Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Mùa măng
Thứ sáu: 10:25 ngày 21/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðã lâu, chợ búa rồi siêu thị ngập tràn đủ loại đồ ăn thức uống nên tôi quên bẵng những mùa măng. Chỉ mới hôm rồi, gặp người bán măng le ở lề đường mới nhớ ra đang giữa mùa măng mình từng thương nhớ.

Thực ra mùa măng đã đến lâu rồi, từ đầu mùa mưa vào khoảng tháng 5 hay tháng 6. Chợ nào chẳng có măng tre, măng bát độ bày từng đống trước sạp hàng. Mấy chị ở chợ phường IV lại thường phô diễn việc chế biến măng ngay trước mắt người đi chợ. Tay thoăn thoắt lột, gọt những mục măng to tướng trắng ngần. Rồi xắt từng lát mỏng ngâm vào chậu nước. 

Măng trắng, nước trong… Nào ai dám nghĩ là măng ngâm tẩm hoá chất nữa đây! Khiến ai không quen ăn măng ắt cũng phải thèm. Mà thèm nhất, có lẽ là măng trong nồi lẩu vịt. Những miếng thịt vịt béo nẫn vàng ươm cứ nổi trôi trong nước lẩu, quấn quýt những sợi măng dài nuột trắng. Ðể những hạt bong bóng mỡ nổi lên óng ánh sắc cầu vồng.

Mà măng ở đâu ra lắm thế! Chợ nào cũng bán nhiều măng, trong cả bốn mùa. Xem tivi tỉnh nhà vài bữa trước, mới biết là nông dân đã có nhiều hộ trồng tre lấy măng để bán quanh năm. Thấy bảo có giống tre bát độ hay mạnh tông gì đó! Người trồng cứ chăm tưới là lại mọc măng bất kể mùa nào.

Giả dụ lúc nào đó có hiếm măng tươi thì đã có ngay măng chua, măng khô thay thế. Việt Nam là đất nước của những: “Tre Ðồng Nai, nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Ðiện Biên Phủ, luỹ tre thân mật làng tôi…” (Cây tre Việt Nam - Thép mới). Nên ai mà không nhớ những mùa măng.

Mùa măng! Thôi thì cứ cho là trùng khít với mùa mưa đi, cũng phải kéo dài tới tháng tư sang năm. Nhưng cũng xin nói luôn rằng, để tới cuối mùa mới đi kiếm măng e là đã muộn. Vì mới tháng 9 thôi mà măng ở các bụi tre bên các suối đầu nguồn đã kịp vút lên thành cây cao ngất ngưởng.

Tôi nhớ vài lần lên Vườn quốc gia Gò Lò - Xa Mát cũng độ này đây. Qua cầu khỉ bắc ngang suối Ðà Ha là thấy ngay những bụi tre ken dày đặc. Và từ giữa những bụi tre gai dày rậm ấy, thế nào cũng thấy những ngọn măng cong vút mới nhô lên, ngất ngưởng lắc lư trong gió.

Những cô bác đã từng gối đất nằm sương trong chiến khu thời kháng chiến bảo:- Măng ấy thì còn ăn gì nữa! Lại nhớ bác tôi từng là bộ đội. Trong mớ kỷ vật “một thời” của bác còn có cây dao găm bằng sắt, nặng và đen đúa. Bác kể là, cây dao ấy chưa đâm được tên địch nào cả. Tác dụng duy nhất của nó là chặt cây để làm cọc phụ mắc võng tránh nước mưa.

Và quan trọng nhất, tác dụng nhất của dao là để đào măng. Nghỉ giữa chặng hành quân, gặp bụi tre nào là cả tiểu đội xúm vào tìm. Thấy mầm măng nào mới nhô lên thì lập tức lòn dao vào, xắn ngay dưới gốc. Tới trạm nghỉ nếu gần sông suối thì ra câu lấy vài con cá nữa. Thế là đã có ngay một nồi canh ngon tuyệt. Mà nếu không có cá thì chỉ cần vài hạt mì chính nữa là xong. Cả tiểu đội xì xụp chan chan, húp húp không còn một cọng.

Ðã lâu, chợ búa rồi siêu thị ngập tràn đủ loại đồ ăn thức uống nên tôi quên bẵng những mùa măng. Chỉ mới hôm rồi, gặp người bán măng le ở lề đường mới nhớ ra đang giữa mùa măng mình từng thương nhớ.

Anh chị bán măng ấy trải bạt ra trên vỉa hè trước Trường mẫu giáo 1.6 đường Cách Mạng Tháng Tám. Họ đổ ra những bao măng mới hái trên rừng. Măng le đấy! Anh hể hả cười, rồi xoè bàn tay thô ráp nâng trên tay những cọng măng đen đúa, thô nhám và nhọn hoắt như những chiếc răng bừa.

Chị thoăn thoắt lột vỏ, để chốc lát chỉ còn trên tay những nõn măng le như những ngón tay thon dài nhuốm màu xanh cốm. Không thể cầm lòng, tôi hỏi giá rồi mua nửa ký. Anh và chị lựa măng rồi lại cắt ra từng khẩu, đoạn nào còn cứng thì bỏ đi để lại cho tôi toàn những miếng ngon. Thấy tôi băn khoăn chưa biết nấu cách gì, anh lại còn hướng dẫn, nào luộc bỏ nước đi, rồi kho mặn và cho thêm vài trái ớt. Tôi còn hỏi, kho với thịt hay cá gì ngon nhất? Anh cười xoà, bảo tụi tôi chỉ quen kho cùng muối, ớt mà thôi!

Vậy mà tội cho anh chị quá, bởi tôi mua xong vừa chạy đến nhà thì trời mưa xối xả đến hết cả buổi chiều. Trong mưa gió ấy, liệu có ai là người dừng lại mua cho họ? Mà măng ấy, họ phải đi đào trên tận một cánh rừng xa xôi. Vậy nên nồi măng kho thịt của tôi, ngon thì thật là ngon nhưng gặp khi mưa gió nổi lên lại ngậm ngùi vị đắng.

NGUYỄN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục