Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tản văn
Mùa thu đi học của tôi
Thứ hai: 05:51 ngày 23/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Má tôi mua cho tôi cái lò xô, chai dầu hôi, chén đũa, tô, nồi… tất cả bỏ vào một cái bao. Tôi vừa mang sách vở quần áo, vừa mang cả cái bao ấy, nhìn không khác gì... hành khất đại hiệp trong phim chưởng.

Từ giã Sài Gòn đi lên vùng kinh tế mới, chuyện đầu tiên của ba má tôi là xin cho tôi đi học mẫu giáo.

Xã tôi ở xưa kia ban đầu có tên là Tha La 1, vì có dòng suối Tha La yêu mến chảy qua, sau đổi tên lại thành Tân Thạnh. Xã có một cái chợ nhỏ, người dân tụ tập mua bán các thứ linh tinh và uống cà phê sáng ở đó, lâu ngày quen gọi là chợ Lô 10.

Phía sau cái chợ ấy chính là trường mẫu giáo của tôi. Nói là trường cho sang vậy thôi, chứ đó chỉ là cái nhà người ta bỏ điểm, chính quyền cho sửa lại, xếp vô mấy bộ bàn ghế bằng ván bìa cho bọn trẻ chúng tôi ngồi học. Trường chia làm hai lớp, có bốn cô giáo thay phiên nhau dạy. Trong tâm trí tôi vẫn còn nhớ rất rõ hình dáng, cử chỉ và lời nói của từng người trong cái thời xa xưa đó.

Trong ba năm học mẫu giáo, tôi may mắn được sự chăm sóc và dạy dỗ của cả bốn cô, đó là cô Mai, cô Tân, cô Tâm và cô Ánh. Thuở ấy, các cô đều trẻ đẹp và rất hiền hậu, chăm sóc các cháu như chăm con cháu ruột của mình vậy.

Tôi còn nhớ, một ngày đầu tháng chín, ba tôi nói: “Ba xin cho con đi học rồi, mai con bắt đầu đi học nha”, lúc đó tôi chưa hình dung được đi học là như thế nào, nên cả đêm cứ hồi hộp và lo lắng lắm. Má tôi hiểu ý nên mới nói: “Con ngủ sớm đi, mai má dẫn con đi học”, tôi cũng yên tâm phần nào. Sáng hôm sau, một buổi sáng trời đầy sương mù và lành lạnh, má tôi mặc cho tôi chiếc áo ấm len và dẫn tôi đi bộ đến trường.

Con đường hôm đó cỏ đuôi chồn hai bên lề bị sương ướt oằn cong nhìn rất đẹp, cộng với hơi gió thu man mát thổi, gây cho tôi một cảm giác bâng khuâng khó tả. Má tôi mua cho tôi một ổ bánh mì ngọt và bảo tôi ăn đi rồi vô học. Tim tôi bắt đầu run, má tôi nói: “Con đừng sợ, má ngồi ngoài này chờ con”. Cô Tân và cô Ánh đón từng đứa chúng tôi và cho xếp thành hai hàng ngay ngắn.

Mang tiếng là xếp hàng, chứ nhiều bạn nhỏ cứ ngoái nhìn lại người thân, rồi khóc la đủ thứ… làm cho hai cô giáo mệt toát mồ hôi. Vào lớp, các cô sắp xếp chỗ ngồi cho mỗi đứa và tôi được làm lớp trưởng, có nhiệm vụ nhắc nhở các bạn không được nói chuyện riêng, sau này có thêm nhiệm vụ hướng dẫn các bạn xếp hàng, hàng nào ngay ngắn thì cho vô lớp trước và bắt nhịp bài hát đầu buổi cho các bạn cùng hát.

Các cô bắt đầu dạy cho chúng tôi “Cháu lên ba” rồi “Đi học về”, rồi còn phân biệt màu sắc, tập vẽ, tô màu… rất thích. Thế là, chúng tôi quen dần, bạn bè bắt đầu chơi thân với nhau. Mỗi buổi ra chơi, cả bọn giành nhau cái gốc cây khô bị ngã trước trường, đứa nào chạy ra trước sẽ chiếm vị trí đầu- làm tài xế lái xe, những đứa chạy ra sau ngồi phía sau làm hành khách, cứ chơi vậy mà không biết chán.

Thoáng cái mà ba năm mẫu giáo trôi qua, chúng tôi giã từ các cô giáo thân yêu để bắt đầu vào tiểu học... Vậy đó mà đã hơn bốn mươi năm lặng lẽ trôi qua. Cô Mai bệnh già, đã mất cách nay cũng chục năm. Cô Tân và cô Ánh nghỉ dạy về lại Sài Gòn sinh sống, tôi chưa lần gặp lại hai cô. Còn cô Tâm vẫn còn ở xóm tôi, cô theo nghề cho đến ngày nghỉ hưu.

Lên tiểu học tôi bắt đầu thích ứng dần với môi trường mới. Trường tiểu học Tân Thạnh của tôi cũng là trường mái tranh vách đất, mùa mưa dột nước chảy re re, thầy trò phải co cụm lại, thật là khổ sở. Tôi vẫn còn nhớ năm lớp một tôi được cô Lựu dạy. Một năm học với cô thật là hạnh phúc. Thuở ấy, nghe nói nhà cô ở Hoà Thành nhưng chúng tôi làm gì biết Hoà Thành ở đâu. Tấm lòng của cô không khác gì tấm lòng người mẹ. Cô dạy cho chúng tôi làm quen với chữ, dạy cách đánh vần, cách viết, rồi đến làm toán cộng trừ…

Nhớ mãi những giờ ra chơi, cô thường cắt móng tay, vá áo, hớt tóc giùm chúng tôi. Cuối năm, cô nói hôm nay lớp mình học bài “Gửi lời chào lớp một” (Hữu Tưởng). Đó là bài học cuối cùng, lớp mình sẽ chia tay, năm sau tụi con lên lớp hai sẽ học thầy cô khác. Nói rồi cô viết tựa bài lên bảng, cô đọc thật diễn cảm bài thơ…

Trời ơi, mỗi lời thơ như xé lòng tôi vậy, tôi nghẹn ngào mà các bạn cũng rưng rưng. Khi cô đọc xong, tự nhiên cả lớp oà lên khóc nức nở, làm cô cũng khóc theo. Đó là lần chia tay mà tôi nhớ nhất cho đến tận khi ngồi viết mấy dòng này.

Cô Lựu dạy có một năm cho lứa học trò chúng tôi, rồi cô chuyển trường, cho đến bây giờ tôi chưa lần gặp lại. Cô ơi, bây giờ cô ở đâu? Lên lớp hai, tôi học với thầy An, lớp ba với thầy Lâm, còn lớp bốn, năm thì với thầy Chiều và cô Ánh.

Cô Ánh của tôi đã nghỉ hưu mấy năm nay, còn thầy Chiều thì đã mất gần ba năm rồi. Ngày thầy mất, chỉ có tôi và Nguyễn Quốc Bảo là hai đứa học trò còn lại ở xứ này đến viếng. Ngày đưa tang, chiếc xe chạy chầm chậm qua ngôi trường tiểu học thầy bao năm giảng dạy, tất cả như vẫy chào lần cuối rồi mãi mãi chia xa…

Năm tôi học lớp bảy, Trường THCS Nguyễn Quốc Trị của tôi bắt đầu giải thể cấp hai, chỉ còn lại cấp tiểu học. Bạn bè chúng tôi phải ra trường cấp hai, ba Thạnh Đông học. Tôi còn nhớ từng gương mặt u buồn của các thầy cô. Vì lúc đó ai muốn dạy tiếp phải xuống dạy tiểu học, ai không dạy được tiểu học phải nghỉ.

Thầy Đức dạy Vật lý nói với chúng tôi mà chảy nước mắt: “Thôi thầy nghỉ, thầy về chạy xe ôm kiếm sống, các em ra ngoài kia ráng học nha”. Đúng là như thế, thầy vất vả với nghề chạy xe ôm hơn hai mươi năm, rồi đùng cái thầy được người em bảo lãnh sang định cư ở Mỹ, không biết xứ người ấm lạnh thế nào, thầy có còn nhớ kỷ niệm ngày xưa hay không?

Ra Thạnh Đông học, mỗi ngày tôi phải đi bộ khoảng hai cây số. Không biết sao mùa mưa năm ấy xã tôi bị ngập nước dài cho đến tận Đồng Pan. Nước ngập chỗ sâu phải đến ngang ngực chứ không phải chuyện đùa, con đường đầy hang ổ rất nguy hiểm. Mới đầu chúng tôi phải cởi áo, quần dài, gói lại với sách vở đội lên đầu, rồi lội nước mà đi. Ra gần trường mới mặc quần áo vào, quần đùi bên trong ướt nhẹp, thấm ra ngoài y như bị tè trong quần vậy. Sau xã mới điều động hai chiếc xuồng ở suối Tha La lên làm đò đưa người qua lại. Chúng tôi là học sinh đi khỏi phải mất tiền. Đó là kỷ niệm vừa vui, cũng vừa ám ảnh nhất của thời đi học tôi từng trải qua.

Vậy đó mà tôi cũng lây lất qua cho đến hết cấp ba, rồi thi đậu vào Trường Sư phạm Tây Ninh. Ngày lên đường đi học mới thật là bi hài. Lúc ấy tôi đã có được chiếc xe đạp do bác tôi cho, để làm chân làm cẳng đi học, thực sự thoát khỏi cảnh phải cuốc bộ mười hai năm qua. Để chuẩn bị cho tôi đi học, cả nhà tôi lo đủ thứ y như tôi sắp sửa ra riêng vậy.

Bà ngoại tôi xếp cái mùng lưới lại cho tôi mang theo, còn bà ngủ bằng mùng vải rách vá. Má tôi mua cho tôi cái lò xô, chai dầu hôi, chén đũa, tô, nồi… tất cả bỏ vào một cái bao. Tôi vừa mang sách vở quần áo, vừa mang cả cái bao ấy, nhìn không khác gì... hành khất đại hiệp trong phim chưởng. Tôi đạp xe hơn bốn mươi cây số đến trường, tìm chỗ ở thật là vất vả, cuối cùng rồi cũng thích nghi cái cảnh xa nhà ở trọ.

Vào học sư phạm rồi tôi mới thấy mình bắt đầu khôn ra và được đi nhiều hơn, chứ không gói trong cái ao làng như năm xưa nữa. Ở đây, tôi được học những môn mà tôi yêu thích và bắt đầu nghĩ đến chuyện tương lai. Và một lần nữa, dưới mái trường này tôi được các ân sư chỉ dạy hết sức tận tình. Cuộc đời của một sinh viên nghèo, mọi chuyện đều khó trăm bề, phải có ý chí để vượt qua.

Cho đến tận hôm nay, cũng đã hai mươi mấy năm xa mái trường sư phạm, nhưng trong đầu tôi vẫn ghi nhớ như in từng lời giảng của thầy Trị, thầy Dung, cô Nhung, cô Diên Hồng và nhiều thầy cô khác nữa. Ngày ấy, tôi không có thú vui gì ngoài việc học, tôi học mà như uống chữ vào lòng vậy. Ôi, mái trường sư phạm yêu quý của tôi, kiếp này tôi hân hạnh được học tại chính nơi này.

Mới ngày nào được má dẫn tay đến trường mẫu giáo, lòng còn đầy sợ sệt và lo âu, mà nay tôi đã ở ngoài cái tuổi “bất hoặc” rồi. Cuộc sống ngày nay đã đổi khác nhưng lòng tôi chưa hề gợn chút đổi thay. Tôi vẫn yêu kính và nhớ thật nhiều về những mái trường xưa, bao thầy cô cũ, nhờ những tấm lòng cao cả ấy mà mới có một tôi của ngày hôm nay.

Ngoại tôi đã về với đất mười chín năm rồi. Ba má tôi cũng đã già yếu. Nhớ lại từng giai đoạn của tuổi thơ, lòng tôi dạt dào cảm xúc. Để một người thành công ăn học, có biết bao người phải chấp nhận hy sinh. Nỗi vất vả ấy, tình thương yêu ấy biết lấy gì đền trả? Thôi thì cứ cố gắng học tiếp trên nền tảng cái đã có và sống cho thật tốt chứ biết làm sao. Mùa thu là mùa của bao lớp người đi học, mùa tựu trường và cũng là mùa của bao nỗi nhớ mênh mang trong trái tim tôi.

HOÀI CHI

Tin cùng chuyên mục