Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Mua thuốc trên mạng - tiền mất, tật mang
Thứ năm: 08:27 ngày 10/12/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Việc mua bán thuốc trên mạng internet không chỉ dừng ở việc giới thiệu, chào bán thực phẩm chức năng mà có cả loại thuốc cần kê đơn của bác sĩ như thuốc đặc trị, kháng sinh, thuốc điều trị ung thư... Việc này vi phạm các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh dược, đã được ngành chức năng khuyến cáo người tiêu dùng không nên mua để tránh tiền mất, tật mang.


Người dân không nên tự ý chọn mua các loại thuốc chữa bệnh trên mạng internet để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Ảnh: Đỗ Tâm

Mua thuốc dễ như mua rau

Chỉ cần đánh từ khóa “mua thuốc online” trên Google hay Facebook sẽ hiện ra hàng loạt các địa chỉ như “Mua thuốc online”; “Quầy thuốc online, uy tín tiện lợi”; “Mua thuốc online chính hãng, hàng nội địa, xách tay”... Trong số này, trang mạng “Mua thuốc online” có địa chỉ tại phố Bùi Xương Trạch (quận Thanh Xuân) đăng tải đủ loại thuốc từ cơ xương khớp, dạ dày, giảm đau đến kháng sinh, kháng vi rút...

Còn tại trang mạng “Chợ thuốc Hapulico”, địa chỉ ở Hà Nội có tới 42 nghìn thành viên, lúc nào cũng sôi động thông tin của cả người mua và người bán. Có rất nhiều mặt hàng thuốc được đăng tải ở trang mạng này, khi kết nối được với nhau, người bán người mua thường dùng cách trao đổi riêng về giá cả, số lượng...

“Chợ mua bán online” cũng là nơi tập hợp nhiều thành viên bán thuốc với những nickname “ảo diệu” rao bán thập cẩm từ thuốc giảm cân, kem trị mụn cóc đến viên uống trắng da... Đặc biệt, những thuốc được quảng cáo là hỗ trợ điều trị ung thư cũng được đăng bán tràn lan trên mạng như Fucoidan Nhật Bản, Ribeto Fukujyusen, Nọc bọ cạp xanh Cuba... được nhiều người quan tâm, đặt mua mà không hỏi về giấy tờ, nguồn gốc, xuất xứ.

Chị Nguyễn Thùy Vân (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết, người bạn của chị vốn ở nhà nội trợ và tranh thủ bán qua mạng các loại thuốc của Nga. Một số lần chị Vân đã mua ủng hộ lọ vitamin nhưng cũng không khỏi băn khoăn việc không biết tiếng Nga, mọi thông tin của thuốc từ thành phần đến liều lượng sử dụng đều nghe theo lời bạn. Gần đây, chị Vân đã không mua thuốc của người bạn này.

Hiện ngành Y tế chưa có thống kê cụ thể về số người sử dụng thuốc mua trên mạng rồi phải nhập viện. Nhưng thực tế đã xảy ra những trường hợp đáng tiếc về việc dùng thuốc không rõ nguồn gốc khi mua qua mạng. Điển hình như vào cuối tháng 9-2020, bệnh nhân N.A.C (ở Bắc Giang) nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương trong tình trạng nguy kịch do tự ý dùng thuốc điều trị viêm gan B mua trên mạng. Tháng 7-2020, Bệnh viện Hữu nghị đã cấp cứu một bệnh nhân hôn mê sâu do uống 4 liều an cung ngưu hoàng hoàn mua trên mạng để phòng ngừa tai biến mạch máu não.

Bác sĩ Mai Văn Sâm, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, cho biết, quá trình khám, chữa bệnh đã chứng kiến rất nhiều người đã bị bệnh rồi vẫn uống thuốc theo phong trào, tự thí nghiệm, tự mách nhau mua thuốc trên mạng mà không tìm đến cơ sở y tế để được tư vấn. Nguyên nhân là do người bệnh có tâm lý "có bệnh vái tứ phương", cho rằng mua thuốc trên mạng rẻ hơn ở hiệu thuốc, kèm theo đó là sự quảng cáo quá mức, cố tình nhập nhèm công dụng của người bán. Rất nhiều lần, bác sĩ Mai Văn Sâm phải giải thích, tư vấn dùng thuốc đúng cách cho người bệnh và khuyến cáo tuyệt đối không dùng thuốc được mua trên mạng.

Phải khám bệnh, kê đơn và mua thuốc theo đơn

Người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc (ảnh chụp ngày 20-11). Ảnh: Ngân Thùy

Theo Trưởng phòng Nghiệp vụ dược (Sở Y tế Hà Nội) Nguyễn Văn Khải, Điểm đ, Khoản 2, Điều 32, Luật Dược năm 2016 quy định, cơ sở bán lẻ thuốc bao gồm nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế xã, cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Đây là loại hình kinh doanh có điều kiện, phải được cơ quan y tế thẩm định, kiểm tra và nhà thuốc phải đạt tiêu chuẩn thực hành tốt (GPP). Hiện nay, Luật Dược năm 2016 và các văn bản dưới luật này chưa có quy định các hình thức bán thuốc qua mạng.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho rằng, theo quy định của pháp luật, khi nhà thuốc mở cửa bán thuốc thì dược sĩ phải có mặt để thực hiện công tác chuyên môn, tư vấn. Việc mua bán thuốc phải được diễn ra tại nhà thuốc. Do đó, việc kinh doanh thuốc qua mạng internet là hành vi vi phạm pháp luật. Để quản lý loại hình kinh doanh này cần có sự phối hợp liên ngành giữa Y tế, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Công an, cơ quan an ninh mạng và UBND các cấp.

Đặc biệt, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người dân phải thay đổi thói quen tùy tiện sử dụng thuốc sang thực hiện khám bệnh, kê đơn và mua, sử dụng thuốc theo đơn chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, khi có nhu cầu mua thuốc theo đơn phải đến trực tiếp tại các nhà thuốc có chứng nhận GPP để mua thuốc nhằm bảo đảm các mặt hàng thuốc đã được kiểm định, có đầy đủ nguồn gốc, được cấp phép lưu hành.

"Việc mua thuốc trên mạng tiềm ẩn nhiều rủi ro, người mua không biết được trình độ người bán, cơ sở bán cũng như điều kiện bảo quản thuốc. Đáng nói, việc mua các loại thuốc bán qua mạng dễ đối mặt với nguy cơ mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng và khi sử dụng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh dẫn đến tiền mất, tật mang", ông Trần Văn Chung khuyến cáo.

Nguồn hanoimoi

Tin cùng chuyên mục