Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Năm Ðinh Dậu nhuận hai tháng sáu nên thời tiết tháng bảy âm lịch cũng khác mọi năm. Những buổi chiều thường hay có mưa to, gió lớn bất thường. Mặc cho mưa xối xả, tôi vẫn chầm chậm chạy xe trên con đường nhựa rộng rãi, phẳng lỳ qua Khu công nghiệp Phước Ðông sầm uất.
Tiếp giáp khu công nghiệp là cánh đồng Trảng Sa, với những đám mía nối tiếp nhau xanh rờn đắm mình trong mưa và lao xao đùa cợt cùng gió. Chiều mưa qua cánh đồng Trảng Sa (thuộc xã Ðôn Thuận, huyện Trảng Bàng) lòng tôi chạnh nhớ mấy mươi năm về trước.
Trước kia, khu công nghiệp chưa hình thành, vùng đất này liền với cánh đồng Trảng Sa. Con đường đi qua khu công nghiệp và cánh đồng Trảng Sa là con đường đất đỏ, vào mùa mưa lầy lội rất khó đi.
Vì sao gọi là Trảng Sa? Có người bảo ở đây là cái trảng lớn, vào mùa mưa người người làm sa bắt cá nên gọi là trảng sa. Dần dần từ “Trảng Sa” thành danh từ riêng. Gần khu vực này còn có một cái trảng khác, cỏ lên rất nhiều và trở thành địa danh Trảng Cỏ (Trảng Sa và Trảng Cỏ được đặt tên cho hai ấp của xã Ðôn Thuận).
Nhưng cũng có người nói: “Gọi là Trảng Sa vì cái trảng này ở xa (cách phát âm người miền Nam “sa” và “xa” như nhau) hơn Trảng Cỏ”.
Cách đây mấy mươi năm, tôi đã từng dầm mưa, đội nắng và phơi gió đi câu trên cánh đồng Trảng Sa này. Trước kia, nông dân chưa đưa cây mía xuống ruộng triền, ruộng trảng mà chỉ có cấy lúa một vụ vào mùa mưa.
Nơi tôi ở cách đồng trảng khoảng mười cây số. Hồi đó, cứ đến chủ nhật là tôi dậy thật sớm nấu cơm ăn sáng và đem theo một suất để dành ăn trưa. Rồi treo đụt, lon mồi (mồi trùn) và ràng hơn một trăm cần câu lên xe đạp, cọc cạch đến cánh đồng Trảng Sa, tìm căn chòi nào đó của nông dân cất giữa ruộng thì “hạ trại”.
Hạ trại xong, trước hết là chạy câu. Chạy câu là đi cặm trước (cặm đứng chớ chưa cắm nha) những cần câu khắp các bờ ruộng để xí luồng (xí chỗ), vì trên cánh đồng cũng có nhiều người đi cắm câu.
Có lần khi vừa hạ trại, tôi lo đi chạy câu, thì thấy từ đằng xa cũng có người chạy câu. Anh ta cũng thấy tôi, nên cả hai tranh thủ cúi đầu mà chạy để xí luồng. Ðến khi gần nhau, cả hai cùng ngẩng lên. Thì ra nó là đứa em con chú tôi, cũng là một công chức, cũng tranh thủ ngày chủ nhật cải thiện thu nhập…
Sau phần chạy câu, tôi quay lại móc mồi cắm câu. Thả mồi cắm câu xong, tôi vào chòi nghỉ chân độ vài giờ ra thăm câu, gỡ cá. Cá trảng là cá một mùa (chỉ có trong mùa mưa, còn mùa nắng toàn cánh đồng khô cạn) nên nhỏ hơn cá sống ở sông rạch.
Thường cá tràu ở trảng to nhất cũng bằng cổ tay người lớn, còn lại hầu hết là bằng ngón tay cái, ngón chân cái. Cá rô lớn lắm cũng bằng ba ngón tay xếp lại. Cá trê thì hầu hết là trê trắng, đầu to mà cái mình ốm nhách dài sọc.
Câu dính cá trê trắng gỡ nó phải thật cẩn thận, không khéo bị nó “chém” (trúng phải cái ngạnh) đau thấu xương. Mỗi lần thăm câu, máng mồi xong, tôi lại vào chòi nghỉ tiếp. Cứ thế đến khi ông mặt trời chuẩn bị đi ngủ, tôi mới cuốn câu về. Hôm nào trúng mánh, tôi câu được vài ba ký cá, cũng có khi chưa đầy một ký.
Gian nan nhất là lúc về mà gặp trời mưa. Ðường đất đỏ trơn trợt, bùn sình, đất quện cứng bánh xe đạp không nổi, phải tìm cây cạy mới lếch bếch đi được.
Có lần vừa ra khỏi cánh đồng, tôi ráng đạp xe trên con đường sình lầy thì “bựt”, dây sên đứt rời. “Trời ơi!”- Tôi chỉ còn nước kêu lên như thế mà thôi! Trời nhá nhem tối, lại mưa rơi tầm tả, đường quê vắng người qua lại.
Trên xe lỉnh kỉnh đồ đạc, tôi chỉ còn có cách đẩy xe lê từng bước về nhà. Về tới nơi gần chín giờ đêm, vợ và hai con tôi vẫn còn chong đèn mở cửa ngồi chờ. Thấy tôi, các con mừng rỡ. Thằng út ngọng nghịu “có cá nhiều không ba.
Có con cá tràu nào lớn ba rộng, mai nướng cho con nghe ba…!”. Con bé lớn khôn hơn, nạt nó: “Mày lúc nào cũng đòi ăn cá nướng. Cá lớn để dành mai mẹ đem bán có tiền mua tập vở, quần áo sắp tới khai giảng năm học mới rồi, không lo!”.
Vợ tôi vội đỡ cái đụt, khi tôi bận dỗ thằng út: “Ừ, để mai ba nướng cá cho con!”. Tôi xoa đầu con gái: “Ba cũng nướng cá cho con ăn nữa. Tiền mua quần áo, sách vở cho năm học mới, ba mẹ chuẩn bị rồi, con yên tâm!”.
Chỉ nói với con bấy nhiêu đó thôi mà bao nhiêu mệt nhọc, lạnh lẽo sau một ngày vất vả trên cánh đồng Trảng Sa câu cá, đẩy chiếc xe đạp hư trong mưa về nhà trong tôi dường như tan biến hết.
Mưa vẫn rơi trên cánh đồng Trảng Sa. Gặp lúc giờ tan ca, công nhân mặc áo mưa chạy xe về chật cả con đường nhựa mới. Cánh đồng mía ở Trảng Sa vẫn múa gươm trong mưa gió. Tôi hoà trong dòng người xe đông đúc ấy, nỗi nhớ về một thời đi câu cá trên cánh đồng hoang vắng ngày nào dường như cũng trôi xa.
T.L