Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Mùa Vu Lan, cùng hoà nhịp với “Hành trình yêu thương”
Thứ sáu: 06:13 ngày 01/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hành trình yêu thương - Nhật ký Thiện Nhân là cuốn sách đã lấy đi nước mắt của hàng triệu người. Nó truyền đi một thông điệp lớn lao về niềm tin và nghị lực sống, cũng như lan toả ngọn lửa của sự bao dung và tình thương con người.

Hành trình yêu thương - nhật ký Thiện Nhân là cuốn tự truyện của tác giả Trần Mai Anh. Cuốn sách được viết ra không phải để trở thành một ấn phẩm; nó được viết ra tựa như một quyển nhật ký mà chị Mai Anh dành cho con trai mình là bé Thiện Nhân. Sách được nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2017. Đây chắn hẳn sẽ là món quà ý nghĩa dành cho độc giả trong mùa lễ Vu Lan báo hiếu năm nay.

Trong khoảng mười năm qua, câu chuyện về bé Thiện Nhân luôn được giới truyền thông nhắc đến. Đó là cậu bé bị bỏ rơi trong vườn chuối, nằm trên hai cái lá đu đủ và được che kín bằng một cái mẹt rách. Cậu bé bị thú dữ cắn mất một chân, bị nhiều vết thương cứa sâu vào da thịt, côn trùng bu kín vết thương và cơ thể bé đã tím đen lại, điều đau đớn nhất là em bị mất bộ phận sinh dục. Nhưng may mắn thay, em đã được mẹ Mai Anh nhận nuôi và đưa em đi khắp nơi để chữa trị.

Cuốn sách chỉ vỏn vẹn 310 trang giấy, nhưng đó là cả một hành trình dài trên con đường giành lại sự sống cho Thiện Nhân. Chị Mai Anh tìm cách xin tài trợ cho đứa con nuôi, để đi trị bệnh ở các bệnh viện lớn trên thế giới như ở Thái Lan, Mỹ, Ý… để giúp con có thể đi lại được, đồng thời tái tạo bộ phận sinh dục cho con. Chị cũng là một trong những người sáng lập ra quỹ “Thiện Nhân và những người bạn”, thuộc Quỹ Phòng chống thương vong châu Á - khám, tư vấn và phẫu thuật miễn phí cho trẻ em không may khiếm khuyết bộ phận sinh dục. Từ năm 2011 đến nay, quỹ “Thiện Nhân và những người bạn” đã phẫu thuật cho khoảng 230 trường hợp, khám cho hơn 800 trẻ em trên khắp cả nước.

Đối với cha mẹ, con cái tựa như một báu vật mà ông trời đã ban tặng. Ấy vậy mà, Thiện Nhân sinh ra đã không cha, không mẹ, không tên, thành một đứa trẻ vô danh, tật nguyền. Nhưng hạnh phúc đã mỉm cười với em, khi em được mẹ Mai Anh nhận về nuôi, em được sống trong vòng tay của cha mẹ, của ông bà, của hai anh trai và hàng trăm người hảo tâm khác. Câu chuyện bắt đầu bằng âm hưởng của chết chóc và sự đơn độc nhỏ nhoi, nhưng lại được tiếp nối nhờ một sức sống mãnh liệt trong cùng cực nỗi đau và cô độc. Sinh mệnh này đã tạo nên một làn sóng xót thương và rung cảm không biên giới, màu da, sắc tộc.

Mỗi chương sách là một bước ngoặc lớn trong đời của Thiện Nhân, mẹ Mai Anh đã ghi chép rất kỹ từng ngày, tháng, năm, chụp từng tấm hình kỷ niệm cho Nhân. Em được các bác sĩ ở nước ngoài tận tình cứu chữa, được các nhà hảo tâm trong và ngoài nước thương yêu. Cái khoảnh khắc lần đầu tiên em “tè” được, bố mẹ nuôi đã vui sướng đến nỗi oà khóc.

Những cuộc hành trình nối tiếp hành trình, bà ngoại và mẹ Mai Anh đưa Thiện Nhân đi đến hết bệnh viện này sang bệnh viện khác, rồi cùng em vượt qua hết cuộc phẫu thuật này tới cuộc phẫu thuật khác. Tuy còn bé, nhưng Thiện Nhân rất biết chuyện, em không khóc quấy mà luôn ngoan ngoãn cho mẹ nghỉ ngơi sau những chặng đường dài. Mẹ Mai Anh thương bé Thiện Nhân như con ruột của mình, tìm mọi cách để con có được cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác và luôn dõi theo từng bước chân con đi, cho dù đôi chân ấy không lành lặn, tự nguyện làm đôi chân thứ hai của con, cùng con song hành trên mọi nẻo đường.

Cuốn sách đã ghi lại tất cả những vui buồn, những đau đớn, khổ cực mà Thiện Nhân đã trải qua trong cuộc đời em. Bằng tất cả trái tim người mẹ, chị Mai Anh đã dành những điều tốt đẹp nhất cho đứa con nuôi. Có thể nói, Hành trình yêu thương - Nhật ký Thiện Nhân là cuốn sách đã lấy đi nước mắt của hàng triệu người. Nó truyền đi một thông điệp lớn lao về niềm tin và nghị lực sống, cũng như lan toả ngọn lửa của sự bao dung và tình thương con người.

Sách đang có tại thư viện tỉnh Tây Ninh.

Yến Nhi

Tin cùng chuyên mục