngụ phường I, TP.Tây Ninh) có hai bé, bé lớn 7 tuổi và bé nhỏ 4 tuổi. Hai vợ chồng chị đều là viên chức nhà nước, chồng đi làm xa còn chị thì luôn bận rộn với công việc. Không những thế, nhà nội, ngoại đều ở xa không thể chăm cháu giúp. Vì vậy, hơn 1 tuần nay, vợ chồng chị đã chọn phương án gửi cháu nhỏ vào nhà trẻ tư thục, còn cháu lớn thì để bé ở nhà tự quản. Để yên tâm hơn, chị lắp đặt camera để dễ quan sát con.

Chị Loan cho biết: “Để đảm bảo an toàn, mỗi sáng tôi luôn kiểm tra, tháo, tắt, cất các thiết bị điện, điện tử có nguy cơ cháy nổ, các dụng cụ bếp nguy hiểm. Sau đó, tôi tranh thủ nấu cơm cho cả ngày. Soạn bài vở cho con tự học và dặn dò con cẩn thận rôi mới đi làm. Buổi trưa, tôi về hâm nóng cơm, cho con ăn, ngủ rồi mới đi làm tiếp. Mặc dù con lớn của tôi khá ngoan nhưng tôi cũng rất lo lắng khi cho cháu ở nhà một mình nên tôi thường xuyên quan sát camera, nhắc nhở khi con chơi điện thoại hoặc xem ti vi quá nhiều”.

Cùng nỗi lo với chị Loan nhưng nhiều vợ chồng không có điều kiện lắp đặt camera thì lại càng vất vả hơn. Nhiều bậc cha mẹ phải luân phiên nhau trông con, đem con theo đến cơ quan để tiện vừa làm việc, vừa trông con.

Một viên chức làm việc tại một cơ quan nhà nước chia sẻ, vợ chồng chị có con năm nay lên lớp 3, mặc dù con chị khá ngoan, cũng rất có ý thức tự giác học, vui chơi nhưng chị không yên tâm để con ở nhà một mình, và phải thường dắt cháu đi làm, cho cháu học bài hoặc chơi điện thoại ở một góc trong phòng làm việc. “Hiểu được nỗi lo của các tôi nên các đồng nghiệp cũng không phản đối chuyện đem con đi làm mà còn trông giúp khi chị có việc bận hoặc đi công tác đột xuất”, chị tâm sự.

Không chỉ ở thành phố, hiện các bậc phụ huynh ở nông thôn cũng lo lắng không kém, bởi sân chơi và các hoạt động hè cho trẻ em vùng này rất ít. Đồng thời, với môi trường sống nhiều suối, hồ vắng vẻ mang nhiều nguy cơ tai nạn khiến nhiều phụ huynh càng thêm lo lắng mỗi khi hè về.

Phụ huynh nào có điều kiện thì chọn cách cho các em học thêm hè, tham gia các lớp năng khiếu, kỹ năng sống để lắp đầy khoảng thời gian trong ngày. Còn nhiều phụ huynh không có điều kiện thì đành nhờ ông bà trông coi, thậm chí theo ba mẹ mưu sinh vào dịp hè.

Như trường hợp của bé Hồ Đình Phong, 6 tuổi. Vào dịp hè, Phong theo bà nội ra chợ phường 1 buôn bán cả ngày vì ba mẹ em phải đi làm. Bà Trần Thị Loan- bà nội của Phong có gian hàng bán trái cây tại chợ. Trong gian hàng có lắp tivi cho cháu xem. Bà Loan còn cho biết, Phong còn có anh trai năm nay học lớp 7, nghỉ hè này được ba mẹ cho về ngoại ở TP. HCM chơi.

Bé Phong chăm chú xem tivi để bà nội buôn bán.

Anh Hoàng Duy Bình (ngụ huyện Tân Châu) có con năm nay lên lớp 6 cho biết, con vừa nghỉ hè vợ chồng anh đã lên kế hoạch cho con tham gia học kỳ quân đội và một số lớp học thêm, năng khiếu để con có thể bổ sung kiến thức và học được những kỹ năng, năng khiếu mà con yêu thích.

Cần nâng cao kỹ năng sống cho trẻ

Giữ con trong dịp hè là nỗi lo muôn thuở của các bậc phụ huynh và nó thật sự nan giải. Một số phụ huynh mong muốn nhà trường mở thêm khóa hè nhưng không thể, vì trẻ cần được nghỉ ngơi sau 1 năm học. Bên cạnh đó, các sân chơi cho trẻ vào dịp hè cũng còn rất hạn chế.

Chương trình “Học kỳ quân đội” với nhiều trải nghiệm kỹ năng sống cho trẻ trong dịp hè được các phụ huynh quan tâm.

Chị Lại Đỗ Vi Phương- Giám đốc Trung tâm Học tập, sinh hoạt Thanh thiếu nhi (HT-SHTTN) cho biết, việc giám sát trẻ vào dịp hè luôn khiến phụ huynh đau đầu. Dù có người lớn giám sát hay không bản thân trẻ phải hình thành kỹ năng để tự bảo vệ mình, hoặc khi ở nhà một mình. Trước khi để trẻ ở nhà, ba mẹ cần có thời gian trò chuyện với con, nâng cao kỹ năng sinh hoạt một mình cho con khi không có người lớn bên cạnh. Qua đó, để con chuẩn bị tốt tâm lý và ghi nhớ các lời dặn dò của ba mẹ.

Đặc biệt, trong dịp hè, phụ huynh đừng để con quá lạm dụng tivi, điện thoại thông minh vì gây hại cho mắt trẻ và sự linh hoạt của não trẻ. Bên cạnh đó, việc xem tivi hoặc ở nhà một mình trong suốt dịp hè có thể khiến trẻ dễ mắc bệnh tự kỷ hoặc trầm cảm. Thay vào đó, ba mẹ nên cho con tham gia một lớp học năng khiếu trong dịp hè để trẻ phát huy năng khiếu và kết bạn.

Thực sự, không ai mong muốn để con ở nhà một mình hoặc thiếu sự giám sát của người lớn, song vì hoàn cảnh, công việc, nhiều phụ huynh phải chấp nhận. Do đó, Các bậc phụ huynh cần rèn luyện cho con các kỹ năng sống từ khi con nhỏ, nhất là kỹ năng tự bảo vệ mình trước các nguy hiểm xung quanh. Tại các điểm dân cư vùng sâu, vùng xa thì việc nâng cao kiến thức, nhận thức phòng, chống tai nạn thương tích, kỹ năng sống, kỹ năng ở nhà một mình cho trẻ là hết sức cần thiết.

Được biết, để nâng cao kiến thức, kỹ năng giúp trẻ ứng xử phù hợp với cộng đồng và xã hội, Tỉnh đoàn đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và xã hội tổ chức các lớp kỹ năng sống – kỹ năng thực hành xã hội cho trẻ em năm 2019. Chương trình các lớp tập huấn được giao cho Trung tâm HT-SHTTN Tây Ninh phối hợp với Phòng Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em thuộc Sở LĐTB&XH tổ chức theo định kỳ mỗi tháng 1 chuyên đề, bắt đầu từ tháng 4 vừa qua.

Vào dịp 1.6 sắp tới, Trung tâm HT-SHTTN sẽ tổ chức Chuyên đề thứ 2 với chủ đề “Ở nhà một mình an toàn”, rất thiết thực và hữu ích với các em khi phải ở nhà một mình trong dịp hè. Một số chuyên đề hữu ích tiếp theo như: Phương pháp sử dụng internet an toàn và hiệu quả; Kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn; Phòng, chống bạo lực học đường; Tác hại của việc sử dụng các chất gây nghiện; Yêu thương gia đình; Xóa bỏ gận hờn, yêu thương bạn bè, thầy cô; Định hướng nghề nghiệp.

Theo chị Lại Đỗ Vi Phương, đây là chương trình hay và tâm huyết của Trung tâm HT-SHTTN Tây Ninh với mong muốn nâng cao kỹ năng cho các em. Các chuyên đề do chuyên gia trong tỉnh và TP.Hồ Chí Minh làm báo cáo viên, hy vọng các phụ huynh quan tâm và đưa trẻ đến tham gia.

Lê Thùy – Ngọc Bích

Tin cùng chuyên mục