Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nhiều năm qua, trên vùng đất Bến Cầu, cây thuốc lá vàng được mệnh danh là “cây xoá đói giảm nghèo” của người nông dân.
Thế nhưng, gần đây người nông dân nơi đây không còn mặn mà với loại cây trồng này, bởi nó đòi hỏi nhiều công chăm sóc, từ bón phân, phun thuốc, bơm tưới, bẻ chồi cho đến lúc dọn lá chân.
Nếu cây phát triển đều đặn, lá to có phẩm thì bà con trúng mùa; còn như thời tiết không thuận lợi, có mưa trái mùa, thuốc lá vàng héo xụ, quăn đọt coi như nông dân mất trắng.
Cánh đồng trồng cây thuốc lá vàng của bà con nông dân ở ấp Tân Lập, xã Tiên Thuận bị héo lá sau cơn mưa trái mùa chiều 6.3.2018. |
Chiều 6.3.2018, trên địa bàn huyện Bến Cầu xuất hiện một cơn mưa trái mùa trên diện rộng, tuy không kéo dài nhưng lượng mưa rất lớn, đã làm cho nhiều ruộng thuốc lá vàng của bà con ở đây bị héo lá, chết cây.
Anh Nguyễn Văn Vặn (46 tuổi, nhà ở ấp Tân Lập, xã Tiên Thuận) đầu tư gần 100 triệu đồng trồng 2 ha thuốc lá vàng. Hiện sắp đến kỳ dọn lá chân thì cơn mưa ập đến làm héo xụ hơn 1,3 ha thuốc lá.
Nhìn đám thuốc lá, anh Vặn buồn rầu tâm sự: “Tôi gắn bó với cây thuốc lá vàng này gần 20 năm nên hiểu rất rõ đặc tính và kỹ thuật chăm sóc nó, vì vậy tôi vẫn quyết trồng loại cây này.
Hằng năm, tôi trồng 2 ha thuốc lá, sau khi thu hoạch, trừ đi chi phí cũng còn lãi khoảng vài chục triệu đồng. Việc xuất hiện cơn mưa trái mùa vừa qua xem như gia đình tôi mất trắng”.
Anh Nguyễn Văn Vặn tranh thủ hái những lá thuốc đã chín bị héo xụ. |
Theo anh Vặn, hiện nay toàn xã Tiên Thuận có hơn 200 ha thuốc lá vàng của bà con bị héo xụ, thiệt hại hơn 50%, “cầm chắc năm nay tôi và bà con lỗ nặng”- anh Vặn ngao ngán nói.
Theo quan sát, hầu hết những cánh đồng trồng thuốc lá vàng của bà con nông dân trên địa bàn huyện Bến Cầu đều bị thiệt hại do cơn mưa chiều 6.3. Trong đó, gần 200 ha thuốc lá vàng của bà con ở xã Tiên Thuận, do trồng trên vùng đất trũng, thấp nên gần như mất trắng.
Bên cạnh đó, có một số diện tích cây thuốc lá được trồng trên vùng đất cao nên thiệt hại không đáng kể.
Minh Tiên